Nền kinh tế Trung Quốc đang tỏ ra dễ vỡ và kém ổn định hơn bao giờ hết. Số liệu từ Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp nước này chỉ tăng 6,9% trong tháng 8-2014 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo 8,5 – 10% đưa ra từ Bloomberg, mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng sáu năm qua kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008. Đồng thời, sản lượng điện, một chỉ báo chính xác nhất cho tăng trưởng kinh tế, giảm 2,2% trong tháng 8, đánh dấu mức tụt giảm lần đầu tiên trong bốn năm qua. Quan trọng hơn, bản báo cáo Geneva mới công bố cho thấy tỷ số nợ trên GDP của Bắc Kinh đã vượt mức 217%, cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển khác nhưẤn Độ, Brazil và Nga.
Nếu Trung Quốc tiếp tục đà sút giảm hiện nay, rất có thể những quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào đây sẽ chịu đựng những tổn thất lớn. Từ khi gia nhập WTO năm 2001, nền kinh tế Trung Quốc trải qua giai đoạn tăng trưởng thần kỳ với tốc độ hai con số giúp họ lần lượt vượt mặt Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Trong giai đoạn ấy, Bắc Kinh đã tung ra hàng loạt chính sách xây dựng đô thị, biến đồng ruộng thành phố xá, tập trung nâng cao mức sống người dân tại các thành phố lớn. Bởi lẽ Trung Quốc không sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản giúp đỡ cho công tác đô thị hóa, các quặng kim loại từ Úc và Brazil, các mỏ dầu từẢ Rập Saudi đã được lợi rất nhiều từ Bắc Kinh. Kể cả các quốc gia có nền kinh tế lệ thuộc vào ngành khai khoáng như Mông Cổ, Turkmenistan và Sierra Leone cũng trở thành nhà xuất khẩu kim loại quý cho quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia cũng gia tăng GDP quốc gia thông qua việc giao thương máy móc, kỹ thuật. Do đó, một khi Trung Quốc xuống sắc, đấy sẽ là những quốc gia đầu tiên bị tác động tiêu cực.
Sở dĩ Trung Quốc làm giàu quá nhanh là vì cơ cấu kinh tế nước này được xây dựng dựa trên cơ chế sản xuất hàng hóa xuất khẩu dưới sự bảo hộ trực tiếp từ chính phủ, chủ yếu thông qua các chương trình cho vay và trợ giá ngành công nghiệp và không tập trung nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Tốc độ thu nhập của người dân tăng do chính sách tăng lương của nhà nước vẫn thấp hơn tốc độ tăng GDP cho thấy nhà nước vẫn chiếm lấy phần thu nhập từ xuất khẩu hơn người dân. Nói cách khác, mặc dù tổng quan nền kinh tế Trung Quốc chỉ xếp sau Mỹ, nhưng mức độ giàu có của người dân nhìn chung rất thấp. Họ vẫn chỉ tiết kiệm để rồi đầu tư vào địa ốc nhiều hơn chi tiêu và tỷ lệ tiêu dùng tại đây nằm trong nhóm thấp nhất thế giới chỉ với 34% trong khi điều ngược lại xuất hiện tại Mỹ, châu Âu và Nhật. Do đó, theo giáo sư Michael Pettis tại Đại học Bắc Kinh, một khi GDP giảm sút, thất nghiệp gia tăng, người dân trở nên hoang mang, cắt giảm việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp như hàng điện tử, tăng tiêu dùng thực phẩm giá thấp như bột mì, bắp… Khi ấy nhu cầu thực phẩm tăng cao sẽ rất có lợi cho những nhà xuất khẩu nông nghiệp nổi tiếng về “số lượng lớn, giá cả thấp” như Mỹ và Brazil. Ngoài ra, việc mất đi các gói tín dụng tài trợ từ chính phủ sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu tại đây trở nên kém cạnh tranh hơn quốc tế. Khi ấy các nhà xưởng tại Mexico và châu Á bao gồm Campuchia, Bangladesh, Pakistan, Việt Nam và Indonesia sẽ hưởng lợi.
Lâm Kiên theo Reuters