“Nhà em khá rộng, em có một phòng, anh em một phòng. Nhưng nhà em còn rất nghèo nên ba mẹ vẫn phải chung một phòng…”.
Chuyện trẻ con làm văn ngô nghê như vậy thì nhiều lắm. Người lớn còn vậy nữa mà. Cô bạn của bà xã tôi một hôm đến sở làm, ngồi thừ người ra, bạn hỏi thì rưng rưng nước mắt: “Phải xa thằng Tony và con Vừng rồi”. “Chúng nó đi đâu?”. “Không đi đâu cả, nhưng từ đêm qua, quyết định hai đứa… ra phòng riêng, không ngủ chung phòng với ba mẹ nữa”.
Ôi, trước đây, có nỗi khổ nào như thế mà chúng ta có thể nghĩ ra trong “lịch sử” nghèo khổ chưa nhỉ. Thế mà cũng buồn. Chúng ở nhà chứ đi đâu! Hai vợ chồng lẽ ra phải ngủ riêng phòng từ lâu rồi.
Cô ấy nói: “Anh xã đã ở phòng riêng trên lầu trước đó cả năm, khi mới dọn về nhà mới. Ba mẹ con một phòng rộng. Nay thì cũng phải chia tay sang hai phòng nhỏ. Buồn lắm, nhớ con lắm. Có hôm rồi sẽ phá lệ cho mà coi”.
- Xem thêm: Chẳng ai sung sướng, tại sao?
Thì gọi “thằng lớn” xuống, không cho “nó” tự do nữa. Cô ấy lắc đầu cười: “Nó” đâu chịu. Sống thoải mái quen rồi. Ngày xưa nghèo không có nhà lớn, cứ nghĩ “nó” đơn giản, sống sao cũng được. Nào ngờ khi có nhà rộng, có không gian riêng mới biết anh chàng không hề đơn giản. “Nó” chiếm một lầu, để sảnh rộng, một giàn thiên lý leo lét xanh nhô lên dần ở ban công.
Nơi nhìn xuống vườn, có pho tượng thạch cao nghiêng đầu trong bụi nước bay ra từ “con suối” giả róc rách phía tường cao. Thế mà ngày xưa, cô vợ có đem về cái cây leo xanh, tìm bình đổ nước vào cho sống, thì anh ấy cản ngay: “Anh không bao giờ để trong nhà có nước đọng, chỉ khiến cho muỗi có chỗ đẻ. Muỗi là thứ anh ghét nhất”.
Lại còn đố vợ xem con vật gì nguy hiểm nhất cho con người, và đáp ngay đó chính là con muỗi. Cô vợ hỏi, cá sấu, cọp beo, rắn độc, bọ cạp lại không nguy hiểm sao, gặp chúng là chết tươi ấy chứ.
Nhưng anh chồng cười: “Đúng vậy, nhưng cả đời em có dễ gặp con cọp beo, cá mập hằng ngày không? Còn muỗi thì ở đâu em cũng thấy chúng hết. Em lên máy bay chúng cũng theo.
Dọn đồ từ nhà cũ, chúng cũng theo đồ… dọn tới nhà mới. Chúng không chỉ lấy máu của em mà còn phun trả lại cho em mầm bệnh…”. Thôi, lý sự đến thế thì chỉ có từ đúng trở lên, ai mà cãi nổi.
Xưa có công thức một mái nhà tranh hai trái tim vàng, nay thì cần nhà lầu trong có cất vàng chứ không nói gì đến tim tiếc. Câu chuyện người ta nói trong nhà hằng ngày nay cũng chẳng còn viển vông như các cụ xưa: Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối… đường chia đôi ngả biết tới phương nào… Giờ thì tới… phương tiền, rõ thế chứ còn hỏi phương nào…
Nhà đẹp đang ế sưng kia. Việt Nam lạ thật đấy, nhà đẹp cả đống biến thành… phố ma vì không có người ở. Mà tivi đêm đêm chiếu những người trú nắng mưa trong các túp tranh, chắp vá nylon che tồi tàn, luôn mơ về ngôi nhà chỉ cần… đừng có đổ sập. Chuyện giàu nghèo ai chẳng biết, làm gì nổi, nên chỉ nói chuyện mình thôi, chuyện lớn là của ông Nhà nước.
Mà, chuyện nhà mình thì dễ nói, ai cũng mơ nhà to hơn, thế là tốt, là “lo giùm” Nhà nước còn gì. Xứ người ta còn nghĩ chuyện mua cả hòn đảo – để bây giờ có xu hướng thuê hòn đảo để nghỉ, vậy kinh tế hơn. Mua đảo mất tới 10 triệu đô, còn thuê mùa hè “chỉ mất” có 66 ngàn đô một tuần trên đảo ở Caribbean cho 14 người ở.
- Xem thêm: Những “người bạn”… bằng kim loại
“Ông phù thủy” David Copperfield làm xiếc, có thể hô biến Vạn Lý Trường Thành, bây giờ cũng đang rao cho thuê đảo riêng của mình kia kìa. Hình trên mạng ngôi nhà của nữ tỉ phú giàu nhất Mỹ, dân ta… chê dù hoành tráng nhưng như một… cái làng nhà gỗ Tây Nguyên, gập ghềnh lồi lõm, thấy ven bãi đá còn có cả hoa… mõm chó màu tím. Sang trọng gì mà thế. Thôi thì cứ chê cho sướng miệng. Nhà to là ước mơ vô tận. Muốn nhà to, câu chuyện làm ăn cũng phải… to.
Cô bạn nói, mình đã ăn thua gì. Nhà rộng nguy hiểm ở xứ ta mới chỉ “xa mặt cách lòng” cỡ li ti thôi, như đến bữa phải gọi điện lên lầu giục cô con gái xuống ăn, hay lũ trẻ con bắt đầu học văn minh ngủ riêng. Và vợ chồng cũng mỗi người “một vương quốc”, bởi ở cạnh nhau sát nhau quá chỉ tổ cãi nhau. Xa thơm gần… thối – ngay từ khi nghèo khổ các cụ ta cũng báo mộng thế rồi.