Chỉ trong tháng đầu năm 2013, mức thâm hụt mậu dịch của nước này đã lên đến 1.600 tỉ yen, tương đương 17,1 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mối tương quan giữa hai lĩnh vực xuất và nhập khẩu, tháng 1 vừa qua, xuất khẩu Nhật Bản vẫn còn có những dấu hiệu lạc quan với mức tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh khu vực đồng euro chưa khắc phục được cuộc khủng hoảng nợ công, hàng hóa Nhật Bản xuất cho thị trường Mỹ tăng 10,9% so với tháng 1-2012. Những căng thẳng trong việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc chưa có tác động xấu: tháng đầu năm 2013, trị giá hàng hóa Nhật Bản xuất cho Trung Quốc tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng sự gia tăng xuất khẩu không bằng mức gia tăng nhập khẩu, khiến mức thâm hụt thương mại nước này lên đến trên 17 tỉ USD. Loại hàng hóa quan trọng mà Nhật Bản phải nhập khẩu nhiều là xăng dầu, do hầu hết các nhà máy điện hạt nhân đã ngưng hoạt động. Riêng khí hóa lỏng nhập khẩu tăng đến trên 28% so với cùng kỳ năm trước. Theo các nhà bình luận, một trong những khó khăn lớn nhất mà chính phủ của ông Shinzo Abe phải đối mặt là trong tương lai gần, sự căng thẳng và nguy cơ xung đột về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ dẫn đến những tổn hại khó tránh trong quan hệ thương mại Nhật – Trung, trực tiếp tác động lên doanh số xuất khẩu của Nhật Bản.
Chính quyền Tokyo buộc phải đề ra nhiều biện pháp cấp thời để khắc phục tình trạng khiếm hụt mậu dịch, đồng thời từng bước đưa nền kinh tế đi lên. Việc đầu tiên là bơm 10.300 tỉ yen, tương đương 116 tỉ USD, vào các khoản chi cho cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh doanh nhằm tăng mức đầu tư. Tokyo hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng thêm 2% và tạo ra 600 ngàn công ăn việc làm.Biện pháp kế tiếp là hạ giá đồng yen gần 15% so với USD (hiện ở khoảng 88,97 yen ăn 1 USD), giúp giảm giá hàng xuất khẩu của Nhật ra thị trường nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa các nước khác.Ngoài ra, chính quyền Abe còn giao cho ngân hàng trung ương nghiên cứu vấn đề lãi suất để kích thích nền kinh tế.Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) vẫn duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 0 – 0,1%/năm, nhằm đối phó với tình trạng giảm phát.Nay để góp phần kích thích kinh tế, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng nội địa, BOJ đặt ra mục tiêu lạm phát 2%. Theo các nhà phân tích, việc bơm tiền vào nền kinh tế chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, về lâu về dài, Nhật Bản cần có những phương thức hữu hiệu hơn nữa để hỗ trợ các nhà xuất khẩu và gia tăng mức tiêu dùng nội địa. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, đồng thời cũng là một trong những thị trường tiêu thụ phát triển nhanh nhất thế giới, vì thế sự dàn xếp có hiệu quả các mối bất đồng về lãnh thổ giữa hai nước cũng là điều kiện không thể thiếu trong việc duy trì và phát triển các cơ hội giao thương. Trên thị trường nội địa, Nhật Bản cũng cần đề ra những quy định dễ dàng trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống như xây dựng, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và phát triển nông nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.