Ai nói chuyện với nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải cũng sẽ nghe anh thản nhiên kể về múa như là những chuyện quen thuộc thường ngày. Trong câu chuyện của mình, chẳng một lần nào Khải dùng từ “đam mê” nhưng qua lời nói và cách làm, mọi người đều hiểu rằng anh yêu múa đến dường nào. Năm 12 tuổi, Khải được bố gửi vào học ở trường múa, vừa để thỏa mãn niềm yêu thích múa của mình vừa để cậu con trai… bớt nghịch. May mắn là cậu bé Vũ Ngọc Khải ngày đó vẫn bước đi trên con đường bố đã chọn với rất nhiều cảm xúc.
Học múa và làm việc cho các công ty múa ở Hà Lan, Vũ Ngọc Khải có nhiều cơ hội tiếp cận với múa đương đại. Nếu có thời gian ngồi cùng Khải, bạn sẽ nghe anh mải mê kể về những buổi biểu diễn của mình cùng với đồng nghiệp. Các anh đi diễn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và lần dàn dựng nào của các biên đạo cũng cho Khải thấy rằng không có giới hạn nào dành cho sáng tạo, cả về động tác, âm thanh, ánh sáng và dàn dựng sân khấu. Có những vở múa sân khấu được dựng lên từ giữa vách núi, có cả những vở diễn viên diễn ngay ngoài trời. Múa đương đại càng ngày càng lôi cuốn Vũ Ngọc Khải và lúc nào anh cũng muốn chia sẻ đến với đồng nghiệp, bạn bè và khán giả ở Việt Nam. Thời gian còn làm việc ở Hà Lan, Khải vẫn đi đi về về để cùng các nghệ sĩ Tấn Lộc, Ngọc Anh, Thùy Chi… diễn các vở múa đương đại như Chuyện kể những chiếc giày, Mộc, Ta đã ở đó v.v… cho khán giả Việt Nam. Mới đây, Khải cùng với nghệ sĩ Ngô Hồng Quang làm Nón – một vở múa đương đại kết hợp giữa múa và âm nhạc dân tộc. Đây là một vở múa độc lập nên hai chàng trai phải tự mình làm rất nhiều khâu. Quang đi tìm mua, đặt làm mới, tự tay sửa chữa từng loại nhạc cụ để hoàn thiện cho phần âm nhạc của mình. Khải thì ngoài việc dàn dựng vở diễn còn phải lo từng món đạo cụ. Chiếc nón lá, đạo cụ chính của vở diễn, ban đầu Khải đặt làm bằng khung tre, làm thử đến 6, 7 lần không thành công phải bỏ làm lại bằng khung sắt. Bột đổ ở cảnh cuối vở diễn, ban đầu định đổ đất, sau đó đổ cà phê rồi cuối cùng dùng đến bột bắp. Tất cả đều được chuẩn bị chu đáo từ vải đen căng trên sân khấu cho đến vé, tờ giới thiệu vở diễn. Nhiều thứ phải làm đi làm lại nhiều lần, chi phí cho vở diễn bị phát sinh nhưng Khải vẫn làm cho đến khi hài lòng mới thôi. Biết là chỉ diễn một suất thì không thể nào “huề vốn” vậy mà Khải cứ làm, vì đây là ấp ủ từ lâu của anh. Nón như tiếng lòng của Khải muốn chia sẻ với mọi người, từ những kỷ niệm êm đềm của tuổi nhỏ cho đến cái nhìn, tiếng nói và sự lắng nghe của một thanh niên, trong đó có trăn trở, có bức bối, cả những lúc lắng lòng để nghe mọi thứ xung quanh mình. Đêm diễn trời mưa tầm tã mà khán giả đến xem rất đông, khán phòng không đủ chỗ đành để nhiều khán giả về trong tiếc nuối. Diễn xong, khán giả nán lại hỏi thăm nhiều điều về vở múa Nón, vậy là diễn viên và khán giả có một buổi nói chuyện thân mật, vui vẻ. Hết cảm giác hồi hộp ban đầu, sau đêm diễn Khải cảm thấy xúc động vì khán giả của mình. Vì Khải biết rằng mình vẫn còn khán giả nên mong Nón sẽ được đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới và có tin vui là Nón sẽ được diễn ở Luxembourg vào cuối năm nay.
Vừa mới xong Nón, Khải tiếp tục nói về những mong muốn của mình: “Tôi muốn làm một vở múa về phở. Tôi còn muốn làm một vở kết hợp giữa múa và trống trận Tây Sơn. Tôi còn muốn thực hiện một dự án cộng đồng, dàn dựng một điệu múa chung cho hàng ngàn diễn viên để diễn trong các lễ hội, festival nhưng có lẽ phải nhiều người chung tay thì mới làm được”. Với nhiệt huyết và năng lượng đang có của mình, hy vọng Khải sẽ làm được từng cái “tôi muốn” trong thời gian không xa. Hỏi Khải: Muốn khán giả đến với múa đương đại thì phải làm cho khán giả hiểu múa đương đại là gì chứ? Khải bảo: “Một mình tôi làm không nổi đâu. Nhưng tôi nghĩ thôi thì mình cứ làm mọi cách để có nhiều vở múa đến được với khán giả hơn, khi được xem nhiều thì khán giả sẽ có khái niệm riêng của mình về múa đương đại”. Chàng nghệ sĩ trẻ này còn tâm sự rằng muốn khán giả có thói quen đọc những tờ giới thiệu, có thời gian nói chuyện với nghệ sĩ để có những từ khóa trước khi thưởng thức vở diễn. Rồi Khải chia sẻ múa đương đại là một chuỗi những động tác rất gần gũi cuộc sống hằng ngày, khi bạn thái thức ăn trên thớt, động tác đó lặp đi lặp lại nhiều lần cũng sẽ trở thành một động tác của múa đương đại. Cũng vì muốn múa đương đại đến với mọi người nên Khải thường mở các lớp học múa nhưng không phải dạy để biểu diễn. Khải giải thích, với nhịp sống hiện nay, ai cũng vội ăn, vội nghĩ, nhất là vội thở – ít ai thở được sâu nên anh muốn mọi người đến với lớp múa của mình để tập thở và chuyển động.
Vũ Ngọc Khải vẫn muốn được gắn bó với khán giả Việt Nam nhưng mỗi khi nói chuyện với các đồng nghiệp các nước thì anh lại sốt ruột bởi cảm giác mình bị chậm lại so với mọi người. Tuổi nghề của diễn viên múa không dài nên Khải muốn làm nốt giai đoạn này trước khi chuyển sang biên đạo. Vậy là anh lại lên đường sang Đức làm việc cho Nhà hát Braunschweig Germany – ở đó có 20 diễn viên và một dàn nhạc giao hưởng dành riêng cho múa. Duyên nợ của Khải với nhà hát này cũng lạ. Lúc ở Đức, anh đến nhà hát chơi với một người bạn đồng nghiệp, biên đạo bảo anh diễn thử một đoạn và sau đó mời anh sắp xếp sang Đức làm việc. Khải nói: “Đây chỉ là một nhà hát vừa vừa của Đức và bạn biết không, những gì tôi đã làm trong thời gian ở lại Việt Nam cũng là bình thường thôi. Nếu có điều kiện, tôi giới thiệu các bạn Việt Nam khác đang học ở các nước trở về đây biểu diễn thì họ sẽ làm được nhiều điều thú vị lắm”. Khi Khải nói rằng, nơi mình làm việc chưa phải là đơn vị đứng đầu, việc mình đã làm được chưa phải là điều tốt nhất dành cho nghệ thuật múa thì khán giả có thể tin rằng Khải sẽ còn đi những bước xa hơn với con đường mà anh đang gắn bó.
Lâm Hạnh, Ảnh Trần Hoàng Sơn (DNSGCT)