Bạn đang hoặc sẽ có mặt ở “kinh đô Ánh sáng” trong tháng Mười này? Hãy tạm bỏ qua Bảo tàng Louvre danh giá và sang trọng để đến với một địa chỉ mỹ thuật ngoại vi, xem một cuộc triển lãm độc nhất vô nhị, chỉ diễn ra một lần duy nhất tại cao ốc thuộc quận 13 có đông người Việt sinh sống.
Tọa lạc ở phố Fulton bên bờ sông Seine, Tháp 13 là tên gọi một khu chung cư gồm hai khối nhà cũ kỹ ở quận 13, gần kề ga tàu điện ngầm Austerlitz luôn tấp nập hành khách. Chính tại đây, trong suốt tháng 10-2013 diễn ra một sự kiện mỹ thuật đặc biệt, chưa từng có tại nước Pháp và cả thế giới từ trước tới nay.
Theo lời kêu gọi của Mehdi Ben Cheikh, nghệ sĩ Pháp gốc Tunisia 36 tuổi, người sáng lập gallery Itinerrance ở Paris chuyên về nghệ thuật đô thị đương đại, hơn 100 họa sĩ được coi là xuất sắc nhất về tranh đường phố đến từ 18 nước trên thế giới đã cùng tham gia cuộc triển lãm này; đó là những cái tên và nghệ danh – thường là tiếng lóng của dân hè phố – như: Add Fuel, Joao Samina, Belem, Pantonio, Kruella (Bồ Đào Nha); AweR, Etnik, Peeta, MoneyLess, JB Rock, Senso (Ý); Flip, Ethos, Loiola, Tinho (Brazil); Maryam, Maz, Azooz, Aous (Ả Rập Saudi); eL Seed, Dabro, Shoof (Tunisia); David Walker, Guy Denning (Anh); Cope2, Jonone, Indie 184 (Mỹ); Jaz (Argentina); Stinkfish (Mexico); Jimmy C, Vexta (Úc); Uriginal, BToy (Tây Ban Nha); Alone (Iran); Sumo (Luxembourg), Inti Castro (Chile)…; và rất đông các họa sĩ Pháp như: Sambre, Seth, Alëxone, Amin, Bom.K, Liliwenn, Celeste Java, Dan23, Inti Ansa, Myre, Philippe Baudelocque, Madame Sanbor, Rodolphe Cintorino, Sebastien Preschoux… Dù phần lớn còn trẻ nhưng họ là những ngôi sao của tranh đường phố, được biết đến rộng rãi trong cộng đồng hâm mộ loại hình nghệ thuật này trên phạm vi toàn cầu do tác phẩm của họ thường được truyền đi rất nhanh qua internet.
4.500m2 tác phẩm
Trong suốt bảy tháng kể từ khi đến với Tháp 13, các nghệ sĩ đường phố đã sáng tác ngay trên các bức tường của 36 căn hộ – vốn bị bỏ không đã lâu trong chín tầng nhà của hai khối nhà – cùng hai tầng hầm từng là nơi để xe của chung cư, các lối đi, các thang máy…, thậm chí mọi ngóc ngách, mọi khoảng tường trống dù nhỏ nhất của chung cư đều được phủ kín bằng tranh với các đề tài, chủ đề hết sức đa dạng. Nếu Alëxone dùng bình sơn xịt thay cho cọ vẽ thể hiện các hình ảnh lấy cảm hứng từ truyện tranh hiện đại thì Sambre – vốn nổi tiếng bởi các tác phẩm vẽ trên những cao ốc bỏ hoang của Paris – tận dụng những cánh cửa trong căn hộ để vẽ tranh và làm các sắp đặt đầy biến ảo thị giác. Còn Shoof, họa sĩ Tunisia cư trú ở Nantes thì chuyên viết thư pháp Ả Rập bằng những bình sơn xịt cỡ lớn chỉ với hai màu đen và trắng. Có người “tạc” những chiếc xe đạp bằng ván sàn cũ, bong tróc. Và biết bao hình ảnh khác được các nghệ sĩ miệt mài vẽ, làm thành một bức tranh khổng lồ rộng tới 4.500m2. Có những bức tranh được vẽ thực, thật chi tiết, chẳng thua kém bất kỳ tác phẩm hội họa giá vẽ nào như các chân dung phụ nữ của bộ đôi Bom.K và Liliwenn, hay của David Walker. Và đập vào mắt của khách thưởng ngoạn triển lãm khi đến với Tháp 13 là một tác phẩm thư pháp không lồ của nghệ sĩ Pháp gốc Tunisia eL Seed, được vẽ kín mặt hông của một khối nhà, nơi người ta dễ nhận ra nhất từ xa. Tương tự, các mặt khác của hai khối nhà đều được phủ bằng tranh đường phố.
Toàn bộ khu chung cư hoang phế đã lâu nay biến thành một thế giới thần tiên, hoang đường, đầy ảo ảnh mà cũng hết sức trần trụi, nghiệt ngã như chính cuộc sống của những người nhập cư đến từ các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh từng sống trong chung cư này cũng như tại nhiều khu chung cư đã tàn tạ, xuống cấp ở quận 13.
“Tôi mất sáu tháng để xin thành phố Paris chấp thuận cho mở cửa chung cư bỏ hoang này để có thể tổ chức cuộc triển lãm và thêm sáu tháng để mời các họa sĩ tham gia triển lãm” – Mehdi Ben Cheikh cho biết. Nguyên là giáo viên hội họa tại một trường trung học ở quận 13, Ben Cheikh đã bỏ nghề dạy học từ năm 2004, mở gallery và sống hết mình với nghệ thuật đường phố mà anh say mê từ thời trẻ. Cũng theo anh thì “nghệ thuật đường phố là phong trào nghệ thuật toàn cầu đầu tiên, khởi đầu ở New York, nay châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, châu Âu và Trung Đông đã chịu tác động của phong trào này, và từ đây thông điệp nghệ thuật của các nghệ sĩ đường phố có thể lan rộng khắp nhờ sức mạnh của internet”.
Nghệ thuật là phi thương mại
Paris được coi là thánh đường của các nghệ sĩ đương đại, trong số họ có rất nhiều người mong muốn tác phẩm của mình được đi vào các gallery, được giới sưu tập biết đến. Thế nhưng cuộc tập hợp tác phẩm tại Tháp 13 hoàn toàn phi thương mại: “Không có gì để bán chác tại đây, triển lãm cũng không thu phí vào xem và khía cạnh thương mại tuyệt đối không tác động tới dự án này cũng như với các nghệ sĩ và gallery của tôi” – Ben Cheikh khẳng định và cho biết đã từ chối những yêu cầu của các nhà sưu tập muốn mua lại nhiều mảng tác phẩm được vẽ trong hai khối chung cư, từ chối cả đề nghị của các nhà thời trang muốn được sử dụng triển lãm để chụp ảnh sản phẩm của mình vì theo anh: “Triển lãm này là nghệ thuật thuần túy, không phải là thứ trang trí nội thất hay để làm đẹp cho các tạp chí. Tôi phải đảm nhận vai trò một người canh giữ để bảo đảm ngay cả những người dọn rác cũng không mang đi khỏi đây bất cứ thứ gì”.
Với sự quyết liệt như thế, toàn bộ tác phẩm của hơn 100 họa sĩ rồi sẽ chỉ tồn tại qua hình ảnh được khách tham quan lưu lại bằng máy ảnh, máy quay phim… và bằng một bộ phim tư liệu duy nhất được ban tổ chức thực hiện. Các nghệ sĩ tham gia triển lãm cũng hoàn toàn tự nguyện, họ bỏ tiền túi đến đây sống và thực hiện tác phẩm, không nhận bất kỳ nguồn tài trợ nào cũng như không xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào trong thời gian sáng tác và triển lãm.
Để có được triển lãm nghệ thuật đường phố lớn nhất, tập hợp đông nghệ sĩ nhất từ trước đến nay tại Tháp 13, ngoài nỗ lực phi thường của Mehdi Ben Cheikh phải kể đến vai trò quan trọng của ông Jérôme Coumet, quận trưởng quận 13 của Paris, người hết sức hào hứng với dự án nghệ thuật này và từng bảo trợ cho nhiều hoạt động nghệ thuật khác của các nghệ sĩ nhập cư sống trong khu vực hành chính do ông quản lý. Còn Antoine Boscher, người phụ trách dự án về phía chính quyền thì mê mải với những gì đã và đang diễn ra ở một góc phố nhỏ phía đông Paris, nơi có những dòng người nối đuôi nhau chờ đến lượt được vào xem triển lãm: mỗi lượt cả hai khối nhà chỉ đón được 49 khách thưởng ngoạn vì các thang máy không đủ sức tải và các căn hộ thì chật hẹp. Nhưng ông Antoine Boscher tin rằng cuộc triển lãm này sẽ vang danh khắp thế giới và cái góc nhỏ Paris của ông sẽ trở thành một “thánh địa nghệ thuật đường phố toàn cầu”.
Tiếc rằng, sau thời gian diễn ra triển lãm, đến tháng 11-2013, cả hai khối nhà chung cư của Tháp 13 sẽ bị đập bỏ để xây mới vì chúng không thể tồn tại lâu hơn nữa theo các dự án chỉnh trang đô thị của Paris. Toàn bộ các tác phẩm cũng sẽ thành tro bụi. Chỉ còn những ấn tượng được lưu giữ mãi trong lòng người…
- Lê Bản