Đầu tiên là câu chuyện của cậu bé Diego Suarez, người Chile. Năm 2004, Diego lên 7 tuổi, trong chuyến dạo chơi cùng Macarena, em gái của cậu trong vùng đồi núi Aisén (Nam Chile, một trong 15 phân khu hành chính của Chile, với thủ phủ của vùng là Coihaique) để tìm những viên đá trang trí, cậu tình cờ nhặt được hai viên đá nhỏ và có linh cảm chúng không phải là loại đá bình thường (vì nhẹ và mỏng hơn).
Đúng như cậu dự đoán, đó chính là hai mảnh đốt xương sống của một sinh vật thời tiền sử chưa từng được biết đến; và phát hiện của cậu đã gây chấn động ngành cổ sinh vật học những năm sau đó.
Nơi cậu nhặt được hóa thạch là vùng núi đá thuộc lớp kiến tạo địa chất Toqui (Cohaique Group là một nhóm lớp kiến tạo địa chất ở miền Tây Bắc Patagonia thuộc Chile, xếp theo thứ tự từ trên mặt đất xuống sâu dưới lòng đất gồm ba nhóm lớp kiến tạo địa chất Apeleg, Katterfeld và Toqui, tất cả đều thuộc thế Jura Muộn, cách nay 145 triệu năm. Lớp Toqui nằm ở phía nam dãy núi Andes thuộc Chile).
Cha mẹ của cậu (Manuel Suarez và Rita de la Cruz) vốn là hai nhà địa chất học, đã cho con trai và con gái của họ theo cùng trong một chuyến họ đi nghiên cứu địa chất từ vùng Cerro Negro (Brazil) đến Patagonia (khu vực địa lý bao gồm phần cực Nam của Nam Mỹ, thuộc Chile và Argentina).
Suốt chuyến đi này, họ chỉ khảo sát các lớp đá địa chất nhằm hiểu rõ hơn về sự hình thành của dãy núi Andes.
Họ nghĩ rằng cho con theo cùng để con được khám phá một miền đất mới, chứ không hề đoán trước được con mình sẽ có một phát hiện lý thú và hoàn hảo trong chuyến đi này.
Phát hiện này đã giúp Diego lập kỷ lục “Người trẻ tuổi nhất thế giới phát hiện hóa thạch loài khủng long chưa từng được khoa học biết đến” và được Tổ chức Guinness Thế giới chính thức công nhận kỷ lục vào năm 2017.
“Dựa vào tuổi của các lớp đá địa chất và những kết cấu của chúng, kết hợp với lịch sử của vùng đất này, tôi phán đoán rằng hóa thạch mà con tôi phát hiện phải là hóa thạch của loài khủng long”, mẹ của Diego cho biết.
Với suy nghĩ này, cha mẹ cậu nhanh chóng nghiên cứu chính xác về tuổi của cấu trúc đá nơi này cũng như tuổi của hóa thạch nói trên.
Sau đó, một nhóm chuyên gia cổ sinh vật học đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng hóa thạch của Diego và vui mừng công bố rằng đó chính là hóa thạch của một loài khủng long chưa từng được biết đến trên trái đất.
Họ đặt tên loài khủng long mới phát hiện này theo tên Diego Suarez, “Chilesaurus Diegosuarezi” nhằm vinh danh cậu bé như một nhà cổ sinh vật học trẻ tuổi.
“Hóa thạch đó chỉ là hai mảnh xương nhỏ, nhưng sau này đã được công nhận là một phần quan trọng của địa điểm hóa thạch đặc biệt tại dãy núi thuộc miền Patagonia ở Chile – nơi mà loài khủng long mới lạ này từng cư trú và tồn tại”, cha của Diego nói.
Ngày 18-6-2015, tạp chí khoa học uy tín của Mỹ Nature đã có ảnh bìa kèm bài viết dài giới thiệu phát hiện của cậu bé Diego và các khám phá của ngành cổ sinh vật học sau đó về loài khủng long kỳ lạ này.
“Chilesaurus Diegosuarezi thuộc loài khủng long lớn chuyên ăn thịt (theropod) đã tuyệt chủng trong họ Tetanurae và có quan hệ gần gũi với loài khủng long ăn thịt khét tiếng Tyranosaurus Rex, sinh sống trong thế Jura Muộn (Late Jurassic, thế thứ ba trong kỷ Jura ứng với niên đại địa chất cách nay 161,2 triệu năm đến 145,5 triệu năm, được lưu giữ trong các địa tầng Thượng Jura), có hình dáng như khủng long “thú mỏ vịt” vì sự kết hợp các đặc điểm kỳ lạ như cổ dài, đầu nhỏ và bàn chân nhỏ, có màng chân và mỏ như vịt, có gai độc và đuôi giống như hải ly, răng hình lá.
Chilesaurus Diegosuarezi là động vật có vú đẻ trứng, dài bằng kích cỡ loài gà tây cho đến hơn 3m, có cơ thể và hai chân sau (gồm bốn ngón chân với móng vuốt cong, sắc bén) đồ sộ, rắn chắc, nhưng hai chân trước ngắn ngủn và chỉ có hai ngón mỗi chân.
Rõ ràng, nó không dùng hai chân trước để săn mồi và nó thuộc loại khủng long ăn cỏ, dù có gốc gác từ loài khủng long ăn thịt.
Nó được mô tả các đặc điểm cơ thể giống như loài báo sư tử (puma), nhưng có chiếc đầu tương tự đầu của loài lạc đà không bướu vùng núi Andes (guanaco) và hai chân trước teo tóp giống như loài khủng long Tyranosaurus Rex”, Tiến sĩ Fernando Novas, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về Chilesaurus Diegosuarezi, đồng thời là Giám đốc Phòng thí nghiệm giải phẫu so sánh tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Bernardo Rivadavia ở thủ đô Buenos Aires (Argentina) cho biết.
Mặc dù Diego đã khám phá ra hóa thạch loài khủng long mới lạ Chilesaurus Diegosuarezi từ khi còn là cậu bé 7 tuổi, nhưng mãi đến năm 20 tuổi, anh mới nộp hồ sơ xin xác lập kỷ lục Guinness thế giới và được chứng nhận kỷ lục vào năm 2017, khi chân dung và đời sống của loài Chilesaurus Diegosuarezi đã được các nhà cổ sinh vật học Chile, Argentina và Đại học Birmingham (Anh) giải mã hoàn toàn, bằng việc hàng chục mẫu vật và bốn bộ xương khủng long đã được họ tiếp tục khai quật tại nơi Diego tìm thấy hóa thạch.
Anh đã tự hào khi có một phát hiện quý giá ở tuổi học sinh tiểu học, giúp ích rất lớn cho ngành cổ sinh vật học và làm phong phú hơn bản đồ sự tiến hóa của loài khủng long.
“Khi thế giới nghĩ rằng một điều gì đó không thể tồn tại ở nơi này, thì không có nghĩa là nó không có ở nơi ấy”, Diego cười vui và tư vấn câu danh ngôn khôn ngoan cho những thiếu niên muốn tự mình khám phá những điều quý giá cho khoa học.
Cũng thú vị không kém là câu chuyện của cậu bé người Đức Luca Malaschnitschenko, 13 tuổi. Cậu yêu thích môn khảo cổ và đang thọ giáo với người thầy của mình, Rene Schoen – một nhà khảo cổ học nghiệp dư.
Vào tháng 1-2018, Luca đã dùng máy rà kim loại tại một cánh đồng gần thị trấn Schaprode ở phía Bắc đảo Rugen (đảo thuộc vùng biển Baltic ở Đông Bắc Đức, có diện tích 926,4km2 lớn nhất nước Đức, thuộc quận Vorpommern-Rugen, bang Mecklenburg – Vorpommern) và đã tìm thấy một vật giống như miếng nhôm phế liệu.
Nhưng sau khi rửa sạch đất bám trên vật ấy, Luca nhận thấy nó là một đồng xu bằng bạc cổ xưa, có chạm khắc bốn hình thập tự giá.
Sau khi xin phép chính quyền để được tiếp tục đào sâu hơn, cậu bé và thầy của mình đã bất ngờ phát hiện nhiều đồng tiền bằng bạc cổ xưa khác, được phỏng đoán có niên đại thế kỷ 9 hoặc 10.
Thế là họ kết hợp với các chuyên gia của Văn phòng khảo cổ học bang Mecklenburg – Vorpommern để đào bới, tìm kiếm quy mô trên diện tích 400m2 thuộc cánh đồng và khám phá ra cả một… kho báu vô giá có từ thế kỷ 10 của vua Harald Đệ nhất!
Vị vua này còn có tên Harald “Răng Xanh” Gormsson (Harald “Bluetooth” Gormsson), bởi vua có một chiếc răng hư màu hơi xanh, nên mới có biệt danh “Răng Xanh”.
Ông là vua Đan Mạch và Na Uy, thống nhất và trị vì Đan Mạch từ năm 958-985, chinh phục và cai trị Na Uy trong khoảng năm 970-974; đồng thời là người có công truyền bá Cơ đốc giáo vào Đan Mạch.
Ông cũng là một trong những vị vua Viking cuối cùng của xứ sở mà ngày nay gồm Đan Mạch, Bắc Đức, Nam Thụy Điển và một phần Na Uy; đồng thời là anh hùng có nhiều chiến tích trong lịch sử Bắc Âu và có khả năng thống nhất vùng Scandinavia (Bắc Âu) thời cổ đại, nên để tưởng nhớ công lao của ông, tên Bluetooth của ông hiện nay được hãng viễn thông Thụy Điển Ericsson đặt tên cho một loại công nghệ truyền thông không dây mà hãng này phát minh ra. Các thiết bị Bluetooth của Ericsson thường đi kèm biểu tượng HB chính là viết tắt của tên vua Harald Bluetooth.
Kho báu đã hoàn tất việc đào bới và khám phá vào giữa tháng 4-2018, gồm hơn 600 trăm đồng xu cổ xưa và nhiều đồ vật quý bằng bạc có từ thời vua Harald Đệ nhất, trong đó có ngọc trai, dây chuyền, vòng đeo tay, nhẫn, ghim hoa cài cổ áo (brooch) và một chiếc búa của thần Thor (vị thần của sấm sét, giông bão và sức mạnh theo thần thoại Bắc Âu).
Trong số tiền xu, có cả đồng xu cổ xưa hơn, như đồng Dirham của xứ Damascus (nay thuộc Syria) sản xuất năm 714, trong khi đồng xu mới nhất trong kho báu này được đúc năm 983.
Điều này minh chứng rằng kho báu đã được chôn vào cuối thập niên 980 – thập niên mà vua Harald Đệ nhất đã trốn chạy sau trận chiến với Sweyn Forkbeard (960-1014, con trai ông, người đã lật đổ ông và trở thành vua Đan Mạch, Anh và một số khu vực ở Na Uy) vào khoảng năm 985.
Ông lưu vong đến Pomerania (khu vực lịch sử nằm trên bờ Nam biển Baltic, nay thuộc cả Đức và Ba Lan, trong đó có đảo Rugen – nơi chôn kho báu của ông) và qua đời tại đây vào năm 986 hoặc 987.
“Kho báu ở Schprode là trường hợp hiếm thấy, khi liên quan đến một sự kiện có thật trong lịch sử, đồng thời là kho báu lớn nhất của triều đại vua Harald Đệ nhất được phát hiện ở vùng Đông Nam biển Baltic, nên có tầm quan trọng rất cao.
Châu Âu và Đan Mạch phải cảm ơn cậu bé Luca, người có công lớn trong việc khám phá kho báu này để các nhà sử học có thêm nhận định đúng đắn về thời kỳ trị vì của vua Harald Đệ nhất”, các nhà khảo cổ học Đức Detlef Jantzen và Michael Schirren cho biết.
Luca và thầy của mình được yêu cầu giữ bí mật sau phát hiện quý giá của họ từ tháng 1-2018 đến giữa tháng 4-2018, để các chuyên gia khảo cổ có thời gian đào tìm kho báu.
Sau đó, cả hai còn được mời tham gia vào việc phục chế hiện vật trong kho báu. Luca là thiếu niên muốn biến ước mơ săn tìm hiện vật khảo cổ thành sự thật và cậu đã kiên trì học hỏi, thực nghiệm, để rồi thành công rực rỡ.