Nhạc sĩ Lam Phương, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: Thành phố buồn, Tình bơ vơ, Một mình, Kiếp nghèo, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Xin thời gian qua mau… vừa qua đời tại California (Mỹ) ở tuổi 83, sau nhiều ngày điều trị vì chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng.
Nguồn tin từ thân hữu của gia đình nhạc sĩ Lam Phương ở hải ngoại cho biết, nhạc sĩ Lam Phương đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 18 giờ 7 phút ngày 22-12-2020 tại thành phố Fountain Valley, California (Mỹ). Trước đó, ông được đưa đến cấp cứu ở Fountain Valley vì bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực cứu chữa của y bác sĩ, nhạc sĩ Lam Phương đã không qua khỏi.
Trên Facebook của Trung tâm Thúy Nga – Paris By Night viết: “Một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật đã vừa vụt tắt. Một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi… Cuộc đời đầy thăng trầm biến động của người nhạc sĩ tài hoa đã khép lại. Sự ra đi của ông là một mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam…”
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20.3.1937, ở Kiên Giang. Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật là Lâm và Phùng với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng”. Ông là một trong những người tiên phong của tân nhạc miền Nam với gia tài sáng tác hơn 200 tác phẩm trải rộng trong nhiều đề tài như thân phận con người, thăng trầm đổi thay của mệnh nước, ca ngợi quê hương, tình mẫu tử, tình lính và tình yêu.
Nổi danh từ năm 17 tuổi, Lam Phương là một trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như: Thành phố buồn, Duyên kiếp, Tình bơ vơ, Đèn khuya, Nắng đẹp miền Nam, Khúc ca ngày mùa, Biển tình, Lầm, Say, Bài Tango cho em, Mùa thu yêu đương,... Dòng nhạc Lam Phương có sức lan toả rộng rãi tới khắp mọi tầng lớp trong xã hội, được thuộc nằm lòng và yêu chuộng qua nhiều thế hệ cho đến tận bây giờ.
Trong cuộc trò chuyện trên giai phẩm Người Đô Thị Tết 2019 với nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc – cộng tác viên của Người Đô Thị tại Mỹ, nhạc sĩ Lam Phương cho biết, trong trên 200 bài hát đã viết, bạn bè khán thính giả cứ tùy theo tâm cảnh của mình mà chọn bài nào mình thích. Có người thích Khúc ca ngày mùa vì mê hình ảnh “Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời”, kẻ thích bức tranh “Xuyên lá cành, trăng lên lều vải”, lại có người cảm thấy những câu này như viết cho mình “… Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay” trong bài Xin thời gian qua mau…
“Bài nào ở trong lòng người nghe nhứt thì hay hơn ở trong lòng người nhạc sĩ viết ra. Khi viết, bài nào cũng đủ cảm xúc mới viết, với lòng thành là từ trải nghiệm của mình viết giùm ai đó hơn là cho mình.
Từ bài Kiếp nghèo, cho dù cảm xúc thời mười mấy tuổi, rời quê lên Sài Gòn, quyết kiếm tiền về giúp mẹ nuôi em, ở căn hẻm nhỏ khu Tân Định, mưa dột ướt mái, có lúc gánh nước mướn để sanh nhai… cho tới bài Lầm, cho dù ai cũng biết mình viết cho ai, nhưng mình đâu phải là người duy nhất “đã lầm khi đưa em sang đây”.
Còn lúc ghé Đà Lạt, chỉ một khoảnh khắc không dài của một thoáng dạo chơi, ngồi sườn đồi Thung lũng tình yêu, đi xuyên qua khu mả thánh, đâu biết những nốt nhạc ngân trong lòng mình lúc đó, vẽ nên một Thành phố buồn đã mang tới một lợi nhuận khá lớn về sau…”, ông chia sẻ.
Cũng trong cuộc trò chuyện mà giờ đây đã trở thành cuối cùng đó, nhạc sĩ Lam Phương tỏ bày: “Tự không cho mình được phép buồn, phải cười để tụi nhỏ cười lây. Mà đa số nỗi buồn bỏ hết vô sáng tác rồi, buồn chi nữa. Bản nhạc cuối cùng đã chọn tên Hạnh phúc mang theo, có nghĩa là khi sống khúc đời còn lại một mình này, quyết không nghĩ tới nỗi buồn, khi chết càng không vác theo…”.