Nhà nghèo vượt khó thì nghe nhiều rồi. Bây giờ khó không kém là nhà giàu vượt sướng. Nhưng có phải ai cũng giàu đâu, đã sướng đâu mà đòi vượt?
Này, không phải nói con cưng “hoàng tử, công chúa của ta” được cha mẹ chu cấp đầy đủ rồi sinh ra ăn chơi hư hỏng này nọ đâu. Chuyện đó có ai không biết đâu mà “cảnh” với chẳng “báo”. Cũ mèm rồi. Bây giờ còn dữ dội hơn cả ngày nghe tin ngân hàng Thụy Sĩ cho biết Việt Nam có hơn 200 người siêu giàu (nhớ là “siêu giàu” chứ không chỉ “giàu” nhé).
Bây giờ lại còn dự báo, trong những năm tới tốc độ người siêu giàu ở Việt Nam ta sẽ tăng nhanh nhất thế giới. Mà đọc kỹ cái bài về vấn đề này để tìm lý do giàu nhanh, thì tác giả bài báo cuối cùng lý giải rằng, nền kinh tế ngày càng minh bạch thì sẽ dễ hiện ra người giàu. Vậy mà cũng đòi giải thích! Chẳng khác gì nói rằng xứ ta giàu ngầm từ lâu rồi nay chỉ cần minh bạch công khai để lộ ra ánh sáng là một nước cực giàu. Dễ như ăn kẹo. Còn lý do giàu thì chưa biết.
- Xem thêm: Trung lưu… “tự sướng”
Bà xã tôi tự giải thích, nhìn sơ sơ cũng ra. Đây này, sắp sửa cổ phần hóa 500 doanh nghiệp nhà nước. Nghe là người ta còn dọa ai không chịu cổ phần hóa thì cách chức (thế mà sao đến giờ này vẫn chẳng thấy ai mất chức hết trong khi… chưa có cổ phần hóa được cái nào).
Thế là, sẽ như… Liên Xô sau khi tan rã, chuyển đổi kinh tế, phần lớn tài sản quốc gia đã rơi vào tay tư bản đỏ, mới có chuyện tỉ phú Khodorkovsky gì đó bị bắt sau này… Liệu cái dự báo Việt Nam sẽ là nước có tốc độ siêu giàu nhanh nhất thế giới, có đi vào vết xe đổ đó không?
Thôi chuyện đại sự để xem thế nào đã, biết đâu tái cấu trúc kinh tế thành công thì đại phúc cho dân tộc. Nhưng mà giờ ai sẽ trả lời câu hỏi này đây: Nước ta giàu hay nghèo?
Thống kê thì lắm siêu giàu, mà hằng ngày cứ phơi ra cả đống câu chuyện thảm như miền núi ở Điện Biên – nơi chiến thắng chấn động địa cầu nay lại gây chấn động bằng hình ảnh có một không hai trong cách giao thông, còn vượt xa đu dây, là cô trò chui bao nylon để được kéo qua suối lũ.
Rồi có tới hơn bảy vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, còn bao chuyện kinh hoàng về những tội ác gây bất an cho xã hội. Không lẽ xứ siêu giàu họ có lối sống “mô-đen” như vậy? Hay là càng siêu giàu thì cũng sẽ là có bên cạnh đó một đất nước siêu nghèo? Hay là đám siêu nghèo kia là thành quả của đám siêu giàu?
- Xem thêm: Phú quý giật lùi
Chẳng ai lý giải nổi, hoặc có lý giải thì lại nói kiểu” phân hóa xã hội là tất yếu để tiến tới văn minh?”, rằng “phải có một số giàu lên trước mới kéo xã hội đi lên?”. Khó nói quá, khó tin quá, đầy nghi ngờ…
Nhưng đây này, trên mạng lưu truyền bức thư của một du học sinh Nhật gửi các bạn trẻ Việt. Thư viết rằng Nhật nghèo nên phải, phải…, còn Việt Nam là một nước giàu, thiên nhiên ưu đãi. Nhưng người Việt sống kiểu gì đây?
Nhà mình sạch, kệ phố bẩn. Có 80% người làm nông, trồng trọt nhưng mọi thứ đều độc, sắp bước sang thời đại của ung thư. Chửi hay hơn hát. Dạy con thành đạt không chọn đam mê mà chọn thứ kiếm tiền nhiều. Không tin vào bất cứ điều gì…
Tiếp theo bài đó là dân Việt “còm” (bình luận) vào lia lịa. Nào là ca ngợi “đúng quá”, “thật như dân Nhật”, nào là “Like mạnh. Ai không chịu nổi thì cứ tưởng tượng là Doremon đang nói đi nha. Hãy nhìn thẳng sự thật đi”.
Rồi một người “còm” như tiếng thở dài: “Chao ôi, đúng quá, nhưng người nghèo vượt khó thì có nhiều gương rồi, còn… người giàu vượt sướng như dân ta đâu có dễ. Thôi đành nhắc lại câu hỏi của bạn Nhật nọ: Vì đâu nên nỗi?”. Lại đổ cho thời đại, cho thể chế, cho suy thoái…
Nhiều thứ để đổ lắm, nhưng không ai chịu công nhận “truyền thống dân tộc” đã xấu đi. Đụng đến nói xấu truyền thống là dân Việt sẽ biểu diễn “chửi hay hơn hát” như bạn Nhật nói cho mà xem. Chưa có ai nói về bản thân mình đã làm xấu dân tộc đi như thế nào.
Thiếu tinh thần trách nhiệm cá nhân là cái xấu nhất của người Việt giàu hay sao ấy, cứ nghĩ ta tốt, còn thiên hạ xấu, y chang là nhà mình sạch còn phố bẩn vậy. Giàu có thật là một đại nạn?