Trong kỷ nguyên của internet, những lá thư viết tay ngày càng hiếm hoi, rồi sẽ chỉ còn trong quá khứ. Và càng thật khó hình dung có những bức thư còn được vẽ minh họa thật đặc sắc, khiến chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Trong số tác giả của những tác phẩm tranh – thư đó có nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới mỹ thuật, từ Winslow Homer, Thomas Eakins cho đến Man Ray, Frida Kahlo, Andy Warhol.
Ngày 24-10-1940, Frida Kahlo – nữ họa sĩ Mexico nổi tiếng thế giới đã gửi thư cho đồng nghiệp nữ người Mỹ Emmy Lou Packard(1); bức thư được minh họa bằng ba dấu son môi của chính tác giả, qua đó cho biết một thoáng riêng tư về cuộc sống của các nghệ sĩ thời bấy giờ. Dấu son môi thứ nhất Kahlo gửi cho Packard để cảm ơn vì đã chăm sóc cho Diego Rivera khi ông đến California thực hiện một dự án tranh tường rồi bị đau mắt (Diego Rivera và Frida Kahlo đã chia tay nhau trước đó một năm sau một thời gian dài chung sống); dấu son thứ hai là nụ hôn gửi cho cậu con trai của Packard và dấu son thứ ba gửi cho chính Diego Rivera, người mà Kahlo đã tái hôn chỉ vài tuần sau đó, khi Rivera về lại Mexico và họở bên nhau cho tới ngày Kahlo từ giã thế gian. Ngay trong lá thư với ba dấu son môi độc đáo ấy, Frida Kahlo đã viết: “Hôn Diego hộ mình nhé và nói với Diego mình yêu anh ấy còn hơn chính bản thân mình”.
Trong bức thư mà nghệ sĩ Siêu thực Man Ray gửi cho người bạn thân Julian Edwin Levi, được ông viết khi đang ngồi trong một quán bar kiểu Mỹ tại Paris năm 1929, có cả chân dung tự họa của tác giả và đoạn viết: “Ánh sáng mệt mỏi đang loang dần trên đại lộ Montparnasse và những con chim sẻ đang kêu chiêm chiếp trên cành lá như đợi chờ một vận may”. Bức thưấy như dự báo một thảm họa trong lịch sử, bởi nó được viết không lâu trước khi thị trường chứng khoán thế giới sụp đổ vào năm 1929, dẫn tới cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1930.
Một trong những bức thư kể chuyện du hành thú vị nhất là của họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm Joseph Lindon Smith gửi cho bố mẹ ông ở Mỹ, qua đó không chỉ kể về chuyến đi đến Venice 1894 với những minh họa các loại trái cây châu Âu mà ông được thưởng thức, mà còn cho thấy nghệ thuật viết chữ đẹp của tác giả. Ông viết: “Con đang ở Venice với những trái cây ngon tuyệt và đã ăn rất nhiều. Dưa gang, lê, đào, mận, sung, nho và những loại quả khác không rõ tên có trong phòng con… Con ăn trái cây hầu như suốt ngày và nhiều đến nỗi khi đi ngủ thì bụng căng như có mang”. Tất nhiên trong bức thưấy Lindon Smith còn kể với song thân nhiều về thế giới nghệ thuật mà ông được tiếp xúc ở Venice, trong đó có cuộc gặp nhà sưu tập người Mỹ lừng danh Isabella Steward Gardner(2) lúc bấy giờ đang cùng chồng du ngoạn châu Âu.
Bức thư mà nhà làm phim cũng là họa sĩ vẽ truyện tranh tiền phong người Pháp Robert Collard gửi cho bạn ông Edward Willis Redfield, một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh có một loạt bức vẽ phong cảnh vùng Bretagne của nước Pháp, nơi Redfield dự định sẽ đi du lịch, để Redfield có một cảm quan tốt đẹp về “đặc trưng của phong cảnh Bretagne”. Trong khi đó, bức thư của cây cọ biếm họa Alfred Joseph Freuh gửi cho vợ là Giuliette Fanciulli ngày 10-1-1913 có lẽ là ngoạn mục nhất: thư được vẽ và khi gấp lại sẽ có hình dáng một gallery nghệ thuật, mục tiêu mà Fanciulli nhắm đến trong “cuộc đua marathon gallery” ở Paris lúc đó. Trong nhiều thư khác Alfred Joseph Freuh gửi cho nàng Fanciulli khi mới là vợ sắp cưới của ông, tác giả đã vẽ rất nhiều tranh biếm đầy màu sắc.
Với những người yêu mến nhà văn người Pháp kiệt xuất Antoine de Saint-Exupéry, tác phẩm Hoàng tử bé (Le Petit Prince) là một tuyệt tác không chỉ về mặt văn chương mà còn bởi những minh họa của chính tác giả. Trong bức thư Saint-Exupéry gửi cho cô bạn Hedda Sterne vào năm 1943, ông đã báo tin vừa hoàn tất truyện Hoàng tử bé với hình ảnh chú bé sống một mình trên tiểu tinh cầu B612 đã lạc bước đến Trái đất. Cuốn truyện tuyệt vời này được xuất bản cũng vào năm 1943, cho tới nay đã được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ (bao gồm cả tiếng địa phương) và đã bán được hơn 200 triệu bản khắp thế giới, trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.
Còn rất nhiều những ví dụ về các bức tranh thư, tất cả đã được đưa vào một tập sách có tựa Còn hơn ngôn từ (More than words) mà người biên soạn là Liza Kirwin, giám tuyển về văn bản tại Văn khố nghệ thuật Hoa Kỳ của Viện Smithsonian. Sách đưa ra hơn 90 bức thư được viết bởi các nghệ sĩ sống trong khoảng giữa thế kỷ XIX đến những năm 1980. Tập sách đã được in lần đầu năm 2005 và mới tái bản với bìa cứng vào cuối năm 2015. Trong lời giới thiệu sách, bà Kirwin viết: “Cuốn sách này tán dương nghệ thuật minh họa thư tín, với mục đích giúp chúng ta nhớ lại một kho báu đang biến mất khỏi nền văn hóa của chúng ta, đồng thời như một lời kêu gọi truyền thông sâu sắc hơn, sáng tạo hơn trong tương lai”.
Với thời đại công nghệ số hôm nay, người ta có thể gửi cho nhau qua email những tập tin GIF với hình ảnh và các hoạt hình nhiều màu sắc sinh động. Nhưng vẫn là một mất mát không nhỏ cho nền văn minh nhân loại khi không còn những lá thư với minh họa mỹ thuật như cuốn sách Còn hơn ngôn từ đã ghi nhận.
(1) Emmy Lou Packard (1914-1998) là một nghệ sĩ vẽ tranh tường ở California. Khi Diego Rivera đến San Francisco năm 1940 để tham gia Triển lãm quốc tế Golden Gate về tranh tường, ông đã đề nghị Emmy làm phụ tá chính để thực hiện những tác phẩm tranh tường kích thước lớn
(2) Isabella Stewart Gardner (1840-1924) là nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật hàng đầu tại Mỹ và đã sáng lập bảo tàng mang tên bà tại Boston, một trong những bảo tàng quan trọng ở Mỹ
- Đông Hà