Sinh năm 1966 tại Huế, Đinh Trường Giang là sinh viên Đại học Kiến trúc tại Sài Gòn trước khi cùng gia đình sang Mỹ định cư năm 1989. Anh tiếp tục theo đuổi ngành học đã chọn tại Việt Nam, tốt nghiệp và hiện làm chung với một người bạn sau hơn 10 năm làm việc tại một hãng kiến trúc lớn ở Washington DC.
Anh đã đến với Origami rất sớm khi đang học lớp 2 hay 3 bằng những cuốn sách ba mẹ anh mua cho. Nhưng rồi những cuốn sách này đã không còn nữa sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975. Phải đợi đến năm 1996, khi đi vào một hiệu sách ở Mỹ, anh đã thấy lại cuốn sách đã được ba mẹ mua cho hơn 20 năm về trước – đó là cuốn Thế giới của Origami của tác giả Isao Honda. Anh mua ngay và bắt đầu xếp giấy trở lại. Sau đó anh tham gia OUSA (Origami USA – Hội của những người yêu thích Origami tại Mỹ, có trụ sở ở New York), khám phá thêm nhiều sách hướng dẫn về Origami, thường xuyên tham dự các hội thảo về nghệ thuật này và được xem rất nhiều tác phẩm đẹp và truyền cảm từ khắp nơi trên thế giới.
Sau khoảng hai năm học xếp các mẫu Origami từ sách, anh bắt đầu sáng tác những mẫu riêng của mình.
Đối với anh, Origami đồng nghĩa với nghệ thuật điêu khắc giấy. Cảm hứng có thể đến từ nhiều nguồn, từ điêu khắc hiện đại đến hội họa, tranh thiền tông, đồ họa, hoặc từ tác phẩm của các nghệ sĩ Origami cũng như từ những gì anh được đọc, xem và nghe…
Đinh Trường Giang nhập môn nghệ thuật Origami bằng sách của Isao Honda nhưng chính bậc sư phụ người Nhật Akira Yoshizawa mới thật sự khai thị cho anh, hướng anh đến với kỹ thuật xếp giấy ướt (wet folding) và từ đó anh ngày càng hoàn thiện kỹ thuật này.
Đơn giản, trang nhã và có hồn là những điều anh hướng đến khi sáng tác.
Origami, tên gọi được quốc tế hóa hiện nay của nghệ thuật xếp giấy – là một từ Nhật Bản (Oru = xếp, Kami = giấy, khi ghép hai từ lại, thành Origami). Không ai biết nghệ thuật này bắt nguồn từ bao giờ và ở đâu. Giấy được phát minh từ Trung Hoa vào khoảng năm 105, sau đó theo các tu sĩ Phật giáo du nhập vào Đại Hàn và đến Nhật độ cuối thế kỷ thứ VI. Vào thời kỳ đầu, giấy được xem như là một vật liệu quý hiếm và xếp giấy chỉ được dùng giới hạn bởi tầng lớp thượng lưu trong các dịp lễ.
Origami ở Nhật được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mẹ truyền cho con gái, và các mẫu truyền miệng còn được biết thường là các mẫu đơn giản. Tác phẩm về Origami cổ nhất còn lưu lại được là Senbazuru Orikata – “Xếp ngàn cánh hạc”(**), ra đời 1797.
Vậy là dù giấy phát sinh từ Trung Hoa (do đó một số nhà nghiên cứu cho rằng nghệ thuật xếp giấy hẳn cũng phát sinh từ xứ này) nhưng Nhật là nước đã làm cho nghệ thuật xếp giấy phát triển cao và phong phú nhất.
Ở phương Tây, Tây Ban Nha cũng là dân tộc có lịch sử xếp giấy lâu đời. Giấy được thế giới Ả Rập biết đến vào khoảng thế kỷ thứ VIII và theo người Moor (Ma rốc) vào Tây Ban Nha độ thế kỷ thứ XI. Là dân tộc theo Hồi giáo và là những nhà toán học, thiên văn học cừ khôi, người Moor chú trọng đến mặt nghiên cứu hình học trong xếp giấy. Khi người Moor rời khỏi Tây Ban Nha, dân Tây Ban Nha đã đưa nghệ thuật xếp giấy ra ngoài phạm vi các mẫu hình học và phát triển thêm mà người tiên phong là triết gia và thi sĩ Miguel de Unamuno (1864-1936).
Người được coi là sư tổ của nghệ thuật xếp giấy hiện đại là Akira Yoshizawa (1911-2005). Những sáng tác của ông được thế giới biết đến vào khoảng 1950 là những sáng tác bắt đầu tách rời khỏi các mẫu và nguyên tắc xếp giấy cổ truyền. Cùng với Samuel Randlett (Mỹ), Yoshizawa đã phát minh ra hệ thống ký hiệu để vẽ các sơ đồ chỉ dẫn trong sách dạy xếp giấy, trở thành ký hiệu quốc tế trong các sách Origami cho đến ngày nay.
Khởi đầu, có lẽ một trong những sự khác biệt của nghệ thuật xếp giấy Đông phương và Tây phương là phần lớn các cao thủ Đông phương thường tạo ra các mẫu đơn giản, trừu tượng, ít nét mà vẫn bắt được cái thần của vật muốn xếp. Các cao thủ Tây phương thì thường thích xếp chi tiết, phức tạp thiên về kỹ thuật. Ngày nay thì các tiêu chuẩn về thẩm mỹ Đông Tây cũng như mọi phát triển khoa học kỹ thuật khác đều được cả hai bên tiếp thu và biết đến rộng rãi qua sách báo và các phương tiện truyền thông hiện đại. Thế hệ các cao thủ Origami hiện nay cả Đông và Tây đều có những người mạnh cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật. Các cao thủ xếp giấy hiện đại bao gồm các nhà toán học, kỹ sư, các nhà ảo thuật, các nghệ sĩ tạo hình v.v… Nhiều kỹ thuật xếp mới được phát minh và các mẫu Origami ngày nay có thể phức tạp đến mức khó tưởng tượng được. Có thể nói hầu như bất cứ cái gì cũng có thể “xếp” ra được từ một tờ giấy.
Cả hai “trường phái” xếp giấy – phức hóa và giản hóa, thiên về kỹ thuật hay nghệ thuật, đều được phát triển. Bạn có thể thấy một chú bọ Origami, nhận ra được nó thuộc họ bọ nào, với đầy đủ ăng-ten, chân, cánh, đúng tỷ lệ được xếp từ một tờ giấy hình vuông (không dùng kéo) – hay ngược lại, một mẫu Origami trừu tượng đơn giản vài nếp gấp.
Về vật liệu thì ngày nay các tác phẩm Origami còn được xếp từ một số vật liệu khác ngoài giấy. Gần với giấy là giấy dán tường, thường xếp với hồ dùng cho loại này.
Mẫu mặt nạ này của tôi là một ví dụ dùng giấy dán tường (trường hợp này không xài với hồ của loại này mà xếp bình thường, sau đó dùng keo dán ở một vài điểm để giữ mẫu cố định vì loại này không giữ nếp như giấy thường).
Các tấm kim loại mỏng cũng xếp được nhưng khó và chỉ xếp những mẫu đơn giản.
Lưới kim loại dễ kiểm soát hơn khi xếp, các loại lưới sắt, đồng… xếp lớn thì có thể để ngoài trời, trang trí trong vườn… Xếp thường phải cẩn thận và đôi khi dùng kềm…
“Giấy đất sét” (hoặc một loại đất sét cán mỏng) – xếp xong đem nung như làm gốm, ví dụ sau là tác phẩm của Jason Shearer, hình gởi tôi coi mấy năm trước. Giấy đất sét là loại có lớp đất sét mỏng kẹp giữa hai lớp giấy, khi nung thì phần giấy sẽ bị hủy. Loại này chỉ dùng xếp những mẫu đơn giản.
Một kỹ thuật xếp đáng được nói đến là kỹ thuật “xếp ướt” mà Akira Yoshizawa là người tiên phong. Các loại giấy dày được làm ướt cho mềm đi rồi xếp. Với kỹ thuật này, người xếp có thể “nặn” giấy, “uốn giấy”, coi giấy như là đất sét. Có lẽ các tác phẩm xếp giấy gần với điêu khắc đều được xếp bằng kỹ thuật này. Ngoài ra, khi giấy khô, tác phẩm sẽ giữ được lâu và bền hơn.
Với đa số, Origami vẫn được coi là một môn thủ công, chưa phải nghệ thuật. Các tay xếp hiện đại đang dần dần chứng minh Origami là một bộ môn sáng tạo có thể sánh ngang hàng với các bộ môn nghệ thuật tạo hình khác. Một số nghệ sĩ xếp giấy, dù ít, đã và đang sống được với “nghề” này (viết sách, dạy xếp, nhận thực hiện mẫu quảng cáo cho các công ty, bán tác phẩm…).
Nhiều tay xếp coi xếp giấy là “điêu khắc giấy”, và là một môn điêu khắc đặc biệt. Như chúng ta biết, một cách đơn giản, điêu khắc có thể được chia làm hai loại, “thêm”, và “bớt”. Tượng đất sét chẳng hạn, là loại “thêm vào” – làm khung sườn, xong đắp bồi thêm đến khi thành hình. Tượng gỗ, đá, ngược lại, thường là kết quả của sự đẽo gọt bớt đi từ một khối lớn khởi đầu. Với Origami, nó không “thêm” mà cũng không “bớt”, khởi đầu với một tờ giấy, hoàn thành cũng chừng đó giấy mà thôi, có chăng là “giấu” đi những phần không cần thiết!
Vậy thì, bạn có thể coi Origami như là một nghệ thuật dân gian, một trò chơi, một bài toán đố, hay một môn nghệ thuật tạo hình, tất cả đều đúng cả. Có người chơi với giấy một cách ngẫu hứng, có người lại dùng các chương trình computer, dựa trên các lý thuyết về toán học để tạo ra và vẽ sơ đồ cách xếp trước khi họ đụng đến tờ giấy (để kiểm tra lại!). Có người nhất định chỉ xếp từ một tờ giấy hình vuông mà thôi, có người không câu nệ giấy hình gì, hay xài nhiều tờ giấy ghép lại. Có lẽ, như các môn nghệ thuật khác, kết quả cuối cùng vẫn là cái quan trọng nhất. Cái đẹp không câu nệ về kỹ thuật chi li và các ràng buộc. Nghệ thuật đỉnh cao, là nghệ thuật tự do nhất.
Origami kỳ diệu bởi ở mức độ chung, nó là nghệ thuật đại chúng, không phân biệt quốc gia hay giàu nghèo. Một em bé, một người lớn, có thể dùng bất cứ loại giấy nào, đứng ngồi bất cứở đâu, tạo ra một chú chim vỗ cánh, một bông hoa, một chú chuồn chuồn… đem lại vài giây phút an bình cho chính mình hay đem đến cho ai đó một nụ cười trên môi. Đối với một số người, vương quốc Origami là vương quốc trong những câu chuyện cổ tích. Bạn cứ tưởng tượng xem, hầu như mọi thứ – cỏ cây, hoa lá, muôn thú đều “nằm” trong một tờ giấy, loại vật liệu hầu như bao quanh mình khắp nơi.
Origami ngày nay được áp dụng trong thiết kế đồ trang sức, trang hoàng nội thất, thiết kế thời trang… cũng như được áp dụng trong các chương trình giáo dục, y tế.
Tại Việt Nam, một nhóm bạn trẻ đã lập nên Vietnam Origami Group (http://www.vietnamorigami.org, http://www.vietnamorigami.org/forum/) hiện thu hút khá nhiều thành viên. Tuy còn non trẻ, nhưng Origami Việt Nam đã có những bước tiến rất nhanh. Một số tác phẩm của thành viên VOG đã được trưng bày tại các triển lãm quốc tế cũng như được in trong các sách, tạp chí Origami.
- Đinh Trường Giang