Về Hưng Yên, du khách không chỉ biết đến nơi diễn ra mối tình đẹp như mơ giữa công chúa Tiên Dung và chàng trai nghèo Chử Đồng Tử, được thưởng thức “Rượu ngon nghiêng trời Lạc Đạo/ Dưa hồng khát giọng Đình Cao/ Gà to lừng danh Đông Tảo/ Táo quê Thiện Phiến ngọt ngào”(*) mà còn đến với những vườn nhãn trĩu quả, nguyên liệu làm nên món chè nhãn lồng hạt sen đặc sắc.
Từ lâu rồi, nhãn lồng đã trở thành một thương hiệu đặc trưng và là niềm tự hào của tỉnh Hưng Yên, là sản vật đã đi vào ca dao: “Dù ai buôn Bắc bán Đông/ Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”. Nhãn trổ hoa đúng vào mùa xuân, những ngày mưa phùn và lạnh, khi có nắng ấm hương thơm nhãn lồng thơm mát làm ngây ngất lòng người. Tuy ngày nay có rất nhiều nơi trồng được nhãn, kể cả những địa phương có cùng điều kiện khí hậu, cùng thổ nhưỡng như Hưng Yên nhưng chỉ có nhãn lồng Hưng Yên mới có được hương vị thơm ngon bậc nhất.
Ở chùa Hiến (thị xã Hưng Yên) có cây nhãn cổ thụ, dân trong vùng gọi là cây nhãn tổ, được xem là biểu tượng tinh thần của địa phương và được dựng bia ghi danh. Tương truyền rằng, xưa kia có vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín, ngài ăn thử thấy hương thơm, vị ngọt khiến mê mẩn tâm hồn. Biết đây là sản vật quý, ngài liền đem tiến vua. Tin đồn nhãn lồng Hưng Yên từ đó bay xa khắp kinh thành. Từ đó, cứ vào đầu thu, người dân lại đem nhãn tiến vua, nên nhãn lồng Hưng Yên còn được gọi là nhãn tiến vua. Vào thế kỷ XVI-XVII, sản vật quý giá ấy còn theo chân các thương lái đến xứ sở Nhật Bản với số lượng lớn. Hằng năm, cứ tháng 7, tháng 8 là mùa nhãn chín rộ, tháng 9 là mùa nhãn muộn. Đến Hưng Yên những ngày này, ai đi trên đường cũng có thể chạm tay vào những chùm nhãn bóng mịn, nặng trĩu. Bên những cây nhãn chín rộ nhuộm vàng một góc trời, tấp nập dòng người đổ về mua nhãn.
Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, cùi nhãn dày, trong như hổ phách, hạt nhỏ, nước ngọt mát và thơm lạ lùng, đến độ nhà bác học – thi hào Lê Quý Đôn ca ngợi: “Mỗi lần bỏ (nhãn) vào miệng thì ngập tận chân răng, lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”. Từ quả nhãn người ta có thể chế biến được thành nhiều món ăn bổ dưỡng khác nhau, đặc biệt là chè hạt sen long nhãn – món giải nhiệt rất tốt trong những ngày hè nóng bức. Từ lâu, hạt sen đã được biết đến với công dụng an thần và hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, trong khi nhãn lại rất tốt cho hệ thần kinh. Cách nấu chè hạt sen long nhãn không quá khó. Bóc vỏ nhãn rồi dùng mũi dao để tách hạt khéo léo sao cho có thể đặt hạt sen vào giữa được. Nấu đậu xanh cho sôi khoảng 10 phút, sau đó cho hạt sen tươi đã ngâm vào đun tiếp khoảng 25 phút (nếu dùng hạt sen khô nấu cùng lúc với đậu xanh) đến khi mềm thì cho đường vào rồi tiếp tục đun sôi khoảng 10 phút nữa để đường ngấm vào hạt sen. Nhắc nồi xuống, vớt hạt sen ra để nguội trước khi đặt vào cùi nhãn đã được tách hạt, rồi đun lại khoảng 3 phút là được (không đun quá lâu bởi sẽ làm mất đi độ giòn, vị thanh của nhãn, đồng thời làm hạt sen đã lồng trong cùi nhãn rơi ra). Món chè nhãn lồng hạt sen là sự kết hợp hài hòa của tinh hoa hương sắc mùa hè.
(*) Đường về Hưng Yên – Nguyễn Hàn Dụng
Đức Thành – Duy Thủy (DNSGCT)