Với nghệ sĩ lão thành Phan Vũ, cuộc triển lãm – giao lưu văn nghệ tại Đà Nẵng cuối tháng Tám này còn là chuyến trở về thăm “quê quán tôi xưa” thật cảm động. Phòng tranh Phan Vũ được tổ chức tại gallery La Tour Eiffel (277 Trần Hưng Đạo) bên bờ sông Hàn vào những ngày đầu thu ở thành phố biển.
Họa sĩ – nhà thơ Phan Vũ, tác giả trường ca nổi tiếng Em ơi, Hà Nội phố sinh năm 1926 tại Hải Phòng nhưng quê quán của ông là đất Tourane xưa (tên gọi thời Pháp của Đà Nẵng). Thân phụ ông là người làng Phước Ninh, thân mẫu ở làng Nại Hiên – nay đều thuộc quận Hải Châu của TP. Đà Nẵng – nhưng cả hai cụ đều lập nghiệp tại Hải Phòng rồi gặp nhau ở đấy. Cận kề tuổi chín mươi nhưng Phan Vũ gần như không biết mấy về quê quán của mình, ngoài một đôi lần hiếm hoi từng ghé qua Đà Nẵng. Ông sống phần lớn thời gian ở Hà Nội những năm chiến tranh và Sài Gòn sau ngày hòa bình cũng như từng lưu dấu chân ở một số địa phương khác dọc dài đất nước. Chính vì vậy, với sự giúp sức của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP. Đà Nẵng, chi nhánh nhà xuất bản Hội Nhà Văn miền Trung và Tây Nguyên, gallery La Tour Eiffel cùng anh em văn nghệ sĩ và bằng hữu tại địa phương, chuyến trở về của ông đã được thực hiện trọn vẹn.
Phòng tranh trưng bày mười tám bức tranh sơn dầu khổ 80 x 100cm được Phan Vũ sáng tác trong vài năm trở lại đây với nhiều đề tài: những phong cảnh vùng biển, những cây-đời-người (những gốc cổ thụ mà năm tháng đã hằn dấu lên chẳng khác nào cuộc đời dài đầy những biến động và thăng trầm của tác giả), chân dung cô bé cháu nội xinh tươi, một loạt trừu tượng… và không thể thiếu tự họa chân dung ông.
Chiều 28-8, buổi gặp gỡ, giao lưu giữa “đại lão” họa – thi sĩ (chữ dùng của Nguyễn Quân) với giới văn nghệ Đà Nẵng – đồng thời khai mạc phòng tranh Phan Vũ – đã diễn ra trong không khí ấm áp, thân tình. Khách thưởng ngoạn xem tranh và nghe chính tác giả của Em ơi, Hà Nội phố đọc một số đoạn trong bài thơ dài khoảng 250 câu của ông trong âm thanh hai cây guitar đệm nhạc của Tôn Thất Bằng và Trịnh Phụng. Nhiều khách tham dự đã hát chỉ một bài Em ơi, Hà Nội phố (nhạc Phú Quang), trong đó có nhà thơ – nhạc sĩ Linh Nga Niê K’dam đến từ Tây Nguyên, bà Hồng Hạnh, Việt kiều gốc gác Đà Nẵng nhưng sống tại Pháp, mẹ của nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê và là nhạc mẫu của đạo diễn nổi tiếng Trần Anh Hùng mà bộ phim Xích lô của anh đã có sử dụng bài hát Em ơi, Hà Nội phố.
Dù được tổ chức tại Đà Nẵng nhưng phòng tranh Phan Vũ đã đón nhiều khách thưởng ngoạn đến từ nhiều địa phương, có cả TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Hội An… Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn khi được biết tin về triển lãm đã đổi vé máy bay chỉ để dự ngày khai mạc. Một số bạn trẻ ở Sài Gòn quen biết với tác giả trên đường đạp xe xuyên Việt cũng có mặt. Tất cả đều bày tỏ tình cảm với vị họa sĩ lão thành.
Để tiện cho việc vận chuyển nên những tác phẩm khổ lớn của ông, trong đó có Hà Nội phố, Thu muộn… từng được triển lãm tại nhiều địa chỉ mỹ thuật ở TP. Hồ Chí Minh, đã không được giới thiệu với người xem tại Đà Nẵng dịp này. Với họa sĩ, ông coi đây là “lần ra mắt của người con đi xa trở về” và bày tỏ mong ước sẽ có được một dịp về lại Đà Nẵng “hoành tráng” hơn. Nhà thơ Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP. Đà Nẵng cũng bày tỏ rằng lẽ ra phải tổ chức long trọng hơn nữa chuyến trở về đầy ý nghĩa này của một người con Đà Nẵng xa quê đã quá lâu! Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn cho biết ông rất mong được đón người đồng nghiệp cao niên đến sống và vẽ tại gallery La Tour Eiffel trong một tương lai thật gần: “Bác cứ đến đây, có chỗ nghỉ và đầy đủ toan và màu cho bác vẽ thoải mái”. Cần nói thêm, gallery của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn là một ngôi nhà thật rộng bên bờ sông Hàn, nơi ông không chỉ vẽ tranh mà còn tự tay làm khung, làm vóc cho tranh sơn mài theo một “công nghệ riêng” của ông.
Thật khó nói hết nỗi xúc động và niềm vui của nhà thơ – họa sĩ Phan Vũ qua chuyến trở về nhớ đời này, bởi chính trong ngày khai mạc phòng tranh, khi ông nói đôi lời về quê quán của mình, từ một cái tên người được ông nhắc đến thì nhà thơ Bùi Công Minh đã nhận họ hàng với ông và cũng từ đó tìm ra được nhiều bà con trong dòng tộc Trần Phước của ông (tên cha mẹ đặt cho ông là Trần Phước Hải, còn cái tên Phan Vũ được tổ chức đặt cho ông thuở hoạt động bí mật trong kháng chiến chống Pháp tại Sài Gòn và được giữ cho tới hôm nay).
- Diên Vỹ