Tháng 7 vừa qua, đại diện các nước thành viên Liên Hiệp Quốc, các cơ quan trực thuộc tổ chức này cùng các đơn vị thuộc xã hội dân sự đã có cuộc hội nghị kéo dài hai ngày tại trụ sở LHQ để thảo luận về sự đóng góp của người di cư trên toàn thế giới trong công cuộc phát triển chung, cùng những thách thức xảy ra trong quá trình đóng góp của họ. Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Louise Arbour, đại biểu thuộc tổ chức Di trú Quốc tế, nhận định rằng lợi ích mà người di cư mang lại vượt quá những chi phí bỏ ra cho họ, nhưng quan điểm chung thường đối nghịch lại và tác động tiêu cực lên các chính sách dành cho họ. Trong năm 2016, họ đã gửi về cho thân nhân ở quê nhà 575 tỉ USD, trong đó gần 430 tỉ USD về các nước đang phát triển. Con số này vượt quá ba lần vốn ODA và ổn định hơn các dòng vốn tư nhân khác, là một đóng góp quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 tại các nước mà họ đã ra đi, trong đó có việc giảm nghèo, an ninh lương thực và xây dựng gia đình khỏe mạnh.
Lợi ích của sự đóng góp công sức, tiền bạc của người lao động di cư trên toàn thế giới thể hiện trên nhiều khía cạnh. Trước tiên, là tại những nước họ đang cư trú và làm việc, với 85% thu nhập của họ được giữ lại đây. Họ lấp đầy các khoảng trống trên thị trường lao động về mặt kỹ năng, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao tỷ lệ tăng trưởng… Kế đến, những khoản tiền họ gửi về quê nhà, phần lớn là các nước đang phát triển, giúp cải thiện đời sống người trong nước và cuối cùng là thu nhập do họ làm ra giúp họ có một đời sống ổn định tại nơi định cư. Tại Mỹ, người di cư dù chỉ chiếm 13% dân số nhưng chiếm hơn 20% số nhà doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế hàng đầu thế giới, từ việc làm ra các cỗ máy tìm thông tin phổ biến đến việc chế tạo những thế hệ ôtô thân thiện với môi trường. Trong 500 công ty hàng đầu do tạp chí Fortune lập danh sách năm 2016, có 200 công ty có ít nhất một nhà sáng lập là người nhập cư vào Mỹ hoặc là con cái của người nhập cư. Theo tổ chức New American Economy, chỉ riêng những công ty trên đã sử dụng gần 20 triệu lao động trên toàn cầu và tạo ra khoản thu nhập hơn 5.000 tỉ USD.
Người di cư trên thế giới cũng là những cầu nối quan trọng giữa nước họ ra đi với nước họ đang định cư. Vấn đề đặt ra hiện nay cho các bên là cần có những chính sách phù hợp với người lao động di cư để thu nhập họ kiếm được tăng lên và sự đóng góp của họ thiết thực hơn, hữu hiệu hơn. Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) vừa công bố một tài liệu liên quan đến những cộng đồng có người ra đi dưới hình thức một thỏa hiệp liên chính phủ về di cư quốc tế dự kiến được thông qua vào năm 2018. Theo nhiều nhà bình luận, những cộng đồng này có tầm ảnh hưởng mạnh trong phát triển toàn cầu. Những cuộc họp tham khảo sau cùng sẽ được tổ chức tại Vienna (Áo) vào các ngày 4 và 5-9-2017 và tại Geneva (Thụy Sĩ) vào các ngày 12 và 13-10-2017 về nhiều vấn đề liên quan đến người di cư, trong đó có nạn mua bán bất hợp pháp người di cư và các trường hợp di cư bất thường.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm: