Sản lượng công nghiệp Nhật Bản bất ngờ giảm mạnh trong tháng 8 cùng với chi tiêu của người dân tiếp tục đà sa sút cho thấy nền kinh tế thứ ba thế giới đang phải gánh chịu những hệ lụy từ sau đợt gia tăng thuế mua sắm của chính phủ từ tháng 4-2014. Những số liệu mới công bố tuần rồi bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy công cuộc phục hồi kinh tế từ sau cơn khủng hoảng tài chính thế giới 2008 đã bị ngưng lại, hậu thuẫn cho sự phản đối của người dân về đợt tăng thuế tiêu dùng đợt hai vào năm 2015. Sau khi gia tăng nhẹ 0,4% vào tháng 7, chỉ số công nghiệp theo tháng của tháng 8-2014 giảm mạnh (-1,5%, so với dự báo tăng 0,3% trước đó) trong khi chi tiêu của người dân giảm mạnh 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp tụt giảm kể từ khi Tokyo giới thiệu chính sách thuế mua sắm mới (8% thay vì 5% trước đây). Mặc dù giới phân tích cho rằng khả năng phục hồi kinh tế theo kiểu chữ V được chính phủ dự báo trước đây ngày càng khó trở thành hiện thực, giới chức chính phủ và ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn khẳng định rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng và hoàn toàn có khả năng chịu đựng cú sốc tạm thời từ việc gia tăng thuế vừa qua. Theo Capital Economics, nhu cầu kim loại quý vẫn tiếp tục tỏ ra yếu kém và có khả năng tỷ lệ tăng trưởng trên tháng của sản lượng công nghiệp trong giai đoạn tháng 9-10 vẫn nằm ở mức âm (- 0,2%).
Ngoài ra, dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, nhưng có khả năng con số 3,8% người thất nghiệp được báo cáo hồi tháng 8 sẽ vượt ngưỡng 4% vào cuối năm nay. Khi ấy, chỉ số tiêu dùng của người dân có thể lại bị tác động nghiêm trọng. Một lý do được Tokyo đưa ra để giải thích việc tăng thuế là nhằm giải quyết vấn đề nợ quốc gia đang ở mức rất cao, 237% so với GDP, đứng đầu nhóm những nước giàu bao gồm Mỹ và châu Âu. Hiện chính phủ nước này vẫn cân nhắc khả năng áp dụng đợt tăng thuế mua sắm lần hai vào tháng 10-2015. Khi ấy, theo SMBC Nikko Securities, người dân sẽ tiếp tục thắt chặt hầu bao, tiêu dùng cả nước tiếp tục tụt giảm và công cuộc hồi phục kinh tế sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
B. Trịnh theo AFP