Sống ở đời làm cho mượt mà và ngọt ngào những điều sần sùi là việc không dễ. Thi vị hóa, nhân hậu hóa nó càng khó hơn. Miền đất sần sùi Tây Nguyên vào nhạc, ảnh, phim cũng nhiều, dù chỉ với đôi ba trường hợp “đọng lại”. Vào tranh, “chốn” sâu kín thầm lặng nhất lại càng hiếm. Tình cờ một ngày, tôi mừng rơn phát hiện “Đây rồi!”.
Gần cuối đường Hai Bà Trưng ở thủ phủ Tây Nguyên – Buôn Ma Thuột, có một xưởng vẽ nhỏ mang tên Cây Cọ Cùn. Ở đó từng ngày có một họa sĩ đắm lặng kể lê thê câu chuyện Tây Nguyên đương thì. Cầm cọ thì phải la lên cho đám đông biết chứ, lấy oai vị, kiếm lợi danh, ai lại đi ví mình là “Cây Cọ Cùn”. Khi khiêm cung đến vậy thì liệu sáng tạo của người ta có “cùn” đi, vô cảm trước đất trời, vạn vật, tha nhân quanh mình không?
Chàng họa sĩ tự cho mình là “Cây Cọ Cùn” ấy là Lê Vấn. Và Lê Vấn chỉ vẽ trên lụa – món khó “chơi” nhất trong hội họa.
***
Tây Nguyên trong mắt thế nhân lâu nay là vùng đất với đại ngàn mênh mông; là núi non hùng vĩ điệp trùng; là nhà sàn; là người bản địa đóng khố, gùi thổ sản; là tiếng cồng chiêng, đàn t’rưng, rượu cần, tượng nhà mồ huyền bí; là cà phê, cao su, tiêu; là đất bazan; là thác nước ầm ào tinh khôi… Thế nhân đã quen với thứ Tây Nguyên “lớp mặt” ấy trên báo chí, truyền hình suốt bao năm nay, đến độ họ không muốn nhìn Tây Nguyên khác đi, ít nhất như nó đang diễn ra, như “cuộc đời” nó. Cứ thế, “Tây Nguyên” là phải cao nguyên “đầy” rừng, bí ẩn. Nên chính người bản địa Tây Nguyên khi nghe, nhìn, xem, không biết người ta đang đề cập đến xứ nào…
Lê Vấn là họa sĩ gần như duy nhất ở Tây Nguyên lội ngược dòng, thoát ra cảm thức đám đông ấy. Chàng an nhiên bước đi, sống, tung cọ, như không để ý xung quanh có bao người cũng đang vẽ. Chàng vẽ bằng sự rung động nơi mình, cái tôi nghiêm cẩn, đạo lý tự nhận, hoàn toàn không có bóng dáng của danh tiếng – cái “chúng ta”. Hay nói khác, chàng vẽ cái rã rời thăng hoa, trước những gì diễn ra trên vùng đất mình đang có mặt. Một con chim phí “nhập cư” tử tế bay trên thảo nguyên sắc màu.
Thế nhân sẽ ngạc nhiên, tại sao “lỗ” cà phê giăng khắp trong tranh Cây Cọ Cùn. Về mặt vật chất, nghĩa trần trụi, “lỗ” cà phê là một thứ gì đó trái khoáy, phá bỉnh và có “quyền lực” kinh tế, và chính nó làm cả Tây Nguyên biến động suốt mấy chục năm qua. Và nó ám ảnh Lê Vấn, một nghệ sĩ, kẻ di dân. Những “lỗ” cà phê và cơn cuồng say đổi đời từ nó làm đau đớn và tê dại cơ thể vốn thanh khiết của Tây Nguyên…
Tôi nhận ra những thảm họa môi trường sinh thái và môi trường xã hội từ sự biến động khủng khiếp của núi rừng miền Thượng; còn Lê Vấn với tâm hồn nghệ sĩ, anh cảm nhận xa tít về một sự hoang mang, hoảng loạn trong tâm hồn người. Dân bản địa thì ngỡ ngàng, còn dân nhập cư vừa hồ hởi vừa chông chênh. Đó là lúc Lê Vấn vẽ về những nhóm người di cư thất thểu ngồi nhìn lên đồi núi đỏ lòm màu bazan – chốn mưu sinh mới của mình – như trong bức Núi non lạ lùng. Phận người nhập cư đi khai phá đất thiêng của xứ người trong sự tả tơi cái nghèo từ cố quận (như ở bức Cơn mưa đang đến). Những căn nhà cô quạnh của dân nhập cư hòa khúc nhạc buồn bã của những làng bản địa đang tan dần cấu trúc xã hội và văn hóa (bức Trắc trở cao nguyên)…
Cái “lỗ” cà phê ấy nếu không làm rỉ máu bazan thì cũng làm tím tái những dãy núi ngọn đồi, con sông dòng suối (bức Đất đỏ). Cộng đồng bản địa đi Cắt lúa trên nguồn (bức cùng tên) mà như đi cắt chân tay, nguồn cội của mình. Những cuộc dời làng, tái định canh định cư cho những công trình thủy điện khiến người đứt ruột đoạn tuyệt quê xứ, lòng người đổ nát như bức Mơ qua buôn cũ. Còn kẻ nhập cư thì mang theo bộ hài cốt văn hóa của mình và chơi vơi mượn nó để tự mưu cầu khói nhang mà làm ấm lại thân phận trên đất khách (Chợ rằm giữa rừng).
Và khi đã dùng trái tim quá đỗi nhạy cảm để huy động chất liệu trần gian đầy sinh động như thế, cũng là lúc Cây Cọ Cùn phải vẽ những bức tranh về tình cảnh của thổ dân gắn bó với rừng. Đó là những ngày sơn nhân về bên hồn ma của rừng, với khẩu trang bịt ngút mặt nàng sơn nữ che bụi đỏ mà ngậm ngùi nhìn sự rạn vỡ của thân thể ngọc ngà sông suối (tác phẩm Người về cuối rừng). Cá bơi trên sông mà còn hoảng loạn, vì nó cũng mất phương hướng khi dòng nước kia cũng lạc dấu, biến thiên (Đầu nguồn). Thế thì cũng không khó hiểu khi những cô gái sơn cước Ê Đê thuần khiết thiên nhiên, vô nhiễm trước son phấn phù hoa bỗng một ngày thể hiện sự tồn tại của mình bằng những thứ được cho là tân thời (Móng tay son). Như Cây Cọ Cùn bày tỏ, rằng tất cả là những nhân vật chỉ có số phận mà không có lai lịch.
Tranh của Cây Cọ Cùn quá mênh mông kiếp mây, kiếp núi, phận đất, phận cây, tình đời. Cây Cọ Cùn vẽ quyết liệt cái hiện thực đang diễn ra. Chỉ vẽ hiện thực. Và lạ lùng là cái hiện thực ấy “hóa cổ” ngay khi bức tranh kết thúc, trên những sắc màu kia.
Tranh của Lê Vấn là câu chuyện về loài người trong hành trình gắn bó hay triệt phá thiên nhiên gốc. Cây Cọ Cùn biết rõ mọi thứ ở Tây Nguyên đều từ rừng, nó là điểm tựa chân lành cốt tử. Nghệ thuật của Lê Vấn không bị chi phối bởi lý thuyết, truyền thống văn hóa, hay di sản quá khứ bất kỳ nào.
Lê Vấn ít giao du, vì chàng phải… vẽ. Chàng vẽ cho riêng mình, tự đối thoại với đất đai, mưa nắng, thịnh suy lòng người. Bởi tất cả những gì chàng vẽ đều từ những gì chàng mang về sau những cuộc đi miệt mài trên miền xứ cao nguyên. “Đi” để chính trực, trung thực. Người tinh tế như tranh.
Sống ở Tây Nguyên đã 35 năm rồi, nhà cửa ổn định ở Buôn Ma Thuột, làm hội họa dấn thân, thế mà Lê Vấn hay tự tình: “Chẳng hiểu sao mình luôn ở trạng thái của một kẻ di dân”. Nên nhớ, ở Tây Nguyên, cánh văn nghệ nhập cư cơ hội thường hay biến cốt thành “người bản địa” để dễ nhận biệt đãi, nhưng Vấn cùng tác phẩm thì thế đó: thực thà, điềm tĩnh, nhân hậu, sâu lắng, mơ tưởng, không lý trí. Nhẹ tênh.
***
Hiển nhiên Lê Vấn là “tay chơi” lụa hàng đầu ở cái vùng trũng hội họa Tây Nguyên, và cả Việt Nam bây giờ. Chỉ vẽ về Tây Nguyên, nhưng giá trị nghệ thuật trong tranh Lê Vấn vượt ra khỏi miền Thượng này từ lâu, trong một sự thầm lặng đến lạ. Điều đáng tiếc là tranh chàng ta chủ yếu triển lãm ở nước ngoài: Âu, Úc, Đông Nam Á, Mỹ… Giới sưu tầm tranh lụa quốc tế biết đến chàng, mặc cho chàng chỉ ru rú trong một cái “ao”, sống ở nơi không phải “đất” của đời sống nghệ thuật và ít tiếng ồn của hư danh.
Hôm nay kẻ ngu dại lang thang này chợt dừng chân chốn đây và bỗng được “du hành” qua thế giới tranh quái lạ của một “Cây Cọ Cùn”. Hơn cả tranh, tôi được “thưởng thức” một tâm hồn trong sáng, giữa thời buổi xáo động nhiễu nhương kim tiền và tranh đua lợi lộc.