Tích chèo cổ Súy Vân giả dại nói về một người đàn bà bị bội tình nên giả điên. Cái điên dại, lúc tỉnh lúc say của Súy Vân cứ giả giả, thật thật, nhưng đó là tiếng kêu thương, lời lên án thói đạo đức giả, sự giả nhân giả nghĩa của chế độ phong kiến. Ấy vậy mà có người nói Nguyễn Thị Minh Ngọc là Súy Vân của làng nghệ thuật.
Chị mung lung trong thế giới ảo dưới ánh đèn sân khấu, có khi say như “lên đồng”. Đời thường của Minh Ngọc đa màu, đa sắc. Khi yêu, dường như lúc nào chị cũng thấy phiêu linh, u mê. Không biết có phải vì thế mà đến tận 51 tuổi chị mới lên xe hoa. Gia tài của chị là 30 kịch bản phim tài liệu và phim truyện đã quay, 30 vở kịch đã dựng và hàng chục đầu sách thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong văn chương, chị là một người khó chấp nhận thói thông thường, thích tìm ngõ ngách bên trong những uẩn ức của thân phận. Chị mải mê tìm những triết lý mà không phải ai cũng có thể nhận dạng rồi tự làm khó mình trong văn chương, chữ nghĩa.
Cuộc trò chuyện với nữ nghệ sĩ “không giống ai, luôn gây bất ngờ” này được thực hiện trong một buổi sáng Sài Gòn đầu tháng 11 đầy nắng, thậm chí có cảm giác nóng rát. Vậy mà Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn say sưa miên man với những chuyện mình, chuyện nghề…
Trên sân khấu, lúc chị là diễn viên, khi lại là tác giả hay đạo diễn và đó là điều mà không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. Đa năng, đa tài có khi là một gánh nặng, bất lợi đối với phụ nữ. Chị nghĩ sao về suy nghĩ đó?
Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ viết truyện cho thiếu nhi, rồi viết cho người lớn. Sau khi học sân khấu, tôi bước lên sàn diễn cũng bắt đầu từ những điều chính mình viết. Nhưng đến năm 2000, tôi bỗng ý thức được rằng mình chưa sống được cho chính mình. Tác phẩm này tôi viết cho bạn bè, tác phẩm kia lại viết dành cho các diễn viên trẻ trong trường… Tôi tự ngẫm nếu không có tự do thì món ăn mình bày ra cho thiên hạ thưởng thức khó mà ngon được. Trong sáng tác, tôi có con đường của mình. Con đường ấy không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng dù sao vẫn thể hiện được những điều mình muốn nói. Dù diễn hay viết, tôi đều bắt đầu từ bản thân, từ những gì mình cảm nhận và chiêm nghiệm được.
Thân phận của chị, của các nhân vật mà chị dựng nên trong phim và trên sân khấu dường như hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng của người phụ nữ?
Đúng vậy và tôi gọi đó là “mẫu tính”. Phụ nữ là hiện thân của cái đẹp nhưng cũng là những người chịu nhiều đau khổ, hy sinh, đồng thời tận tụy nhất. Tôi vẫn luận rằng số phận của đất nước mình hiển hiện bằng thân phận những người phụ nữ. Lịch sử đất nước cũng đã ghi dấu bao tên tuổi của phụ nữ. Tôi đưa phụ nữ vào tác phẩm và điều đó cũng không ngoài tôi, từCô đào hát, Người đàn bà bị thất lạc, Giữa hai bờ sương khói đến Sống hoài ngàn năm, Hải nguyệt, Sống trong sợ hãi… Chị có biết vởChúng tôi là… đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng chương trình phim và sân khấu được mong đợi của thành phố New York hồi tháng 3-2011 vì đấy là một tác phẩm nói về những cuộc đời với nỗi cô đơn, sự ngộ nhận… Ở đó, những con người lẻ loi được xâu chuỗi trong các số phận khác nhau, nhưng xét về thân phận thì họ có những điểm tương đồng. Người phụ nữ của tôi xuất hiện ở nhiều thời đại, có những vị trí khác nhau nhưng khán giả cảm thấy họ như là chính mình hoặc giống mình. Tôi luôn muốn mang tiếng nói của người phụ nữ vào trong tác phẩm vì thế giới vẫn tồn tại sự bất bình đẳng. Khi sự bất bình đẳng chưa được cởi bỏ thì người phụ nữ có tài có ba cách ứng xử, một là đi lấy chồng, hai là biến mình thành đàn ông để trị đàn ông và ba là giả điên để tồn tại.
Chị từng kể có một vị chức sắc trong làng nghệ thuật đã gọi chị là Súy Vân giả dại và chị thấy so sánh như vậy có đúng không?
Có thể đấy là một câu nói đùa nhưng cũng có khi là nói thật. Làm nghệ thuật, nhất là trong lĩnh vực sáng tác, nếu đi vào con đường có biển cấm thì đương nhiên không được phép, nhưng cứ đi vào con đường ai cũng đi được thì có khi mình sẽ đánh mất chính mình. Làm sao vẫn nói được những điều muốn nói mà không trái với chính suy nghĩ của mình? Tôi đã ráng đi con đường ấy. Làm nghệ sĩ mà cứ tỉnh táo, khôn ngoan quá thì khó tạo ra tác phẩm hay. Cái “điên điên” của sự sáng tạo có khi lại cho ra sự độc đáo, mới lạ. Nghệ thuật cần chất mới lạ. Bản năng của nghệ sĩ là tố chất riêng, nếu nghệ thuật phát huy được tố chất riêng của nghệ sĩ thì sẽ có tác phẩm độc đáo. Có lẽ chất bốc đồng trong nghệ thuật chính là lý do giúp tôi tồn tại.
Chị đã cho ra những vở diễn không đi theo công thức có kịch tính, có cao trào rồi kết có hậu. Chẳng hạn Hãy yêu nhau đi và Trái tim nhảy múa là hai vở không có nhân vật chính, phụ, tất cả là một tập thể và mỗi người chỉ thông qua hành động để khán giả nhận ra một thông điệp có ý nghĩa. Trong Chúng tôi là… hay Người lạc quan cuối cùng thì là những mảng đời ở những thời đại rất khác nhau, tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau nhưng cuối cùng lại là một mạch khá đồng nhất, gắn kết bởi chủ đề tư tưởng về con người và thân phận. Chị có nghĩ rằng những kịch bản điện ảnh đó không giống ai?
Có thể như thế. Kịch bản Ngọc Viễn Đông được tôi ghép từ bảy truyện ngắn của tôi, gồm Trăng huyết, Sắc, Ký sự người đàn bà bị ruồng bỏ… Đó là sáu số phận của sáu người đàn bà. Phim không thoại, cảnh quay đẹp như một phim du lịch, giới thiệu về đất nước con người nhưng lại nhiều uẩn ức, ám ảnh khiến khán giả phải tham gia vào câu chuyện và phải suy nghĩ. Bản thân tôi cũng vào vai một người phụ nữ với những uẩn ức. Những người đàn ông đến với bà đều bỏ đi. Bà là người có khát vọng nhưng cuộc tình vẫn chỉ gặp những khiếm khuyết. Trong khi ởSống trong sợ hãi, cùng trên một mảnh đất cằn có hai người phụ nữ với hai thân phận khác nhau. Một người quan niệm sống là để yêu, cho dù đến cùng cực nhưng vẫn hài lòng với hạnh phúc. Người kia luôn giữ mình, phấn đấu cho đạo lý mà mình tôn thờ nhưng lại bỏ vuột mất hạnh phúc.
Giới sân khấu đều biết chị là người viết kịch bản nhưng khi cần thì sẵn sàng nhập vào những vai lạ nhất mà không ngại. Điều gì giúp chị dũng cảm như vậy?
VởNgười lãng mạn cuối cùng khi diễn ở Mỹ gặp phải hoàn cảnh cực chẳng đã nên tôi phải độc diễn. Nhưng chính sự cốấy lại cho tôi đất diễn. Tôi nhập vào vai một người đàn bà vương phi từ lầu son, rồi trở thành một người vợ phải lấy chồng nước ngoài để đổi đời… Tôi đã từ bà cụ già trở lại làm đứa trẻ thơ, từ một người hiền lành, biết chịu đựng hóa thành kẻ điêu ngoa. Được sống với nhiều cuộc đời, mà mỗi cuộc đời chỉ đến với khán giả qua những khoảnh khắc ngắn, kể ra thấy phiêu linh lắm.
Một chút tò mò: Chính chị đã nói có những vở chị không viết cho mình thì cớ là sao?
Tôi vốn nể bạn bè. Có khi bạn nói đang cần kịch bản để diễn tết, giúp được thì giúp. Thế là tôi viết. Còn nhớ vởTía ơi, Má zìa năm xưa vui và ấm áp không khí xuân, vé bán chạy đúng là tôi viết chiều theo mong muốn của bạn. Năm sau, bạn lại rủ, nhờ viết một vở để khán giả thỏa sức cười, thế là Hồn bướm mơ điên ra đời, xem cũng thấy “điên điên” thật. Có khi tôi viết để giúp đỡ đàn em, giúp cả học sinh làm bài ra trường.
Vắt kiệt sức để làm việc nhưng thấy chị vẫn thong dong, hết trong nước lại ra ngoài nước. Chị có sự trợ giúp nào để mang kịch đi diễn, đi tham gia các chương trình hội thảo nghệ thuật ở nước ngoài?
Chưa bao giờ tôi ra nước ngoài bằng sự tài trợ của Nhà nước, mà được người ta mời. Nghệ sĩ các nước xung quanh như Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia thường lấy múa để quảng bá nghệ thuật nên tôi mang kịch của mình đi. Có người bạn tôi chọc vui rằng cứ phấn đấu đi để đạt danh hiệu “nữ hoàng diễn chùa”. Tôi vẫn cho rằng có được thành công trong sự nghiệp, trước hết tôi phải cảm ơn Trời, Phật đã giúp mình tai qua nạn khỏi và cảm ơn tất cả những người bạn đã cùng tôi trên con đường nghệ thuật.
Có phải cuộc đời chị cũng khá lận đận nên chị viết nhiều những uẩn ức của phụ nữ trong tình duyên? Những người đàn ông nào ảnh hưởng đến cuộc đời của chị nhất?
(Cười rất rạng rỡ) Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn. Khi tôi chỉ viết truyện cho thiếu nhi, ông viết thơ mộng, bày cho tôi cuộc sống đa chiều. Tôi viết truyện cho người lớn là để “cạnh tranh” với ông, nhờ thế mà có Trái hủ hoa, Trăng huyết, Quốc lộ, Gói cẩm lệ… Tôi còn có tình bạn với một người bạn lớn là nhà thơ Diễm Châu bây giờ đang ở Pháp. Ông là người chỉ cho tôi cách đi bỏ báo để có tiền theo học sân khấu và cho tôi mượn rất nhiều sách của các nhà văn lớn trên thế giới để đọc. Còn nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã động viên tôi viết kịch. Anh ấy nói nhà văn thì nhiều nhưng rất ít nhà văn viết kịch, thế là tôi thử viết kịch. Đạo diễn điện ảnh Mỹ Hà là người bạn hợp tác tuyệt vời, tôi viết kịch bản, còn Mỹ Hà làm phim khá thành công.
Đến tuổi 51 mới lên xe hoa và qua gần chục năm xây dựng gia đình, chị đã cảm thấy toại nguyện?
Chồng tôi là một Việt kiều, nhưng tôi theo anh ấy không cầu giàu sang, an nhàn. Chúng tôi gặp nhau khi anh ấy đã hết nghiệp kỹ sư, về hưu, ở nơi hẻo lánh, êm đềm. Tôi còn nói đùa với chồng: “Lấy em, anh sướng quá, chẳng tốn tiền nhiều”. Tính tôi chẳng tiêu pha những thứ đắt tiền, quần áo có gì mặc nấy. Hai vợ chồng sống đơn giản và thấy dễ chịu. Anh ấy không quá quan tâm đến hoạt động văn chương, nghệ thuật của vợ. Khi thấy tôi đi nơi này nơi khác nhiều, anh chỉ nói: “Mình già rồi, ráng mà ở gần nhau nhe em!” (cười hóm hỉnh). Sống với nhau cả chục năm rồi, tưởng anh ấy hiểu rõ mình lắm, hóa ra vẫn còn nhiều điều chưa hiểu…