Làng ta ở tận làng ta
Mấy năm một bận con xa về làng
Gốc cây, hòn đá cũ càng,
Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay…
Câu đầu của bài thơ Về làng được dùng đặt tên cho buổi giới thiệu sách mới và giao lưu với nhà thơ Nguyễn Duy, được tổ chức tại Đường sách Nguyễn Văn Bình sáng 15-6 vừa qua bởi Công ty Sách Phương Nam, đơn vị liên kết xuất bản và phát hành ba tập: Ghi và nhớ (tuyển các bài báo, ghi chép và văn xuôi), Tuyển thơ lục bát và Quê nhà ở phía ngôi sao (tuyển thơ).
Buổi giao lưu đã trở thành một sự kiện đáng nhớ tại TP. Hồ Chí Minh khi mà trong thành phần đông đảo cử tọa có rất nhiều nhân vật nổi tiếng của giới văn nghệ, báo chí, trí thức của cả hai miền Nam – Bắc cùng rất đông người yêu mến thơ Nguyễn Duy và nhiều bạn trẻ.
Nguyễn Duy lần lượt giới thiệu những bài thơ cùng những chặng đường sáng tác trong sự nghiệp thơ đã trên nửa thế kỷ của ông. Quả như một nhà báo từng viết rằng “nếu ai trong đời chưa một lần nghe thi sĩ Nguyễn Duy đọc thơ thì đời còn trống, còn cái lỗ hổng to lắm, nên tìm cách mà lấp lại”. Không phải ai cũng có thể “diễn tấu” thơ của mình độc đáo như Nguyễn Duy từ giọng đọc tới thần thái, cử điệu… và tất nhiên thơ phải có sức lay động lòng người nữa, như những Đò Lèn, Cầu Bố, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa… ông viết về cha, về mẹ, về bà ngoại, về làng quê tuổi thơ của mình:
Ai qua Thanh Hóa về Quảng Xá
men rượu là hương vị của làng tôi
nhắc cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ
đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời
Nhà tôi đó, không cổng và không cửa
ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào
cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ
gió nồm nam thoải mái ra vào…
(…)
Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó
xả hết mình khi nước gặp tai ương
rồi thanh thản trở về với ruộng
sống lặng yên như cây cỏ trong vườn
Đọc bài thơ Cầu Bố, Nguyễn Duy liên hệ đến một di tích ở quê ông là Thế miếu của nhà Lê mà sau này đã bị xóa sổ hoàn toàn để xây… chuồng nuôi bò, nuôi heo và theo ông, phải chăng cách thế đối xử với di tích, với tiền nhân như thế đã để lại những hệ lụy khôn lường về nhân cách, về lối sống cũng như về sự tha hóa của xã hội hôm nay? Thật xúc động khi nghe ông trải lòng:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
(…)
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!
(Đò Lèn)
Và:
Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò… sung chát đào chua…
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
(…)
Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ… mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng
Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Về làng cũng là về với cội nguồn, với bản thể, về với đất đai… cũng là về với sự tươi xanh muôn đời, về với thơ… Cách đây vài tháng, nhân kỷ niệm Nguyễn Duy đến tuổi bảy mươi “xưa nay hiếm” và kỷ niệm mười năm nhà thơ được nhận giải thưởng văn học – nghệ thuật của Nhà nước, đã có một cuộc “Về làng” được tổ chức thật long trọng, thật hoành tráng ở quê nội của nhà thơ là làng Quảng Xá thuộc phường Đông Vệ, Thanh Hóa, với ngôi đình làng đã có tuổi thọ 150 năm. Ở đó bài Tre Việt Nam của Nguyễn Duy đã được tạc vào một tảng đá Thanh rất lớn, dựng trong khuôn viên trung tâm hành chính phường Đông Vệ, không xa nơi Nguyễn Duy chôn nhau cắt rốn. Nói như nhà phê bình Ngô Thảo trong buổi giao lưu thì trong hàng ngàn nhà thơ nước ta, chỉ riêng Nguyễn Duy có được sự vinh danh như thế ngay tại quê nhà của mình.
Từ làng quê, Nguyễn Duy đi ra cuộc đời rộng lớn, làm lính thông tin ở mặt trận, từng đến với những chiến trường ác liệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, rồi sau ngày hòa bình khi đã cởi áo bộ đội, làm báo ông lại có dịp đến với nhiều mặt trận trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc khi quân Trung Quốc tràn sang lãnh thổ của ta. Những bài thơ Nguyễn Duy viết về người lính, về chiến tranh trong nhiều thời kỳ đều thấm đẫm tình cảm, thấm đẫm tính nhân đạo của một người nhìn chiến tranh với tâm thế hòa bình.
Ngủ đi bạn, ngủ đi anh
cánh tay mình ngả ra thành gối êm
ngủ đi bạn, ngủ đi em
ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình
Hiếm hoi cái giấc yên lành
hành quân xa lại tiếp hành quân xa
bao anh lính trẻ đã già
chưa sang hết suối chưa qua hết rừng
Ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng
gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm
có người ngủ thế thành quen
đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình
Trong hầm biên giới Tây Ninh
Lặng im mình ngắm lính mình ngủ say…
(Lời ru đồng đội)
Ta về thăm chiến trường xưa
Em – hoa đào muộn Kỳ Lừa mùa xuân
gió đi để lại mưa dầm
người đi để buốt dấu chân trên đường
Đồng Đăng… Ải Khẩu… Bằng Tường…
chợ trời bán bán buôn buôn tít mù
ta đầy một bị ưu tư
giá như cũng bán được như bán hàng
Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan
giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo
A Qui túm tóc Chí Phèo
để hai bác lính nhà nghèo cùng thua
(…)
Giá như ta chớ gặp em
để không mắc nợ cái duyên Kỳ Cùng
giá như em đã có chồng
để bòng bong khỏi rối lòng người dưng
(Lạng Sơn 1989)
Sẽ thật thiếu sót nếu nói đến thơ Nguyễn Duy mà thiếu mảng thơ về cuộc sống khó nhọc những năm sau ngày thống nhất đất nước, thời bao cấp ngăn sông cấm chợ nhắc đến vẫn hãi hùng! Những năm tháng đó, Nguyễn Duy đã viết Thư tặng người ăn mày, Bán vàng…
Tâm hồn ta là một khối vàng ròng
Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ
Mảnh này vì con, mảnh này vì vợ
Vì bạn bè và cha mẹ em ta.
Giữ ngọc gìn vàng biết mấy công phu
Ta giàu lắm mà con ta đói lắm
Ta ngất ngưởng mà vợ ta lận đận
Cha mẹ ta trong lụt bão trắng trời.
Ta mơ màng, ta uốn éo, ta lả lơi
Để mặc kệ mái nhà xưa dột nát
Mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác
Mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao…
(Bán vàng)
Và nhất là ba bài thơ dài mênh mông thế sự: Đánh thức tiềm lực, Tổ quốc nhìn từ xa, Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, tác giả bày tỏ những ưu tư về đất nước, về hiện trạng xã hội còn nhiều điều gây bức bối, xót xa… Ông đã đọc toàn văn bài thơ Đánh thức tiềm lực và nhận được những tràng pháo tay vang dội, cũng để khép lại một cuộc gặp gỡ, giao lưu còn để lại ấn tượng lâu dài cho người tham dự.
- Diên Vỹ tường thuật