Brazil và Nam Phi là hai thành viên trong khối BRICS đang đối mặt với khủng hoảng chính trị và kinh tế, tổng thống hai nước đang bị áp lực từ chức, trong khi đó Nga vẫn đang lúng túng vì tình hình dầu mất giá kéo dài. Tiến trình chuyển đổi kinh tế ở Trung Quốc xuất hiện nhiều ẩn số, chỉ có Ấn Độ được xem là vùng an toàn còn hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Bức tranh về triển vọng của BRICS, tổ chức bao gồm các quốc gia trên đây đang đứng trước những thách thức không vượt ra ngoài dự đoán của một số nhà phân tích cách đây 15 năm.
Năm 2001, lần đầu tiên trong báo cáo của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, chuyên gia kinh tế Jim O’Neil đề cập đến nhóm BRIC gồm bốn nền kinh tế đang trên đường trở thành những người khổng lồ là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau này có thêm Nam Phi nhập cuộc để trở thành BRICS. Mười lăm năm trước, bốn nền kinh tế triển vọng này tuy chỉ chiếm 8% tổng sản lượng toàn cầu nhưng hàng tỉ USD đã đổ về những nơi đầy tiềm năng.
Vậy mà đến tháng 11-2015, Goldman Sachs đã âm thầm khóa sổ quỹ đầu tư dành cho khối BRICS bởi vì vỏn vẹn trong năm năm, 88% quỹ này đã tan thành mây khói. Giới đầu tư không còn kỳ vọng vào nhóm BRICS dù ngày nay chỉ riêng một mình Trung Quốc đã tạo ra 13,3% GDP toàn cầu và chiếm tỷ trọng lớn gần gấp đôi so với khả năng các nước khác trong nhóm cộng lại.
Trong một bài phân tích đăng trên nhật báo kinh tế Pháp La Tribune tháng 11-2015, chuyên gia tài chính – ngân hàng Michel Santi nêu lên nhiều lý do giải thích cho sự không bền vững của BRICS – đó là xuất phát từ một sự liên kết gượng ép giữa các nền kinh tế có mức độ phát triển, công nghiệp, văn hóa, ý thức chính trị quá khác nhau.
Thêm vào đó, các thành viên chỉ tỏ thái độ đoàn kết bề ngoài, còn về mặt thương mại họ là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của nhau. Từ Brazil đến Trung Quốc, nước nào cũng hô hào tự do hóa mậu dịch, nhưng trên thực tế từng nước lại chủ trương bảo hộ và áp đặt hạn ngạch nhập khẩu. Đó là chưa kể Trung Quốc là mục tiêu tấn công thường xuyên của những người anh em cùng khối.
Năm 2011, khi BRICS hình thành, Trung Quốc là đầu tàu với tỷ lệ tăng trưởng trên 10% một năm, “công xưởng của thế giới” như một thỏi nam châm thu hút đồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào dầu thô, than đá và thép do nhu cầu phát triển đô thị.
Đến năm 2015, GDP của Trung Quốc tăng chậm hơn Ấn Độ và các dự báo đều cho rằng thời kỳ tăng trưởng thần kỳ của nước này đã trôi qua. Trong khi người khổng lồ Đông Bắc Á đang gặp nhiều thách thức thì tại Nam Á, Ấn Độ đang thực sự vươn lên, tự hào với tăng trưởng 7,5% và được Quỹ Tiền tệ quốc tế xem là trụ cột của khối các quốc gia đang phát triển. Ấn Độ phải nhập khẩu đến 8% dầu lửa để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của hơn 1 tỉ dân, chỉ riêng trong năm 2015 đã tiết kiệm được hóa đơn năng lượng đáng kể khi giá dầu chỉ còn khoảng 30 USD một thùng.
Trái ngược với lợi ích của Ấn Độ nhờ giá dầu xuống thấp là sự thất lợi của Nga. Năm 2015 nước xuất khẩu vàng đen này GDP sụt giảm 3,8% so với năm 2014, nguồn thu ngân sách giảm đến 50%.
Trong khi đó, hai thành viên sau cùng của BRICS là Brazil và Nam Phi đều đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép. Bên cạnh những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế – xã hội, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và người đồng cấp Jacob Zuma ở Nam Phi cũng bị đe dọa phế truất vì tai tiếng tham nhũng.
Nhưng đối với cả hai thành viên này, trong khi tình trạng tham nhũng đang đè nặng lên tiềm năng phát triển của nền kinh tế, thì khủng hoảng hiện tại còn xuất phát từ việc trông cậy hoàn toàn vào xuất khẩu thô tài nguyên mà khách hàng của họ lại là người anh em Trung Quốc. Khi nền kinh tế Trung Quốc chựng lại thì đương nhiên hai nền kinh tế Brazil và Nam Phi bị vạ lây. Nga cũng trong tình trạng tương tự như vậy.
Xuất khẩu tài nguyên chưa bao giờ là phương thức tốt nhất cho một đất nước đang đi tìm con đường phát triển, khó khăn của các nền kinh tế trong nhóm BRICS là ở điều này.
BRICS đã hình thành từ sự liên kết giữa các quốc gia muốn thoát khỏi sự kềm kẹp của Mỹ, EU và Nhật Bản và trong ngôi nhà chung đó mỗi quốc gia tìm cho mình một hướng đi riêng.
Nếu Trung Quốc lấy xuất khẩu làm chủ đạo thì Nga lại dựa vào các nguồn tài nguyên khai thác. Từ năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ, BRICS với tỷ lệ tăng trưởng cao và là những nền kinh tế năng động trở thành địa chỉ lý tưởng cho những nhà tư bản đầu tư toàn cầu. Những tính toán đó bắt đầu thay đổi khi châu Âu và nhất là Mỹ đang từng bước phục hồi, trong khi BRICS phải đương đầu với rất nhiều thách thức như đã nói từ đầu: (1) các thành viên chưa khắc phục được nhược điểm trong mô hình phát triển mà tham nhũng là trở ngại đầu tiên, (2) những khác biệt về mức độ phát triển của các thành viên ngày càng rõ nét và (3) các thành viên trong khối cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Viết Đỉnh tổng hợp (DNSGCT)