Một chiều nào đó nhìn một người đàn ông đáng yêu, tôi chợt hỏi đó có phải là người đàn ông lý tưởng hay không?
Chợt nhớ ra hình như báo chí viết nhiều về đề tài này. Lướt mạng với cụm từ người chồng, người vợ lý tưởng, tờ báo nào cũng có đôi ba bài về thể loại lý tưởng cho mỗi phái. Tiêu chí có khác một chút nhưng bao giờ cũng có những tiêu chí cảm thông, chia sẻ, trí tuệ.
Thật ra mỗi con người ai cũng biết mình cần đối phương ở điểm nào. Đối phương có điểm cộng càng nhiều càng đáng được đón nhận và tin cậy. Nhưng đa số đều “cảm thấy” mình kề cận người có điểm cộng quá thấp. Có phải là do may rủi.
Điều đáng nói, chúng ta lo quan tâm điểm cộng của đối phương mà thường quên nghĩ coi bản thân có bao nhiêu điểm cộng làm vốn để đối tác đầu tư.
- Xem thêm: Đàn ông như… chồng Khánh Ly
Nếu soi theo tiêu chí báo chí đưa, ai cũng nhận ra hình như mình cũng được khá nhiều phần trăm lý tưởng. Bởi lẽ, những người biết đọc chữ, nếu ai nhận ra mình sở hữu mức độ lý tưởng quá thấp, quá tệ, họ đã sống khác, đã điều chỉnh mình liên tục. Những phần trăm lý tưởng số đông nhận thấy mình đang có nhiều thường xoay quanh nội dung: cảm thông, chia sẻ và trí tuệ.
Chưa có gì dễ ngộ nhận bằng việc thấy mình là người rất biết cảm thông, giỏi chia sẻ và giàu trí tuệ.
Coi phim Cánh đồng hoang, thấy người đàn ông vì thương con mà tát người vợ một cái khi con té xuống nước. Cho phép mình đánh vợ tức là trong tạm thời cho phép mình phán xét, đồng nghĩa với việc mình ở tầm cao hơn vợ.
Nhưng nếu người mẹ trèo lên cây và người đàn ông giữ con giữa mùa nước linh binh, có phải người đàn ông luôn đảm bảo con mình an toàn? Trong phút giây lo sợ, giận dữ, con người ta luôn cảm thấy phần lỗi đối phương quá lớn, lớn tới mức đối phương trở nên nhỏ bé rất nhiều và đáng bị trừng phạt để trưởng thành hơn. Cũng tương tự, trong nhiều tình huống ai cũng thấy mình biết cảm thông còn đối phương lại quá vô tâm, mình hành xử đúng đắn còn đối phương vụng về thô kệch.
- Xem thêm: Cột dây giày
Không nói về tính chủ quan trong cách định công định tội ta và người. Chỉ nói về người có “nồng độ” lý tưởng cao. Nghĩa là người giỏi cảm thông chia sẻ và trí tuệ.
Thật ra thì những người giỏi, biết lo xa, ưa gánh vác thì bao giờ cũng thấy chỗ nào không có bàn tay mình là không nên cơm nên cháo gì cả. Mải miết như vậy cho đến lúc cảm thấy giống như mình đang bị tận hiến tới kiệt cùng sức lực.
Hình như giàu cảm thông, biết chia sẻ ngang với hiến xác. Chỉ có những người thờ ơ, ích kỷ mới an nhàn. Thật vậy sao?
Mà có thật cảm thông nó dễ đạt như chúng ta đang tự nhận hay không?
Phần lớn chúng ta cứ nói cảm thông thành một từ ghép rất chặt chẽ như một đôi hoàn hảo nhưng hành xử lại tách hai đứa nó thành hai con đường riêng biệt, lúc cảm thì không thông mà lúc thông thì không cảm.
Thật sự thì cảm rất khó đi đôi với thông. Vì người giàu yêu thương sẽ sẵn sàng cống hiến và gánh vác. Người ta không thể vừa quần quật đầu tắt mặt tối vừa thanh thản để nhận rõ bản chất vấn đề mình đang lẩn quẩn là ở đâu.
Bởi lẽ giọt mồ hôi đổ ra kiểu gì cũng làm cho người ta mệt mỏi rồi dần cạn nguồn năng lượng. Khi năng lượng ở mức âm, tinh thần sẽ chỉ tồn tại duy nhất phiền muộn và giận hờn. “Anh có biết em đang như thế nào không? Làm sao anh biết được? Anh thật là vô tâm, em đã hi sinh nhiều như vậy? Em thật quá đáng, đang yên đang lành lại gán cho anh cái thói vô tâm”. Những nỗ lực cho yêu thương là để được yêu thương nhưng cuối cùng lại gặt hái toàn những dỗi hờn oán trách.
Người giàu đức cống hiến, thấy ở đâu cũng cần bàn tay mình nên lăn xả và cuối cùng úa tàn oán trách. Người có trí tuệ, người thông suốt lại là người không để năng lượng tuột xuống mức âm để biến yêu thương thành giận hờn. Nhưng lúc nào cũng lo điều dưỡng nguồn năng lượng để an nhiên, tươi tắn thì hình như lòng con người ta đang lạnh như cửa chùa thì phải.
Dẫu gì, cảm thông, tận hiến vẫn khác với hiến xác.
Tôi nhìn thấy một người mẹ đang ôm con và bị stress nặng. Tôi nghĩ hãy giao con cho người giúp việc đáng tin cậy nào đó đôi ba giờ mỗi ngày. Hãy làm một công việc thay thế để kiếm tiền trả người giúp việc.
Thời gian chăm con rút ít lại một chút để thấy nhớ con, thấy thèm chăm con, thấy chăm con là hạnh phúc. Chưa có gì mệt mỏi bằng lẩn quẩn suốt ngày rồi hết ngày này qua ngày khác giữa bốn bức tường nhàm chán với một đứa trẻ chỉ biết khóc lóc vòi vĩnh. Một ngày nào đó, người mẹ đang kỳ hậu sản đầy muộn phiền sẽ rơi vào trầm cảm hậu sản. Con thơ đang là thiên thần sẽ biến thành oan gia.
Ai cũng cần yêu thương chớ không phải cần một cái xác. Cảm kiểu gì, thông kiểu gì để trường kỳ với những cung đường nối tiếp cung đường thậm thượt của dòng đời luôn biến động.
Một ai đó nói, bé ba tuổi đưa con búp bê duy nhất, quý giá nhất của mình cho bé ba tháng khi thấy em đang khóc là cảm thông. Phải có một niềm yêu thương lớn lao lắm, một bé ba tuổi mới đưa món quà quý nhất của mình để dỗ dành em nhỏ. Thật ra, hành động đó chỉ có cảm mà không có thông. Bé ba tháng không cần búp bê cho dù đó là con búp bê đáng yêu cỡ nào. Bé ba tháng tuổi cần vòng tay, cần bầu sữa của người mẹ.
Giữa cộng đồng, sợ nhất không phải là sống cạnh người quá dở, quá nhiều khuyết điểm mà sợ nhất là phải sống chung với một ai đó “cảm thấy” mình có “nồng độ” lý tưởng vượt quá những gì bản thân đang có.”
Như một người bạn tôi bệnh phổi nặng, dặn con cái đừng để ba nằm, ba sẽ chết. Khi ông kiệt sức, con thấy cha ngồi thở nặng nhọc quá đã vội vàng để người cha nằm xuống. Ông đã ra đi nhanh chóng… Không phải yêu thương nào xuất phát tận đáy lòng cũng đều là món nên ép người khác nhận. Hành động để cha nằm nghỉ thật ra cũng là cảm mà không thông, không thấu đáo được cơ địa bệnh tật của người cha.
Thật ra nên thông rồi mới cảm. Có thông sẽ có cách điều chỉnh liều lượng của cảm thế nào, chia sẻ thế nào để không biến bao nhiêu xúc cảm tốt đẹp thành gánh nặng nợ nần. Liều lượng cân đối giữa thông và cảm mới là yếu tố làm nên phần trăm lý tưởng. Có thông, có sáng suốt, có hiểu biết sẽ có cách điều chỉnh liều lượng của cảm xúc để sự sống chung của mọi thành phần trở nên suôn sẻ, nhẹ nhàng.
- Xem thêm: Ổng bị sao?
Thông để biết mình đạt được bao nhiêu phần trăm lý tưởng để bớt tự hào cũng bớt ngồi đáy giếng. Thông sẽ biết rõ mình nên an nhiên phơi bày khuyết điểm, chấp nhận bị quở phạt, chấp nhận bị phàn nàn để bớt phần cao ngạo, bớt phần xấc láo, để người xung quanh bớt phải rùng mình.
Giữa cộng đồng, sợ nhất không phải là sống cạnh người quá dở, quá nhiều khuyết điểm mà sợ nhất là phải sống chung với một ai đó “cảm thấy” mình có “nồng độ” lý tưởng vượt quá những gì bản thân đang có.