Thông tin từ nhà báo Diễm Chi – vợ nhà thơ Phan Vũ cho biết: tác giả trường ca nổi tiếng “Em ơi Hà Nội phố” vừa qua đời vào lúc 3h sáng ngày 17-7 ở tuổi 93 tại nhà riêng, sau thời gian dài hôn mê do bệnh tật và sức khoẻ suy kiệt.
“Ông đã nằm mấy tháng nay rồi. Thời gian trước đó, ông không nói được nhiều. Trước khi mất ông rơi vào trạng thái hôn mê tuy chưa sâu, cho tới hôm qua thì mệt hẳn”, nhà báo Diễm Chi nói.
Theo nhà báo Diễm Chi, Phan Vũ là người tha thiết yêu cuộc sống. “Ông không bao giờ nghĩ tới cái chết. Ông luôn nói rằng mình thích làm cái này, kế hoạch thực hiện cái kia. 90 tuổi rồi ông vẫn muốn làm những bài thơ mới, viết kịch bản, vẽ tranh mới”, người phụ nữ gắn bó với Phan Vũ những năm cuối đời chia sẻ.
Một thân hữu của nhà thơ Phan Vũ – nhà báo Nguyễn Trọng Chức cũng vừa chia sẻ trên trang cá nhân: “Người bạn lớn đã qua đời! Tôi vừa nhận được hung tin: nhà thơ – hoạ sĩ Phan Vũ đã giã biệt cuộc sống vào sáng nay 17-7-2019 sau một thời gian hôn mê. Tuổi cao, sức khoẻ suy kiệt dần, tác giả Em ơi, Hà Nội phố đã ra đi ở tuổi đại thọ…”
- Xem thêm: Phan Vũ: vẫn sáng tạo ở tuổi chín mươi
Nhà báo Nguyễn Trọng Chức cho biết, cách đây hai hôm tập văn xuôi Ly rượu trần gian (Nhã Nam ấn hành) do ông tập hợp các bài tạp bút, tản văn, bài viết chân dung, báo chí cùng hai truyện ngắn của Phan Vũ đã có mặt ở các nhà sách tại Hà Nội, sắp gửi vào Sài Gòn.
“Đó là “nén hương” tiễn biệt anh của một người bạn dù kém anh rất nhiều tuổi nhưng đuợc anh yêu quý bảo rằng “không vong niên”, nhà báo Nguyễn Trọng Chức bày tỏ.
Phan Vũ tên thật Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Năm 20 tuổi đi bộ đội vào Nam, làm công tác văn nghệ tại miền Đông và Tây Nam bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc cho Xưởng phim truyện Việt Nam tại Hà Nội và làm báo.
Ông còn được biết đến trong nhiều vai trò: nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh và họa sĩ. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến: Kịch bản Lửa cháy lên rồi (Giải nhì Hội Văn Nghệ Việt Nam, 1955), Hà Nội, Thanh gươm và bà mẹ, Dòng sông âm vang, Ngọn lửa thành đồng; Thơ: Phan Vũ thơ (NXB Văn học, 2008); Phim truyện: đạo diễn phim Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại…
Năm 1972, Phan Vũ viết trường ca Em ơi! Hà Nội phố, song phải đến năm 1985, khi nhạc sĩ Phú Quang phổ một đoạn trong trường ca này, công chúng mới biết đến nhiều và đầy đủ hơn về Em ơi! Hà Nội phố.
Khi đất nước thống nhất, Phan Vũ làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM. Từ những năm 1990, ông chủ yếu vẽ tranh. Những năm gần đây, ông sống ở Thủ Đức, ngôi nhà có phòng tranh riêng để làm việc, và theo ông là vì vợ ông muốn chuyển về đây. Ông đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước.
Trong bài viết “Cảm hứng tình yêu và tự do” đăng trên Người Đô Thị nhân cuộc giao lưu của nhà thơ Phan Vũ với bạn đọc về tập thơ Ta còn em, nhà văn – nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải ghi chép:
“Phan Vũ cho biết ông bị “kết tội” thời Nhân văn – Giai phẩm, suốt 15 năm thơ không được phổ biến, sau này Em ơi Hà Nội phố đi vào công chúng như “lá bùa hộ mệnh”. Phan Vũ làm bài thơ Bình vỡ năm 1956 lúc đang làm biên tập báo Nhân văn, là gửi thông điệp “tự do muôn năm”. Bài thơ đã lên khuôn nhưng rồi không ra được vì báo bị đình bản…
Phan Vũ bảo đời ông có ba cuộc chiến đấu: vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do sáng tạo, và hiện nay là chiến đấu với… tử thần. Không ai có thể ngờ thi sĩ lãng tử “phóng xe ào ào và ăn mặc bụi trước cả nước” ấy đã từng là chỉ huy quân sự ở một tỉnh… nhiều cọp nhất Campuchia.
- Xem thêm: Phan Vũ “quy cố hương”
Thời kháng chiến chống Pháp, năm 1946 anh bộ đội Phan Vũ từng cùng với lính cõng trên lưng… toàn vàng và tiền từ trung ương vào Nam bộ, “mỗi người đeo một cái thùng đã hàn kín hoặc hai cát tút đựng vàng” – Phan Vũ kể, ông vào đoàn kịch Nam bộ rất sớm, từng là một trong những người thuộc chi hội văn nghệ đầu tiên cùng các tên tuổi Trương Bỉnh Tòng, Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai…”
Phan Vũ đã sống một đời dài gần một thế kỷ, ông hoạt động nghệ thuật từ rất sớm. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cuộc đời nghệ thuật của ông trải dài trên nhiều lĩnh vực, ông được yêu mến như một nhà viết kịch, đạo diễn, những vần thơ tìm tòi đổi mới cùng thời với Lê Đạt, Trần Dần…
Một quãng thời gian tên tuổi ông ít được nhắc tới. Mãi cho đến năm 2008, ông mới có tập thơ đầu tiên ra mắt: Phan Vũ thơ (NXB Văn học xuất bản năm 2008). 10 năm sau, cùng những bài thơ này được in lại, có bổ sung thêm, thành tập Ta còn em (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2018). Cuốn sách cuối cùng của Phan Vũ chỉ vừa ra mắt vài ngày trước khi ông qua đời là tập tản văn Ly rượu trần gian (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2019).
Với riêng tác phẩm trường ca nổi tiếng Em ơi! Hà Nội phố, nhiều tư liệu lược thuật: năm 1972 khi B-52 của Mỹ bắn phá Thủ đô với lời đe dọa “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, tại căn gác nhỏ trên phố Hàng Bún, Phan Vũ viết những câu đầu tiên của trường ca Em ơi! Hà Nội phố. Điệp từ Ta còn em… được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Ta còn em… là còn những hoài niệm yêu thương của Phan Vũ về Hà Nội.
“Trong đau thương của chiến tranh và những dằn vặt tâm tư của một cảnh ngộ riêng, Phan Vũ đã biết nhìn ra và lọc ra một Hà Nội thanh lịch, duyên dáng, hào sảng, để gìn giữ cho mình và cho người, cho hiện tại và tương lai.
Bây giờ đọc lại bài thơ, người đọc sẽ cảm ơn nhà thơ đã giữ lại một Hà Nội đẹp đẽ và đáng yêu đến thế”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.
Theo thông tin từ gia đình, tang lễ của nhà thơ Phan Vũ dự kiến sẽ tổ chức tại Nhà tang lễ TP.HCM (đường Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM). Thời gian sẽ được gia đình thông báo cụ thể sau.