Từ nhiều năm nay, Câu lạc bộ “Cùng sánh bước” và họa thất 5P do vợ chồng họa sĩ Nguyễn Long Sơn – Nguyễn Thị Tâm sáng lập đã quen thuộc đối với sinh hoạt tạo hình tại TP. Hồ Chí Minh.
Hơn 30 năm qua, nhiều lớp học viên đã trưởng thành từ cái nôi ấy và tự tin tham gia vào hoạt động mỹ thuật của thành phố. Lý do ra đời lớp học vẽ tại gia này được họa sĩ Nguyễn Thị Tâm nhớ lại: “Xuất phát từ những chông chênh của cuộc sống với muôn vàn câu hỏi: làm gì, học gì, tiêu khiển gì…, tôi mời gọi vài người bạn đến nhà để chia sẻ sự hiểu biết của tôi về hội họa. Từ đó, những người bạn, người quen đã tập hợp lại thành một nhóm học vẽ”.
Để kỷ niệm chặng đường dài có biết bao hợp tan, chia ly và hội ngộ ấy, những thành viên của 5P đã cùng nhau thực hiện ấn phẩm “Artsteps 5P Studio” như một tập kỷ yếu để cùng trải lòng với tình yêu hội họa, và cũng là một nén tâm hương gửi đến họa sĩ, người thầy Nguyễn Long Sơn ra đi chưa lâu. Hai mươi ba gương mặt thầy – trò chỉ là con số nhỏ học viên của 5P, như một cái duyên góp mặt trong quyển sách mà qua đó, bạn bè của mái nhà chung này sẽ ấm lòng khi thấy bóng dáng mình trong đó. “Hậu trường” những lần đi thực tế sáng tác từ Bắc chí Nam là những bức ảnh được lưu giữ cẩn thận mà bây giờ nhìn lại, ai cũng thấy hội họa “cho” họ nhiều thứ quá.
Có những người đã định cư ở nước ngoài từ lâu và làm nhiều công việc khác nhau không liên quan đến nghệ thuật, nhưng hội họa vẫn là niềm đam mê không dứt bỏ được như Phan Mộng Hoàn, Kim – Hoang Tran, Nguyễn Huy Khuê, Đinh Ngọc Anh, Trần Quốc Định… Có người tự nhận mình chỉ là kẻ rong chơi trong khu rừng hội họa như Trần Thị Duyên, bởi xuất thân từng là phóng viên, mãi đến khi về hưu, không còn vướng bận công việc, chị mới có thời gian được sống với ước mơ thời niên thiếu của mình “một cách rón rén”. Chị tâm sự rằng không dám ước mơ hay bon chen mà chỉ xem hội họa là một thú vui tao nhã, giúp rũ bỏ phiền muộn cho lòng thư thái, để thấy cuộc sống vui đẹp hơn. Kiến trúc sư Cổ Văn Hậu đến với hội họa cũng thật tình cờ để rồi trở thành người anh cả, luôn kề vai sát cánh trong mọi hoạt động của 5P.
Có thể thấy mỗi người có một lý do riêng để đến với hội họa, đơn giản như Diệu Thúy “vẽ vì trái tim tôi muốn làm điều đó”. Nếu Nguyễn Kim Tiếng xem hội họa là thú tiêu khiển thì Nguyễn Như Khôi chỉ vẽ cho chính mình, còn Nguyễn Phi Long thì “vẽ để tâm hồn thư thái và cũng để thay lời muốn nói, mong tìm được sự đồng cảm và chia sẻ của mọi người”. Kim – Hoang Tran “vẽ vì những nét đẹp chung quanh, cái đẹp của thiên nhiên, con người, đất nước”. Có người xem hội họa là một giải pháp trị liệu “vẽ để kiềm chế tính nóng nảy của mình, để được chơi với màu sắc, được thử sức mình trong hội họa” như bày tỏ của Trác Phiêu. Còn lý do cầm cọ của Lê Thị Thư Nguyệt nghe như một nốt trầm “vẽ để xóa những khoảng lặng về chiều”. Bên cạnh những dòng tâm sự là những tác phẩm gắn với chặng đường sáng tác của mỗi người. Mỗi người một phong cách nhưng nhìn tranh của họ, thấy quê hương mình thật đẹp, bình yên và thơ mộng.
Sách dày 176 trang, khổ 21,6 x 30,3cm do Nhà xuất bản Thông Tấn ấn hành. Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm cho biết, vào 11-1 sắp tới, nhóm sẽ tổ chức triển lãm thường niên với chủ đề “Khoảnh khắc mùa Xuân”, và cũng để giới thiệu quyển sách trên đến với bạn bè, công chúng tại Nhà Trưng bày triển lãm TP. Hồ Chí Minh (92 Lê Thánh Tôn, quận 1).
- Thanh An