Chính phủ đang có nhiều động thái đưa hoạt động của các doanh nghiệp vào quỹ đạo lành mạnh hơn mà một trong những giải pháp được đề ra là lập “siêu ủy ban” quản lý các tập đoàn. Chính phủ sẽ thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp lên tới 1,2 triệu tỉ đồng, giá trị tài sản là hơn 3,1 triệu tỉ đồng. Như vậy, đây sẽ là một siêu cơ quan quản lý khối tài sản lớn nhất Việt Nam.
Cơ quan này có nhiệm vụ tập trung giám sát nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp, đồng thời thực hiện các chủ trương, định hướng về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên nguyên tắc bảo toàn và tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước được giao quản lý.
Ủy ban trực thuộc Chính phủ và chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Danh sách dự kiến doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp chuyển giao cho Ủy ban quản lý gồm 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có chín tập đoàn gồm Dệt may Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản, Bưu chính – Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp Cao su Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Bảo Việt.
Các tổng công ty lớn khác như Tổng công ty Cà phê, Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Đường sắt, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Thuốc lá Việt Nam, Giấy Việt Nam, Thép Việt Nam, Công nghiệp Tàu thủy, Sông Đà, Đầu tư Phát triển nhà và đô thị, Truyền thông đa phương tiện, Cảng hàng không Việt Nam, Máy động lực và máy nông nghiệp, Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp, Lâm nghiệp Việt Nam, Dược Việt Nam, Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn, Rượu-Bia-Nước giải khát Hà Nội.
Ủy ban này sẽ xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch năm năm và hằng năm của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Thực hiện cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo phương án được Chính phủ phê duyệt. Xây dựng danh mục đầu tư; thiết lập thông tin đánh giá danh mục đầu tư, giá trị vốn đầu tư, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả hoạt động của cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước; người đại diện tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Ủy ban thực hiện chức năng giám sát thông qua người đại diện đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước.
Khi phát hiện tình hình hoạt động của doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro, phải cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp. Chỉ đạo doanh nghiệp có giải pháp kịp thời ngăn chặn, khắc phục các rủi ro, yếu kém; đưa ra các biện pháp chấn chỉnh và xử lý sai phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
Một động thái khác liên quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành thông tư hướng dẫn công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài; bảo đảm quá trình đầu tư của dự án được tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Việc theo dõi, kiểm tra này cũng nhằm phát hiện những vấn đề bất hợp lý, các vi phạm trong việc tổ chức thực hiện để kịp thời chấn chỉnh hoặc kiến nghị việc điều chỉnh pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Thông tư này, nội dung kiểm tra gồm tiến độ góp vốn điều lệ, vốn đầu tư; tình hình góp vốn pháp định; tổng vốn đầu tư thực tế so với tổng vốn đầu tư đăng ký; tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện các mục tiêu đầu tư của dự án, chuyển giao công nghệ theo cam kết của dự án (nội dung công nghệ, hiệu quả chuyển giao công nghệ, việc lắp đặt máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư).
Việc thực hiện các cam kết và đáp ứng điều kiện đầu tư, đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của nhà đầu tư khi dự án đi vào hoạt động cũng sẽ được đưa vào công tác theo dõi, kiểm tra này.
Ngoài ra, việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (như thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước…); các quy định pháp luật về lao động; thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang bảng lương; đăng ký nội quy lao động với cơ quan có thẩm quyền cũng được yêu cầu kiểm tra.
Việc thực hiện các chế độ, chính sách về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn,… đối với người lao động cũng nằm trong diện phải kiểm tra của thông tư này,…
Các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ bị kiểm tra về việc tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai, thuê đất, sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường; tình hình tài chính.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ có ba hình thức kiểm tra gồm: kiểm tra định kỳ được tiến hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hằng năm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra đột xuất và kiểm tra chuyên ngành. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài thực hiện theo nguyên tắc đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục và trên cơ sở quy định pháp luật; không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi đối tượng, thời gian và nội dung kiểm tra; phối hợp trong theo dõi, kiểm tra, đánh giá; công khai, minh bạch, không gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang trong quá trình theo dõi, kiểm tra và đánh giá.
Ngoài ra, tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định xây dựng một chính phủ kiến tạo phát triển, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, xóa bỏ cơ chế xin cho, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Ông đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phải nắm vững tinh thần xây dựng chính phủ trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí, có kỷ luật, kỷ cương, hoạt động với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt phải tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, người dân làm cái gì mà pháp luật không cấm. Tinh thần cởi mở này phải được thể hiện rõ hơn trong chỉ đạo và điều hành.
Thủ tướng nói: “Xét đến cùng, tăng trưởng kinh tế là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và các địa phương là tạo tiền đề để người dân và doanh nghiệp tạo nên tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo. Muốn vậy phải tập trung cải cách thể chế và định hình nội dung tái cơ cấu, để đưa ra giải pháp thực hiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo phải tiếp tục cải cách thể chế, phân cấp mạnh mẽ tới các địa phương, tăng cường minh bạch và trách nhiệm thực thi, hạn chế tối đa để tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho trong tất cả các lĩnh vực, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Đặc biệt Thủ tướng cũng quán triệt phải đẩy mạnh xã hội hóa, những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm thay vì Nhà nước làm. Khu vực doanh nghiệp nhà nước phải ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn. Coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, tạo việc làm mới.
Gia Minh (DNSGCT)