Hoàng Thế Nhiệm là một tên tuổi quen thuộc trong làng nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, được nhiều người biết đến với mảng đề tài ảnh phong cảnh, phủ sóng ảnh lịch từ nhiều năm qua.
Hai mươi năm cầm máy, gia tài của anh là một thư viện ảnh khổng lồ mà có dịp được xem, chắc hẳn nhiều người sẽ choáng ngợp và thán phục. Từ năm 2007 đến nay, anh đã có nhiều triển lãm cá nhân tại Việt Nam, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Singapore, Mỹ, Hongkong (Trung Quốc)… và sở hữu nhiều giải thưởng danh giá trong nghề.
Cứ tưởng người đàn ông có máu lang bạt kỳ hồ này rất phong trần, có phần “hầm hố”, nhưng khi trò chuyện, chúng tôi khá bất ngờ vì thấy đó là một người nhẹ nhàng, chuẩn mực như một công chức…
Hình như nhiếp ảnh không phải là nghề đầu tiên của anh, vì sao anh lại bén duyên và gắn bó với nó?
Trước đây tôi từng làm nghề thông tin hàng hải, có nhiều năm đi biển nhưng rồi đến với nhiếp ảnh như một cơ duyên đã được sắp đặt. Lý do chính khiến tôi từ giã nghề là do công việc thường gắn với việc đi buôn, mà tôi thì không thích kinh doanh.
Thấy không hợp nên xin lên bờ làm ở phòng kỹ thuật vô tuyến, vừa để tranh thủ có thời gian rảnh bạn bè rủ nhau đi chụp hình với số máy ảnh sưu tập trong lúc đi biển.
Mới đầu tôi tưởng chỉ là thú chơi giải trí, nhưng không ngờ càng chụp càng thấy đó là niềm đam mê không từ bỏ được. Thế là dấn thân vào nghề. Đó là năm 1995, lúc tôi đã 35 tuổi.
Nhưng để đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp mà chỉ có đam mê thì chưa đủ…
Đúng vậy, làm việc gì đều phải học, nhưng có đam mê thì sẽ có động lực hơn. Tôi “vào ngang” như thế cũng có cái dở là không có bài bản từ đầu nên phải bỏ nhiều thời gian, công sức để đầu tư về kiến thức. Vì vậy tôi đã không tận dụng được hết thời tuổi trẻ sung sức nhất. Đó là sự nuối tiếc của tôi.
Từ bao giờ thì anh chuyên về chụp phong cảnh? Anh có tự hào với danh xưng được tặng là “nhà nhiếp ảnh phong cảnh hàng đầu Việt Nam” hiện nay?
Lúc đầu cầm máy tôi cũng chụp đủ thứ, nào là chân dung, quảng cáo, phong cảnh… nhưng khi định hình phong cách thì tôi chuyên về phong cảnh hơn. Tôi nghĩ tiềm ẩn trong bản thân mỗi người, ít nhiều ai cũng thích ngắm nhìn cảnh đẹp, chỉ khác nhau là có điều kiện bộc lộ hay không mà thôi.
Được mọi người yêu mến thì tôi cũng vui, nhưng thật tình tôi không thích danh xưng “nhà nhiếp ảnh phong cảnh hàng đầu” vì như vậy hóa ra nghệ thuật nhiếp ảnh có công thức quá. Trong khi bản chất nghệ thuật không bao giờ có giới hạn, cũng như niềm đam mê là vô hạn. Sự “định vị” như vậy còn có cái hại là gây ảo tưởng cho nhiều người.
Nói tới ảnh phong cảnh của Hoàng Thế Nhiệm, nhiều người chỉ nhớ đến những bức ảnh hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng. Có phải đây là thế mạnh của anh hơn những phong cảnh khác?
Chụp phong cảnh thì những gì liên quan tới thiên nhiên tạo ra cái đẹp, từ sông suối, núi, hồ, đồi cát… tôi đều có chụp, nhưng không phải ảnh nào tôi đều giới thiệu ra ngoài. Trước đây việc lưu trữ chưa bài bản, nhưng sau này nhờ có website (http://www.hoangnhiem.com) mà tôi để lên đó rất nhiều. Bạn nói tôi thiên vị cũng có phần đúng, vì trong phong cảnh tôi thích cảnh núi non hơn, khi chụp nó cho tôi cảm giác chinh phục và khám phá hơn.
Tôi muốn một bức ảnh đẹp phải do tôi nghĩ ra từ góc chụp và kỹ thuật thể hiện để truyền cảm xúc vẻ đẹp thiên nhiên đến người xem qua tác phẩm ảnh. Tôi không thích phải đuổi theo, lặp đi lặp lại phong cách, góc nhìn rất thành công mà người đi trước đã thực hiện được. Sức người có giới hạn nên tôi dành sức lực để khai thác các đề tài của riêng mình.
Có phải anh muốn nói đến thời tiết, yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công cho nhà nhiếp ảnh phong cảnh?
Hình phong cảnh đẹp trước hết phụ thuộc vào thời tiết, sau đó là kỹ thuật thể hiện và thời gian đầu tư tương xứng mới có được tác phẩm đạt chất lượng. Thời tiết dù xấu cũng có cái độc đáo của nó mà người cầm máy có kinh nghiệm sẽ biết cách khai thác.
Mỗi lần đi chụp, được 10% số lượng ảnh đạt yêu cầu do hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa là tôi đã thấy thành công rồi.
Anh đi sáng tác ảnh từ Bắc chí Nam, nhưng lại không thấy ảnh về Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, nơi anh sống. Có phải cái gì thân thuộc quá thường bị bỏ quên chăng?
Tôi sống ở Sài Gòn nhưng ít khi ở nhà. Khi nào ở Sài Gòn thì phần lớn tôi làm việc ở nhà, ít khi ra ngoài đường, đến độ quán xá cà phê cũng không rành. Với Sài Gòn, tôi không có tâm lý người đi tìm kiếm mà trở về nhà để xử lý hình ảnh trong các chuyến đi, cũng như làm việc với khách hàng.
Bây giờ kỹ thuật số đã làm thay con người rất nhiều nên việc có được một bức ảnh đẹp cũng đơn giản hơn. Vậy theo anh, đâu là ranh giới nhận biết giữa nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và người cầm máy thông thường?
Thời chưa có kỹ thuật số, chụp ảnh bằng phim thì người chụp phải có kỹ thuật thực thụ mới xử lý được ảnh đẹp. Bây giờ máy ảnh kỹ thuật số phổ biến, nó rút ngắn thời gian đầu tư kỹ thuật để trở thành nhà nhiếp ảnh. Người chụp ảnh không cần những kỹ năng chụp phim như kỹ thuật phòng tối, tráng phim… vẫn có được ảnh đẹp. Với công nghệ số hiện nay, nhìn bề ngoài tưởng dễ chụp, nhưng để làm chủ được công nghệ số, làm chủ được ý đồ và kỹ thuật thể hiện cũng phải học rất nhiều.
Sự khác nhau giữa nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và người cầm máy thông thường đó là nhiếp ảnh gia là người nắm vững kỹ thuật làm chủ máy ảnh, bắt máy ảnh phục vụ cho những ý đồ sáng tạo về cách nhìn. Bây giờ ai cũng có tâm lý là mua máy tốt thì sẽ có ảnh đẹp nên có tới 90% máy điều khiển cái nhìn con người.
Trước kia tuy đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc chụp phim, nhất là phim dương bản khổ lớn, nhưng khi chuyển sang thời kỹ thuật số với nhiều kỹ thuật mới cùng các tính năng hỗ trợ phong phú từ các dòng máy số hiện đại, tôi vẫn phải bỏ nhiều công sức để học hỏi cách làm chủ cái nhìn.
Với nhiếp ảnh, theo anh việc có nhiều người tham gia cầm máy có phải là một tín hiệu vui về sự khởi sắc của sân chơi này?
Đúng vậy. Có nhiều người quan tâm, tham gia vào thú chơi này thì dần dần sẽ nâng tầm thưởng thức nhiếp ảnh lên cao hơn, và sẽ có cơ hội xuất hiện những nhân tố đặc biệt. Và như vậy, việc cảm thụ hình ảnh của mỗi người nói riêng và cộng đồng nhiếp ảnh nói chung có điều kiện điều chỉnh chính xác hơn, nâng lên mức tốt nhất có thể. Lúc đó mới phân biệt được đâu là giá trị thật mà bức ảnh mang lại từ nội dung đến sự tinh tế của từng pixel ảnh.
Những chuyến đi sáng tác của anh chắc rất thú vị khiến nhiều người muốn được anh chia sẻ. Câu hỏi nào anh thường gặp nhất?
Chỉ thú vị với những ai đam mê thôi, còn lại thì rất cực nhọc. Tôi được phỏng vấn cũng nhiều, tùy theo đối tượng mà người ta có những câu hỏi khác nhau. Người cùng đam mê cầm máy thì sẽ thắc mắc tại sao tôi tìm được khoảnh khắc như vậy.
Với người kinh doanh họ sẽ hỏi tôi làm cách nào để bán được ảnh. Nhà báo thì thường hỏi những trăn trở của tôi trong công việc: Tại sao tôi có thể bỏ thời gian dài để theo đuổi mà không biết có đạt được mục đích hay không? Gia đình tôi như thế nào?
Nhiếp ảnh phong cảnh là đi tìm cái đẹp thiên nhiên, việc săn ảnh, xách giỏ đi đến một nơi nào đó để chụp hình là một việc tuy cụ thể nhưng kết quả rất mông lung. Công việc phải đi lang bạt ngày này tháng kia như vậy không dễ chấp nhận đối với cuộc sống gia đình.
Xin hỏi anh thêm một câu về gia đình. Những người đam mê một thú chơi hay nghệ thuật nào đó thường hay bị vợ càm ràm vì thường “đốt” thời gian và tiền bạc vào nó. Không biết bà xã anh là người ủng hộ hay chịu đựng anh?
Cả hai. Thứ nhất, ủng hộ vì vợ chồng có sự tôn trọng lẫn nhau. Còn “chịu đựng” là chấp nhận thời gian đi biền biệt của chồng. Hơn hai mươi năm nay là như vậy, mỗi lần tôi đi từ một tháng đến ba, bốn tháng mới về.
Ngày xưa điện thoại cũng không có, không ai quản lý mình hết nhưng tôi tự quản lý mình. Tôi biết cuộc sống gia đình trong giới nhiếp ảnh thường bị rạn nứt, tan rã, bằng mặt mà không bằng lòng cũng nhiều.
Khi đi sáng tác tôi đầu tư hết sức để có tác phẩm ưng ý nhưng với tôi gia đình mới là nơi quan trọng nhất. Để có sự tôn trọng, thấu hiểu và chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau thì mình phải tạo niềm tin trước.
Sở hữu khá nhiều giải thưởng danh giá trong nước, anh đã hài lòng về sự nghiệp của mình chưa? Mục tiêu sắp tới của anh là gì?
Tôi nói thật, nhưng không biết người ta có tin không. Đó là với tôi, giải thưởng không quan trọng. Điều quan trọng là mình phải làm thật tốt công việc của mình. Còn khi làm chưa tốt mà nghĩ đến giải thưởng thì là điều bất khả.
Tuổi càng lớn, sức ì càng nhiều. Khắc phục được điều này là điều không dễ nên tôi cố gắng hoàn thiện mình. Bạn biết đấy, thiên nhiên không thay đổi, nó vẫn đứng yên một chỗ nên mình phải thay đổi cái nhìn để có hình mới. Làm sao qua mỗi tác phẩm phải có sự sáng tạo để truyền cảm hứng đến cho người xem là một thử thách rồi.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.