Để phát triển kinh tế – xã hội của một địa phương, phải có các điều kiện cần là vốn, lao động, nguồn nguyên liệu, thị trường, công nghệ và cơ chế – chính sách quản lý sản xuất – kinh doanh phù hợp, giúp các doanh nghiệp phát huy hết năng lực của họ, tạo ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh với thị trường trong nước và thế giới. Đương nhiên không thể địa phương nào cũng có đủ ngay sáu yếu tố trên cùng một lúc, nhưng ít ra phải có vài ba yếu tố để làm điểm tựa để khởi động. Yếu tố cơ chế – chính sách quản lý sản xuất – kinh doanh xem ra rất quan trọng vì thiếu nó thì mọi yếu tố còn lại đều khó phát huy và sức cạnh tranh của sản phẩm sẽ rất kém. Chính vì thế, đại bộ phận các nước phát triển nhanh trên thế giới đều lấy sự đột phá trong cơ chế – chính sách làm động lực đột phá.
Sản xuất và lắp ráp ôtô Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai
Nhìn lại các khu kinh tế ven biển đã hình thành thì sáu yếu tố trên đều rất thiếu và nếu có cũng rất yếu, do đó sự phát triển chậm trong chín năm qua là điều tất nhiên, còn liệu sự phát triển ấy có tương xứng với tiềm năng hay không thì phải xem xét thêm vì bờ biển nước ta, nhất là từ Vũng Tàu trở ra miền Trung có nhiều bãi biển với cảnh quan rất đẹp, có tiềm năng về dịch vụ du lịch rất lớn. Nhưng nếu tỉnh nào cũng làm cảng biển, làm khu công nghiệp như nhau thì không những khả năng thành công của các khu kinh tế ven biển bị hạ thấp, mà tiềm năng phát triển của từng địa phương cũng khó bật dậy được.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, chúng ta đã thực thi cơ chế kế hoạch hóa tập trung – bao cấp trên cả nước. Tư tưởng nóng vội, duy ý chí thể hiện trong đường lối xây dựng đất nước đã làm cho lực lượng sản xuất tan rã, thị trường bị biến dạng, cuộc sống người dân ngày càng đi xuống. Từ khi có chính sách đổi mới, từng bước xóa cơ chế bao cấp, phục hồi nền kinh tế thị trường, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa thu hút đầu tư…, nền kinh tế nước ta từ bế tắc chuyển sang giai đoạn phát triển nhanh. Điều đó chứng tỏ yếu tố cơ chế – chính sách đúng quan trọng biết nhường nào.
Qua tìm hiểu thực địa các khu kinh tế ven biển từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên – Huế, có thể thấy lãnh đạo các địa phương luôn bức xúc, trăn trở với việc tạo nên động lực cho sự phát triển của địa phương mình. Sự học tập nhau đưa đến hậu quả là các địa phương này làm kinh tế theo phong trào, theo ý chí (chỉ sợ đi chậm hơn các địa phương bạn), dựa vào yêu cầu, nhiệm vụ chính trị hơn là những điều kiện kinh tế cần có để thức hiện phương án phát triển kinh tế có đầy đủ cơ sở nền tảng, trong đó yếu tố thị trường ít được quan tâm.
Theo ý kiến của lãnh đạo các ban quản lý các khu kinh tế ven biển thì thành lập các khu kinh tế này nhằm tạo động lực phát triển cho địa phương, nếu không sẽ không thúc đẩy địa phương phát triển được, thậm chí không giữ được người dân, nhất là lao động đã tốt nghiệp đại học để xây dựng chính quê hương mình. Đó là một thực tế khách quan.
Về mặt chính sách, điều kiện để thành lập khu kinh tế ven biển được trình bày như sau:
– Phải có bờ biển và nơi làm cảng biển.
– Phải có mặt bằng rộng.
– Phải là nơi kém phát triển để được hưởng chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư.
Đây là ba yếu tố cơ bản không thể thiếu được để có thể xin Trung ương cho phép xây dựng khu kinh tế ven biển, ngoài ra có thêm vài điều kiện khác theo từng nội dung của từng khu kinh tế ven biển cụ thể.
Nếu đặt vấn đề phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội của khu kinh tế ven biển thì đây là bài toán khó vì nó tùy thuộc vào quan điểm, vị trí trách nhiệm (từ góc độ địa phương hay Trung ương), tầm nhìn (ngắn hay dài, của nhà khoa học hay doanh nghiệp…). Nếu một địa phương có được giấy phép thành lập khu kinh tế ven biển thì vài lợi ích trước tiên có thể là xin được ít nhiều nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng, đem về được vài dự án đầu tư nhờ ưu đãi về giá đất hay một yếu tố hấp dẫn nào đó mà địa phương sẵn có, có thể vay vốn ngân hàng để xây dựng hay cải thiện cơ sở hạ tầng của địa phương…
Đứng ở góc độ địa phương thì hiệu quả thấy được, nhưng việc xây dựng và phát triển cả một khu kinh tế ven biển là một quá trình kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo. Sự thành công hay thất bại phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố khách quan. Hiện nay, hầu như lãnh đạo các khu kinh tế ven biển đều cho rằng khó khăn lớn nhất là do cơ chế chung và gần đây lại thêm cái khó mới, đó là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu, các doanh nghiệp bị thiếu vốn đầu tư.
Khi tham quan Khu kinh tế Chu Lai và đến một doanh nghiệp cụ thể là Công ty Trường Hải, nơi hợp tác với Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) lắp ráp ba loại sản phẩm là xe tải, xe du lịch và xe buýt. Xí nghiệp lắp ráp tại đây được thành lập từ năm 2003, tỷ lệ nội địa hóa đạt đến 40%. Năm 2011, số xe bán được tới trên 37 ngàn chiếc, trong đó có 18 ngàn xe du lịch. Trường Hải được đánh giá là doanh nghiệp sản xuất ôtô thành công nhất nước ta. Sự thành công của họ có lẽ nhờ ở các yếu tố: (1) Nắm bắt được phân khúc thị trường xe trong nước với ba dòng sản phẩm đã chọn; (2) Có đối tác phù hợp với chiến lược kinh doanh (sự hợp tác và chuyển giao công nghệ ngành hàng ôtô) và (3) Có tầm nhìn xa và có những bước đi thiết thực, cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển (doanh nghiệp đã sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực và đã xây dựng được trường cao đẳng kỹ thuật để đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề cho xí nghiệp lắp ráp cũng như các xí nghiệp vệ tinh).
Đây là doanh nghiệp chủ lực của Khu kinh tế Chu Lai và cũng là doanh nghiệp có mức đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của tỉnh Quảng Nam (năm 2011 thu ngân sách của tỉnh là 6.000 tỉ đồng thì riêng Trường Hải đóng góp khoảng 4.200 tỉ đồng). Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Trường Hải cho biết thêm rằng trong năm 2012, tình hình có thể diễn biến “phức tạp hơn” vì có khả năng mức thuế và phí đối với xe hơi sẽ tăng mạnh. Trong bốn tháng qua, doanh nghiệp này chỉ bán được khoảng 800 chiếc xe, như vậy chỉ tiêu bán 15 ngàn chiếc xe du lịch trong năm 2012 khó có thể thực hiện được.
Thành công của Trường Hải là điều đáng mừng cho Khu kinh tế Chu Lai và tỉnh Quảng Nam, nhưng đối với các nhà kinh tế cũng như những nhà lãnh đạo với cái nhìn toàn cục, trên quy mô cả nước thì vận mệnh của các khu kinh tế ven biển sẽ đi về đâu? Lý do là yếu tố rủi ro của các doanh nghiệp hay các khu kinh tế ven biển thật sự quá lớn. Nếu xét hiệu quả ở tầm quốc gia thì càng đáng lo hơn vì các chương trình mục tiêu kinh tế của nước ta còn phảng phất tư duy bao cấp, lấy ý chí làm mục tiêu và xem nhẹ các yếu tố kinh tế.
Ảnh T.T
Phan Chánh Dưỡng