PETER WOHLLEBEN
ĐÀM THOẠI SPIEGEL | Peter Wohlleben là người làm nghề rừng nổi tiếng nhất nước Đức sống trong vùng Eifel. Ông suýt là nạn nhân của thảm họa lũ quét tháng 7, 2021. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn và đàm thoại với tuần báo DER SPIEGEL về mối quan hệ giữa thiên tai và rừng, có thể là một bài học rất đáng tham khảo cho Việt Nam.
Wohllehen, 57 tuổi, mặc áo khoác thợ rừng, đứng trong vườn nhà kiểm lâm của mình với chiếc điện thoại cầm tay. Trong nhà, sóng yếu nên không thể phỏng vấn qua zoom được. Internet không có tác dụng, nhiều cột phát sóng điện thoại di động cũng bị đổ gãy. Wohlleben sống tại thôn Hümmel trong vùng Eifel, là tác giả những sách chuyên môn bán chạy nhất trong nhiều năm nay. Xã Schuld bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa, chỉ ở cách đó vài cây số theo đường chim bay.
SPIEGEL: Ông Wohlleben, ông có bị lũ quét gây thiệt hại không?
Wohlleben: Thỉnh thoảng mất điện, trong lúc này không nhận được thư từ nữa, và chúng tôi cũng chưa có nước uống. Một số đường bị xói mòn, vài sườn núi sạt lở. Nhưng đó là những vấn đề xa xỉ. Nhà ở và viện nghiên cứu rừng của chúng tôi ở xã Wershofen gần nơi đây không bị gì cả. Chúng tôi có sự may mắn lạ lùng là ở trên một cái núi. Xung quanh chúng tôi nước chảy ầm ầm như ở vùng núi cao.
Ông có biết ai bị ảnh hưởng nặng hơn không?
Wohlleben: Rất nhiều người, tất cả các làng trong thung lũng phía dưới chỗ chúng tôi ở đều bị ảnh hưởng. Phải cần nhiều năm để xây dựng lại tất cả. Thật là buồn. Con trai tôi sống với bạn gái của nó ở thành phố Bad Münstereifel, hôm qua nó phải xúc bùn đất cả ngày.
Vậy thời tiết hay sự biến đổi khí hậu đã gây ra cơn lũ quét?
Biến đổi khí hậu, chắc hẳn rồi, nhưng tình trạng rừng ở Đức cũng đã thành vấn đề. Bây giờ, dĩ nhiên không ai muốn nghe điều này. Người ta nói theo phản xạ: Trước hết, chúng ta hãy dọn sạch cái đã, rồi mới thảo luận. Nhưng khi đã dọn sạch rồi, không ai có nhu cầu thảo luận nữa. Rồi sẽ tiếp tục như trước.
Vậy cụ thể rừng có liên quan gì đến lũ quét?
Nước lũ không hình thành dưới thung lũng mà ở trên núi. Thật ra đỉnh các dãy núi cao trung bình ở Đức đều phủ rừng, trong vùng Eifel cũng thế. Nhưng hiện nay, nơi nào cũng có những cánh rừng bị đốn sạch cây, vì các đồn điền vân sam[1] không thể thích ứng với biến đổi khí hậu và phải chết khô.
Điều đó có hậu quả gì?
Thực sự rừng không để nước chảy mất. Một phần được giữ lại trên các vòm cây và bay hơi vào không khí. Nhưng trên hết, đất rừng còn nguyên vẹn có tác dụng như một bọt biển xốp, để nước lọt vào dễ dàng rồi lưu giữ nó. Mỗi mét vuông đất rừng nguyên vẹn có thể lưu giữ 200 lít nước. Vấn đề là các harvester (thiết bị thu hoạch gỗ lớn)[2] san bằng đất rừng và làm chết ngạt hệ sinh thái đất[3]. Qua đó, đất mất đến 95 % khả năng lưu giữ nước. Lượng nước không được lưu giữ này sẽ chảy xuống thung lũng. Và rồi bi kịch sẽ diễn ra một cách tự nhiên! Hơn nữa, các harvester thường không chạy ngang sườn núi mà chạy thẳng đến dưới sườn núi. Do đó, bánh xe sẽ tạo ra những đường rãnh khổng lồ: những mương tháo nước tốt nhất mà ta có thể tưởng tượng được.
Một khu rừng còn nguyên vẹn có thật sự giữ nỗi những lượng nước như vừa qua không?
Đáng ngạc nhiên là nó giữ nỗi. Hôm qua, tôi coi một sườn núi với khu rừng dẻ gai[4] lâu năm trong hạt kiểm lâm của tôi, đó là một sườn núi thật dốc, khó có thể leo lên được. Ở đó hầu như không xảy ra điều gì, thậm chí cũng không có nhiều lá cây bị cuốn trôi. Khu rừng đã giữ lại nhiều nước đến nỗi dòng suối ở sát chân núi còn chưa tràn lên bờ nữa. Mặc dù chúng tôi ở ngay trung tâm mưa nhiều. Một dòng suối xuất hiện trên bãi cỏ ở trại nuôi ngựa của chúng tôi, nơi bình thường chưa bao giờ có suối. Nhưng trong khu rừng già nguyên vẹn hầu như không có gì xảy ra. Điều đó hẳn có nguyên nhân là cây cũng giữ chặt đất bằng bộ rể của chúng.
Vì sao có những cánh rừng lớn bị đốn sạch cây?
Chính phủ Liên Bang tài trợ để chặt bỏ các đồn điền vân sam chết khô sớm như có thể.
Với lý do nào?
[…] Tôi không hiểu ý nghĩa việc đó. Những mùa hè nóng bức vừa qua và thảm họa bọ đục vỏ cây đã gây thiệt hại nặng nề cho các chủ rừng, đúng như vậy. Theo tôi, thậm chí cũng có thể trả tiền bồi thường cho họ, nhưng tại sao lại để họ chặt cây? Tốt hơn, chủ rừng nên để yên các đồn điền vân sam đã chết và đợi cho đến khi cây mới mọc lên. Điều này nằm trong lợi ích chung. Như thế, sẽ bảo vệ được đất, không bỏ mặc nó cho nắng mưa. Cây mới khó mọc hơn nhiều trên mặt đất đã dọn sạch.
Đến nay, nhiều độc giả rất thích ông với tư cách là người kể chuyện vui tính. Trong quyển sách mới của mình, ông lại tỏ ra thật nghiêm − và rất chính trị*. Tại sao vậy?
Vì bây giờ cần phải như thế.
Ông nhắm tới cuộc bầu cử quốc hội Liên Bang, phải không?
Việc quyển sách ra đời trong năm bầu cử là tình cờ. Tôi muốn nói về nhóm vận động hành lang ngành gỗ, nhóm này đấu tranh cho việc sử dụng nhiên liệu gỗ nhiều hơn nữa. Điều đó có nghĩa là: phát thải nhiều CO2 hơn, nhiệt độ tăng lên, trung bình mưa ít hơn và có nhiều lũ quét ở địa phương hơn nữa. Quyển sách của tôi mang tính chính trị, nhưng quan trọng đối với tôi là không ủng hộ một đảng cụ thể nào.
Song song với việc xuất bản quyển sách, Viện Nghiên cứu rừng của ông còn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về rừng. Khách mời là bộ trưởng bộ môi trường Svenja Schulze thuộc đảng SPD và chủ tịch đảng Xanh Robert Habeck, cũng như nhà hoạt động phong trào “Thứ Sáu vì tương lai” Luisa Neubauer và giám đốc điều hành tổ chức Greenpeace Martin Kaiser. Điều này đủ cho thấy một xu hướng.
Tôi tổ chức tương đối nhiều sự kiện với đảng Xanh, nhưng đó là vì đảng CDU luôn luôn tránh né. […]
Tôi không làm chính trị đảng phái, mà chỉ tích cực trong lĩnh vực chính sách môi trường. Tôi bầu đảng Xanh vì đảng này có chương trình gần các ý tưởng của tôi nhất. Nhưng đảng Xanh cũng có những chỗ yếu.
Dù vậy, quyển sách mới và hội nghị thượng đĩnh của ông khiến ông trở thành nhà hoạt động chính trị.
Hội nghị đó sẽ không trở thành sự kiện quảng bá quan điểm của tôi. Trong các hội nghị thượng đĩnh quốc gia do bà bộ trưởng bộ nông nghiệp tổ chức, người ta luôn luôn thảo luận trong nhóm nhỏ. Hội nghị thượng đĩnh về rừng của chúng tôi là một cố gắng khởi đầu cuộc thảo luận nghiêm túc. Chúng tôi có chủ ý mời cả những chuyên gia không đồng tình với tôi, chẳng hạn như nhà lâm học Jürgen Bauhus ở Freiburg. Ông là trưởng ban cố vấn khoa học về chính sách lâm nghiệp của bộ nông nghiệp, là một trong những influencer[5] chủ yếu về rừng ở Đức. Các phát biểu của ông và vài đồng nghiệp bảo thủ của ông thường làm tôi chưng hửng. Nhưng tôi muốn tìm hiểu vì sao ông nghĩ như thế và cách thức ông suy nghĩ.
Phương châm hội nghị thượng đĩnh của ông là “Nạn chết rừng phiên bản 2.0” Rừng Đức có chết thật không?
Các đồn điền vân sam sẽ biến mất. Nhưng đó chủ yếu là tổn hại về kinh tế. Về mặt sinh thái, tổn hại không lớn lắm − nếu chúng ta cho phép thiên nhiên có một khởi đầu mới.
Chúng ta cần phải làm gì để thực hiện điều đó?
Không làm gì cả. Chờ đợi. Rừng sẽ trở lại nếu như chúng ta để nó yên. Nếu chúng ta không đẩy đi và đào xới tất cả bằng xe ủi đất, nếu chúng ta không trồng linh sam Douglas[6] ở khắp nơi thay vì vân sam thì chúng ta không phải lo lắng nhiều quá. Hệ sinh thái vẫn luôn mạnh mẽ và còn nguyên vẹn.
Đối mặt với khủng hoảng khí hậu, liệu chúng ta có đủ thời gian để đợi hay không?
Nếu chúng ta cứ để rừng làm việc, thông thường sẽ nhanh hơn. Câu hỏi nên đặt ra là: Chúng ta có thời gian để tiếp tục thử nghiệm hay không? Ngành lâm học cổ điển nên thú nhận là nó không biết phải làm gì nữa và nên đơn giản trở lại vai trò quan sát. Ai trồng cây sẽ thất bại. Rừng có nghĩa rộng hơn một tập hợp nhiều cây.
Vài chỗ trong quyển sách của ông gây ấn tượng kẻ thù lớn nhất của cây là người làm lâm nghiệp Đức. Ông có thấy thật như vậy không?
Dĩ nhiên lúc nào cũng có ngoại lệ, nhưng ngành lâm nghiệp cổ điển hành động vô cùng tàn bạo và đã đốn sạch những cánh rừng khổng lồ. Như thể những người làm nghề rừng mắc phải chứng gì vậy.
Ông có hơi quá đáng không?
Nhiều khu rừng của chúng ta không phải là rừng, nhưng là những hoang mạc xanh. Ngành lâm nghiệp cổ điển hoạt động như nông nghiệp: Nó cũng trồng độc canh, nhưng không phải khoai tây, cải dầu, bắp, mà trồng vân sam, thông, dẻ gai. Cách đối ứng của nó với biến đổi khí hậu là thay đổi loại cây. Trong lúc này, nó tuyển chọn một loại cây mới đối phó với tình trạng thay đổi [khí hậu] tốt hơn vân sam, loại cây đã kiệt sức. Hoàn toàn theo phương châm: Đức tìm một loại cây siêu đẳng. Các loại được ưa chuộng là linh sam Douglas, tuyết tùng Atlas[7], cây hạt dẻ[8], cây phỉ Thổ Nhĩ Kỳ[9], cây sồi đỏ[10], tất cả đều không phải l̀à cây bản địa.
Tuy vậy ông không thực sự cảnh báo trước sự xâm nhập rừng Đức của các loài lạ?
Ai quả quyết rằng mình biết chắc chắn những loài cây nào sẽ mọc tốt nhất ở nước ta trong 50 hoặc 100 năm nữa, người đó cũng có thể đoán trước số trúng xổ số vào thứ bảy tới. Dù sao, bây giờ các cây linh sam Douglas con cũng đã chết khắp nơi trên diện rộng. Đối với tôi, điều quan trọng hơn là: Chúng ta biết quá ít về rừng. Một vài điều chúng ta biết thì chưa được lâu. Ví dụ rừng lá rộng bản địa còn nguyên vẹn làm mát hơn đồn điền thông cho tới 8 độ. Hoặc mực nước ngầm dâng lên dưới những cây dẻ gai nhưng hạ xuống dưới những cây thông. Tuy nhiên chúng ta lại lấy một loài cây lạ mà chúng ta biết còn ít hơn các loài bản địa. Các sinh vật bản địa trong đất rừng có thể nào tiêu hóa cành lá cây lạ đó không? Nếu không, hệ sinh thái sẽ mất cân bằng − trong khi tình trạng khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn. Tôi thấy điều đó thật điên rồ.
Rất có thể các nhà lâm học cổ điển sẽ nói tương tự như thế về ông và quyển sách của ông.
Vâng, nhưng họ sẽ đuối lý nhanh chóng. Tôi mới về từ Romania, nơi tôi đã lãng du cả tuần qua các khu rừng dẻ gai cuối cùng của châu Âu. Quá đỗi tuyệt vời, những gì các khu rừng nguyên vẹn có thể làm được. Khi trở về Đức, tôi hoảng sợ khi thấy ở đây như thế nào. Nhưng không phải lỗi tại biến đổi khí hậu. Các điều kiện [khí hậu] ở Romania tương tự như ở nước ta.
Vậy ai có lỗi?
Trong lúc này, người làm lâm nghiệp hay nói: “Tôi trồng cây lá kim.” Đó là cách nghĩ xuất phát từ sản phẩm. Giống như khi nhà nông nói: “Tôi đặt một miếng thịt rán vào chuồng” Nhưng tôi không thể bắt thiên nhiên tạo ra ở Đức một khu rừng như ở bờ biển tây Canada, tức là một khu rừng linh sam Douglas tươi tốt. Nó sẽ không phát triển ở đây. Các cây đó sẽ không thấy khỏe ở đây.
Ông cảm thấy khó chịu vì tính kiêu ngạo, muốn điều khiển thiên nhiên?
Chính xác. Đến nay, những hệ sinh thái rừng nguyên vẹn thích ứng khá tốt với biến đổi khí hậu. Ở mọi nơi thiên nhiên còn trạng thái cân bằng đến một mức độ nào đó, rừng tới nay hầu như không bị tổn hại vì khí hậu. Ở mọi nơi con người tác động mạnh đến thiên nhiên, rừng sẽ mất cân bằng. Do đó, hành động khôn ngoan sẽ là điều chỉnh rừng kinh tế sao cho càng giống những hệ sinh thái trên các vĩ độ của chúng ta càng tốt. Nhưng những người làm lâm nghiệp cổ điển sẽ bảo: “Được rồi, đến nay chúng tôi đã tác động sai. vậy trong tương lai chúng tôi sẽ tác động khác đi.”
Trong quyển sách, ông đề nghị có phần thưởng cho việc “không làm gì cả”: Ai để rừng yên sẽ nhận được tiền.
Nhiều người làm lâm nghiệp phản ứng với lý lẽ và đề nghị của tôi như những con chó terrier bị đẩy vào tường. Nhưng thật ra, tôi biện luận cho ngành của chúng tôi. Nếu nhà cung cấp gỗ trở thành người bảo vệ rừng, công việc sẽ bớt căng thẳng hơn rất nhiều.
Nếu như thế, vấn đề chưa được làm rõ là chúng ta sẽ lấy vật liệu gỗ từ đâu: từ những khu rừng nhiệt đới?
Thứ nhất: Nếu làm theo tôi đề nghị, trong 50 năm nữa rất có thể chúng ta sẽ có nhiều rừng hơn. Thứ hai: Chính những kẻ cho rằng chúng ta phải sử dụng rừng bản địa để bảo vệ rừng ở Brazil, họ đang làm sự tiêu thụ gỗ “nóng lên” rất nhiều, theo đúng nghĩa đen của từ. Nhiều nơi đang lên kế hoạch chuyển đổi những nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng gỗ. Chúng ta nên cấp thiết mở rộng phạm vi đánh thuế carbon sang gỗ.
Tại sao? Khi đốt một cây, người ta chỉ thổi vào không khí lượng khí carbonic mà cây đã hấp thu trước đó. Như vậy không phải là trung tính về khí hậu[11] sao?
Đó là quan niệm phổ biến nhưng sai lầm. Đốt gỗ để sản xuất năng lượng là một tội đối với môi trường. Đốt gỗ thậm chí còn có hại cho khí hậu hơn đốt than. Nếu một cây sống 50 hoặc 100 năm không bị chặt, nó sẽ giữ lượng CO2 mà nó đã hấp thu và liên tục hấp thu những lượng CO2 mới, có lẽ thêm 300 năm nữa. Và cây lớn hấp thu nhiều hơn cây nhỏ. Nếu tôi chặt cây lớn, cây nhỏ sẽ bắt đầu từ số không.
Nếu dùng một cây bị chặt để làm giường hay tủ thì CO2 sẽ được giữ lại.
Ở nước ta, các sản phẩm gỗ gọi là lâu bền không tồn tại lâu như ông có thể nghĩ: trung bình ngắn hơn 30 năm. Một phần lớn gỗ ở đây chỉ đơn giản bị đốt, khoảng 60 triệu mét khối / năm. Hơn nữa, cây không chỉ lưu giữ CO2. Các cây lá rộng bản địa của chúng ta ảnh hưởng đến vi khí hậu, chúng hạ nhiệt độ một vùng đất xuống đến nỗi trong khu rừng dẻ gai lâu năm mát hơn ở một thành phố như Berlin đến 15 độ Celsius. Đốt một khu rừng giống như ta đốt hệ thống điều hòa không khí của mình vậy.
Đó là một ẩn dụ mạnh.
Đúng thế. Trong một ngày hè nóng nực, ông hãy ngồi trong vườn dưới cây dù che nắng, rồi ngay sau đó ngồi dưới một gốc cây. Ông sẽ thấy nhiệt độ khác biệt giữa hai chỗ đó. Không những cây cho bóng mát, nó còn làm nước bay hơi, và như thế nó hạ nhiệt độ xung quanh. Ta có thể tự làm mát hơn trong vườn của mình.
Tôi nên trồng cây gì trong vườn của mình ̣để nó vẫn còn có ích cho con, cháu, chắt của tôi, bất chấp tình trạng biến đổi khí hậu?
Trong trường hợp này, tôi sẽ lấy một loại cây bản địa, nhất là một loại ưa thích khí hậu vùng trồng nho, chẳng hạn một cây phong đồng[̣12]. Cây sồi cũng được. Nếu kiên nhẫn, ông đừng trồng cây con, nhưng ấn một trái sồi vào đất rồi đợi. Bởi vì cây con từ vườn ươm có bộ rể bị cắt ngắn; hơn nữa, chúng thường yếu ớt, được bón nhiều phân và tưới nhiều trong những mùa hè đầu tiên. Vì thế, chúng không học được cách tiết kiệm nước.
Ông Wohlleben, chúng tôi xin cám ơn ông về cuộc đàm thoại này.
– Phạm Hải Hồ (CHLB Đức) dịch và chú thích