“Bóng xưa và sắc hoa” – triển lãm tranh màu nước của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính được tổ chức tại nhà trưng bày Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế (26 Lê Lợi – TP. Huế – từ 14 đến 18-10) là một sự kiện thú vị trong sinh hoạt tạo hình tại đất cố đô.
Từ nhiều năm qua, tên tuổi của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã được biết đến rộng rãi qua các hoạt động chuyên môn và các trước tác của ông, đặc biệt là trong lĩnh vực di sản và trùng tu tại Việt Nam mà ông là một chuyên gia hàng đầu. Nhưng có lẽ ít ai biết Hoàng Đạo Kính còn vấn vương với thế giới của sắc màu. Những ai từng đến với phòng làm việc của ông ngày nào tại trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại Hà Nội đã có dịp biết đến những bức tranh màu nước khổ nhỏ của nhà kiến trúc tài hoa treo ở đấy. Vào thập niên 1980, Hoàng Đạo Kính cũng từng bày tranh ở Huế, Hà Nội và tại Warsaw (Ba Lan), tuy nhiên chỉ đến triển lãm “Bóng xưa và sắc hoa” thì nội lực hội họa của ông mới được thể hiện rõ nét.
Tên phòng tranh cũng chính là hai mảng đề tài đan bện thành một Hoàng Đạo Kính – họa sĩ, làm mới thêm những gì chúng ta đã biết về ông, người hầu như đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp bảo tồn, trùng tu di tích, nghiên cứu di sản kiến trúc… Do công việc của ông liên quan đến các kiến trúc cổ, đền đài, lăng tẩm… của Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Hà Nội nên mảng đề tài “bóng xưa” trong tranh ông đậm vẻ thâm u, cô tịch. Cái hiện diện và cái khiếm diện, rỗng và đầy đan xen. Bằng lối diễn tả gợi hình, thủ thuật pha màu trực tiếp, loang màu trên nền giấy ướt hoặc khô đã tạo hiệu quả rung, nhòe, sương khói “mờ nhân ảnh”, nhiều mảng màu/hình thể trong tranh đột nhiên tan biến vào nền trắng hư không đã gợi ra nhiều cảm xúc thẩm mỹ cho người xem. Đền đài, miếu mạo, thành quách… của những đô thị cổ kính miền Trung, những phố xưa Hà Nội… dội về trong “bóng xưa” bằng gam màu lục rêu, nâu, tím, phong phú sắc độ. Còn mảng “sắc hoa” phần nhiều tươi mới hơn bởi gam màu bổ túc lục – đỏ của hoa, của lá. Tác giả khá kỹ càng, tinh tế trong việc sắp đặt giữa hoa lá với bình, lọ, hũ cổ có màu nâu tối để tạo nên một chỉnh thể thẩm mỹ có sự hài hòa về màu nóng – lạnh, sáng – tối, to – nhỏ. Một số tranh đơn thuần chỉ hoa và lá lại đem đến cảm giác trẻ trung, tràn trề niềm vui sống bởi cách tạo màu tươi và bố cục thoáng.
Là người yêu quý miền đất di sản – cố đô Huế cho nên sau gần 30 năm mới cầm cọ trở lại, ông đã chọn Huế làm nơi đầu tiên giới thiệu loạt tác phẩm mới của mình. Năm mươi hai tác phẩm kết tinh quá trình ông trực họa tiếp giáp thiết tha và thăng hoa cùng với cảnh vật và hoa cỏ Việt Nam.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội, con trai của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Sang nước Nga du học gần 20 năm, ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Moskva năm 1967; bảo vệ luận án phó tiến sĩ kiến trúc về di sản và trùng tu năm 1977. Trở về Việt Nam, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã gắn bó với công việc bảo tồn, trùng tu các công trình di tích kiến trúc. Trong suốt 20 năm làm Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích trung ương (nay là Viện Bảo tồn di tích), ông đã trực tiếp chủ trì, tham gia thực hiện hàng chục dự án trùng tu và tôn tạo di tích ở Hà Nội, Hội An, Huế, Mỹ Sơn… Hiện ông là ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc quốc gia.
- Võ Xuân Huy