Con số này vượt khá xa những số liệu chính thức về chi phí trực tiếp cho chiến tranh do chính phủ Mỹ công bố, vào khoảng 2 ngàn tỉ USD. Bà Bilmes cho rằng những con số chính thức của ngành Hành pháp Mỹ chỉ là một phần của tổng chi phí choIraqvàAfghanistan. Kể từ ngày 11-9-2001 đến nay, đã có hơn 50% của trên 1,5 triệu binh sĩ Mỹ đã được giải ngũ; họ được chăm sóc y tế tại các bệnh viện cựu chiến binh và được hưởng tiền trợ cấp trong suốt phần đời còn lại. Ngoài ra, hiện có trên 253 ngàn cựu binh Mỹ bị những tổn thương về não, việc điều trị cho họ đòi hỏi những ngân khoản không nhỏ.
Một đơn vị lính Mỹ hoạt động tại Afghanistan
Theo nội dung bản báo cáo, trong chiến tranh, chi phí bổ sung cho việc vận chuyển và sửa chữa trang thiết bị cao gấp sáu lần chi phí thời bình. Bên cạnh đó, chính quyền Washington phải trả lãi cho những khoản nợ mà Ngân khố đã vay để cung ứng cho bộ máy chiến tranh, đến nay đã thanh toán 260 tỉ USD cho khoản này, nhưng tiền lãi phải thực trả lên đến hàng ngàn tỉ USD. Bilmes cho rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với chính sách an ninh quốc gia của Mỹ trong tương lai không xuất phát từ những mối đe dọa ở bên ngoài mà từ những gánh nặng chi phí ở trong nước.
Đã 46 năm sau kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc (1945-1991), các khoản đền bù cho cựu binh Mỹ và gia đình họ vẫn còn cao ngất ngưởng. Cũng đã 40 năm kể từ ngày đơn vị quân đội Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam (1973-2013), chính phủ vẫn còn trả cho các cựu binh trong chiến tranh Việt Nam và gia đình họ hơn 22 tỉ USD mỗi năm. Hiện tại và tương lai, tình trạng chi trả cho các cựu binh trong chiến tranh Iraq và Afghanistan sẽ tiếp tục trở thành một gánh nặng cho ngân sách. Chi phí dành cho những người này sẽ lên cao hơn dự kiến, một phần do tỷ lệ thương binh sống sót cao hơn so với những cuộc chiến trước, phần khác do các loại quyền lợi mới dành cho họ, những ca điều trị bệnh tốn kém hơn, sự gia tăng các điều khoản về chi trả lương bổng và quyền lợi cho các binh sĩ tại ngũ để có thể dễ dàng thu hút số người tình nguyện vào quân ngũ…
Bản báo cáo cho rằng trong tình hình hiện nay, Lầu Năm Góc và các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đang đứng trước áp lực phải phải cắt giảm chi phí. Có thể giải pháp được lựa chọn là hướng đến việc giảm quân số và đầu tư nhiều hơn cho các loại vũ khí không do con người trực tiếp sử dụng, các người máy, cùng nhiều giải pháp công nghệ khác. Theo Miriam Pemberton, nhà phân tích về an ninh quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Mỹ, cần một sự tái ước định ngân sách quân sự (không bao gồm các chi phí trong hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan) và những gì tiết kiệm được cần tái đầu tư cho các nhu cầu đã bị bỏ quên trong thập niên vừa qua, trong đó có việc đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, tiến đến một loại năng lượng sạch và có tính kinh tế hơn trong vận chuyển.
Lê Nguyễn tổng hợp