Theo dự đoán của các nhà khoa học, nếu sự kiện nóng lên toàn cầu không ngừng lại, chỉ đến khoảng cuối thế kỷ 21 này thôi, hành tinh xanh sẽ mất đi 60% thực vật và 50% động vật. Ngay cả con người, sinh vật tự hào là có khả năng đối phó với mọi rủi ro sinh tồn, cũng có thể rơi vào tình trạng diệt vong trong tương lai không xa.
Thảm họa cuối thế kỷ
Theo cảnh báo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund – WWF), trừ phi các quốc gia trên thế giới hiệp lực, đề ra giải pháp và quyết liệt thực hiện nhằm giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu hiện nay, không thì chỉ đến cuối thế kỷ này, hơn một nửa thảm thực vật sẽ biến mất. Tất nhiên, không còn địa bàn sống, động vật có vú, lưỡng cư, bò sát, chim chóc cũng dắt díu nhau vào nguy cơ tuyệt chủng. Dù là rừng mưa Amazon hay châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Úc cũng đều nằm trong báo động cấp.
Thử nghiệm ảo tác động của 3 mức độ nóng lên toàn cầu (từ tạp chí Climate Change) trên 80.000 loài thực vật và động vật tại 35 khu vực đa dạng sinh học trên trái đất đưa ra kết quả: nếu tăng 3,2oC (theo thỏa thuận bảo vệ khí hậu của các quốc gia hiện nay), 60% các loài thực vật và 50% các loài động vật biến mất. Còn nếu nhân loại thành công ngăn chặn biến đổi khí hậu, khiến nhiệt độ chỉ tăng chừng 2oC, thế giới sẽ có triển vọng bảo vệ tự nhiên cao hơn. Nhưng dù vậy, 35% các loài vẫn vắng bóng trên địa cầu. Đương nhiên cũng phải tính đến cả khả năng chúng ta thất bại, khiến nhiệt độ toàn cầu nóng hơn hiện tại 4,5oC. Hậu quả của nó khủng khiếp đến nỗi ai nấy phải rùng mình. Đó là 70% các loài thực vật, động vật lưỡng cư tuyệt diệt, 60% các loài thú, bò sát, chim biến mất khỏi mặt đất.
Hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hiện tượng nóng lên toàn cầu là tây nam Australia và rừng Miombo, châu Phi. Nguy cơ tuyệt chủng lên đến 80%. Sự tác động của biến đổi khí hậu lên mỗi vùng đất là mỗi khác nhau, nhưng không có bất cứ nơi nào lại nằm ngoài tác động xấu của nó.
Tổn thất vô cùng lớn
Cho dù là hạn hán hay mưa dầm sẽ xảy ra do tác động của biến đổi khí hậu, chúng đều ảnh hưởng tiêu cực đến các cánh rừng ngập mặn tại châu Phi, Bangladesh (Nam Á), Cerrado-Pantanal (Brazil), cả đồng bằng sông Dương Tử (Trung Quốc), bờ biển châu Âu, Madagascar (Đông Phi), Caribê… Khi nước ngọt trở nên khan hiếm, cuộc chiến tranh giành nước uống giữa người và động vật sẽ trở thành sự thật. Một con voi châu Phi cần khoảng 250 lít nước/ngày. Nếu mực nước biển dâng, thế giới sẽ chỉ giàu nước mặn và nước lợ. Không dừng lại ở đó, ngập lụt cũng gây thiệt hại cho nhiều loài, trong đó có loài hổ ở rừng ngập mặn Sundarbans, Bangladesh, nơi 96% diện tích đất có nguy cơ bị chìm trong nước biển.
Máy tính chỉ tính toán dựa dữ liệu được nhập vào. Nó không biết rằng sự thiệt hại của một loài hoàn toàn có khả năng kéo theo một vài loài khác. Dù cái chết của một loại cây không là chuyện nghiêm trọng, nó vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến lượng mưa, thậm chí gây biến đổi địa hình do sạt lở đất đai và ô nhiễm. Dẫu sự đổi thay trong quần thể côn trùng không lập tức khiến lớp động vật ăn mồi suy thoái song, về lâu về dài, nó đủ để đặt án tử lên đầu một vài loài liên quan. Vì thế, tổng thiệt hại trên thực tế có thể còn cao hơn các dự đoán nêu trên.
“Với Amazon và Guianas, hậu quả sẽ khủng khiếp như địa ngục”, William Laurance, giám đốc Trung tâm Môi trường Nhiệt đới và Khoa học Bền vững (Centre for Tropical Environmental and Sustainability Science) của Uác, cho hay. Trong thực tế, nhiệt độ quả đất hiện nay mới chỉ cao hơn thời tiền công nghiệp có 1oC. Vậy mà, vào năm 2003, trong tuần lễ nóng nhất tại châu Âu, 30.000 người thiệt mạng. Năm 2010, sóng nhiệt ở Nga tàn sát 15.000 người. Năm 2015, sóng nhiệt tại Karachi, Pakistan giết chết gần 700 người.
Giả sử nhiệt độ hiện tại vẫn tiếp tục tăng, chuyện gì sẽ xảy ra? Thử nghiệm ảo chỉ rõ, nếu tăng 0,6oC, loài lưỡng cư bắt đầu diệt vong trên diện rộng. Tăng 1oC, băng trên các đỉnh núi, trong các vòng cực Bắc và cực Nam bắt đầu tan, dẫn đến sự gia tăng của mực nước biển, nhấn chìm nhiều vùng đất thấp. Tăng 1,6oC, 1/2 diện tích rừng trên toàn cầu bốc cháy. Tăng 2,2oC, 25% động vật có vú tại châu Phi chết vì nóng. Tăng 2,6oC, thế giới sẽ không còn rừng mưa nhiệt đới. Tăng 4oC, 70% động vật rơi vào tuyệt chủng, các rạn san hô rã nát, sa mạc mở rộng toàn cầu. Và nếu tăng 10oC, hành tinh của sự sống sẽ trở thành ngôi sao chết chóc. Loài duy nhất còn sống sót có lẽ chỉ là tardigrada (gấu nước), sinh vật có biệt tài chịu đựng mọi thử thách sinh tồn, trừ khi bị đem ra xắt lát.
Giải pháp cứu nguy
Có hai con đường ngắn nhất để đối phó với tác động của nóng lên toàn cầu: đó là di chuyển các loài đến vùng lãnh thổ mới và cắt giảm hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, với con đường dịch chuyển, chỉ các đối tượng như thực vật (nhỏ), động vật lưỡng cư, bò sát mới thích hợp để được chuyển đi. Chúng ta không thể chuyển cả những động – thực vật kích thước lớn. Ngành bảo tồn cũng phải tính toán mọi rủi ro khi đem động – thực vật từ nơi này đến nơi khác. Thế giới đã có không ít những thảm họa sinh thái do bất cẩn nhập về sinh vật không thích hợp, ví dụ như việc Mỹ lấy săn dây từ Nhật Bản về trồng ở các bang miền nam nhằm tránh sạt lở đất. Hợp thổ nhưỡng, sắn dây Nhật Bản lan nhanh ngoài tưởng tưởng, điên cuồng lấn chiếm đất và hạ sát các loài thực vật bản địa.
Trên thực tế, một phần của giải pháp di dời đã đang được thực hiện. Vài loài động vật, chẳng hạn như chó sói, đã được chuyển đến nơi ở mới và sinh trưởng đều đặn. Chỉ có điều, toàn thế giới mới chỉ có khoảng 130 khu vực bảo tồn là phù hợp để tiếp nhận động vật ăn thịt. Nếu động vật săn mồi từ nơi khác cứ lũ lượt được đưa vào, chuyện quá tải sẽ sớm xảy ra.
Thế cho nên giải pháp hữu hiệu hơn cả là giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Làm sao cho mức gia tăng của nhiệt độ nhất định phải thấp hơn 1,5oC. “Dẫu rằng chừng đó vẫn chưa đủ để bảo vệ tất cả các loài”, Stephen Cornelius, cố vấn của WWF nói. “Cho dù là điều gì sẽ trở thành sự bình thường mới trong các thập kỷ tới, nó cũng không phải là hiện tượng mà động vật hoang dã từng trải qua”.
Trong tháng 2-2018, thử nghiệm ảo giả sử 25% rừng mưa Amazon bị phá hủy trên máy tính cho thấy, nó kéo theo nóng bức và suy thoái môi trường trên toàn cầu. Nếu bạn muốn biết thực trạng trái đất sẽ ra sao khi rừng cũ không được bảo vệ và rừng mới chưa được trồng, hãy nhìn vào hậu quả hạn hán ở São Paulo (Brasil) năm 2014-2015. Đầu tiên, ngành nông nghiệp bó tay chịu chết trước đồng ruộng khô khốc, nứt nẻ. Cây cối chết rạp. Nước hiếm như vàng. Ngành chăn nuôi bất lực nhìn vật nuôi gã xuống nằm bất động hàng loạt. Tiếp đến là con người. Dẫu tự hào là quốc gia có trữ lượng nước ngọt nhiều bậc nhất thế giới, Brasil cũng vẫn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước ngọt lớn chưa từng thấy.
Ngoài việc bị mất mát rừng xanh do nóng lên toàn cầu, tự nhiên còn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, thiếu môi trường sống, phát sinh đối thủ xâm lấn, bệnh dịch… Nhân loại cũng chỉ là một trong những sinh vật sống trên bề mặt trái đất. Một khi thảm họa đã xảy ra, chúng ta cũng chẳng trốn đi đâu được. Sao Hỏa ư? Cứ cho rằng lúc ấy ngôi sao màu đỏ đã sẵn sàng tiếp nhận người trái đất vào sinh cơ lập nghiệp, bao nhiêu người sẽ được đưa lên? Sự kiện tuyệt chủng hàng loại thứ 6 Anthropocene (Kỷ Nhân sinh), nếu cực đoan, rất có thể sẽ bao gồm cả sự tuyệt chủng của loài người.