Khi bộ ba vịt cỏ – tương – gừng tương hợp, sẽ giúp miếng ngon thêm bổ dưỡng và cơ thể dễ hấp thu, lúc tiết trời se lạnh…
Có thể nói nhiều cánh đồng khắp Trung-Nam bộ luôn có nhiều giống vịt cho thịt thơm ngon. Như vịt Bắc Kinh (mặt sọc), vịt cỏ (vịt rằn, vịt tàu). Trong đó, đáng kể là đàn vịt cỏ các vùng: Vạn Giã (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên). Thế nhưng, mấy dĩa vịt tàu xào sả ớt, nồi cháo thơm ngát hương hành tiêu quyện cùng mỡ vịt cỏ vùng Gò Công (Tiền Giang), lại ấn tượng sâu đậm hơn trong tâm trí người viết.
Tại thị xã Gò Công (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) có gần chục quán bán các món vịt. Nào là, cháo gỏi vịt, bún vịt, cơm vịt… Lạ miệng hơn, còn có món bún suông vịt. Con suông mập tròn, trông khá giống con đuông dừa, được làm bằng chả tôm. Bạn Nguyễn Tâm Đăng, thổ địa ở đây nháy mắt, nói: “Chả tôm mà có bữa (hôm), tôi ăn gặp xương cá mới lạ đời chứ!”
Và thật vậy, mùi vị con đuông bằng thịt tôm không ấn tượng bằng miếng thịt vịt cỏ chắc ngọt, hôm đó. Gắp chỗ ức, da ôm sát thịt chấm vớt ít xốt tương pha cùng sa tế của quán tự làm, cảm giác thật ngọt bùi.
Muỗng nước bún thoảng thơm mùi gừng củ. Với lại, nó không bị vị ngọt của đường lấn át, như một số quán bún, cháo vịt phổ biến ở: Bến Tre, Đồng Tháp…
Đã có vịt ngon còn chèn thêm chả tôm, có vẻ như người đầu tiên sáng chế ra món này không phải thuộc tầng lớp bình dân.
Vốn dĩ, trời phương Nam luôn giàu nắng ấm. Thế nhưng từ cuối tháng 12 dương lịch đến Tết ta, tiết trời vẫn se lạnh, nhất là vào lúc sáng sớm hay chiều tối. Khi đó, món canh vịt cỏ nấu tương gừng mới đắc dụng làm sao.
Bởi gừng vừa trợ tiêu vừa giúp ấm nóng cơ thể. Đồng thời, tương ngon làm theo lối thủ công còn chứa một lượng kháng sinh thực vật, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Do vậy, để bộ ba vịt – tương – gừng tương hợp sẽ giúp miếng ngon thêm bổ dưỡng và cơ thể dễ hấp thu, theo y thực triều Nguyễn.
Ăn cùng dĩa mì trứng, kèm dĩa rau vườn tươi non, gồm: rau má, xà lách, càng cua; độ hấp dẫn không hề kém món mì vịt tiềm của người Hoa (nếu không có mì trứng, bạn có thể lấy mì gói chần qua nước sôi, xả lại nước lạnh rồi trộn cùng một một muỗng canh dầu ăn. Dầu, trước đó nấu sôi và rắc vào nhúm hành củ xắt mỏng cho thơm).
Sở dĩ đám vịt chạy đồng cho thịt chắc ngọt và không tanh mùi thức ăn công nghiệp như vịt nuôi nhốt, bởi chúng thường vận động, ưa ngụp lặn. Và chúng, có thể mò bắt được vài ba con cua đồng, ốc bươu hay đám cá đồng nhỏ, giúp nâng chất khẩu phần ăn mỗi ngày.
Hay nói cách khác, kiểu chăn thả vịt truyền thống của dân Gò Công nói riêng và miền Nam nói chung, đã góp phần tạo nên thế mạnh đáng kể về dòng vịt lấy thịt và trứng hiện nay.
Bởi vậy, một số bạn bè sành ăn của người viết vẫn thường tấm tắc ngợi khen rằng, mấy cái đùi vịt cỏ xứ Gò thật ngọt thơm “hết ý”!.
- Xem thêm: Vịt chạy đồng