Từ xửa từ xưa, thằng mõ – một hạng cùng đinh, nghèo hèn mạt hạng, nghèo rách xơ mướp từ nơi xa đến ngụ cư trong làng được các bậc tiên chỉ giao cho nghề này, chứ dân trong làng không ai thèm làm cả – cái nghề mà người ta khinh rẻ đến nỗi người đó dù được cha mẹ đặt tên cũng như không, vì không ai gọi họ bằng tên mà chỉ gọi trống trơn là “thằng mõ” hoặc gọi “bố đốp” và vợ được gọi là “mẹ đốp”! “Đốp” là do tiếng dùi đập vào mõ kêu đốp đốp!
Thật ra, gọi mõ là “nhà báo” thì hẳn nhiều bạn sẽ không đồng ý. Nhưng nếu so sánh công việc của một anh mõ với chức năng của một nhà báo thì cũng có những điều na ná! Này nhé, khi trong làng có việc gì từ ma chay đến cưới xin v.v. thì thằng mõ phải gõ mõ đi rao khắp nơi để đưa thông tin đến cho thiên hạ.
Dụng cụ “hành nghề” là thanh bằng tre hoặc bằng gỗ trong rỗng để khi đánh vào kêu cốc cốc hoặc đốp đốp (tùy dùi dánh vào) – phổ biến nhất là mõ bằng gộc tre được uốn khoăm khoăm hai đầu. Khi gõ mõ phải rao lên “Tôi trình làng nước…”, gọi mãi cũng khàn hơi dần dần tiếng “trình” phát âm thành “triềng”. Công việc này nặng nhọc, bất kể đàn anh nào trong làng sai bảo cũng được bất kể thời gian, mưa, nắng…
Nếu là thông báo chuyện hiếu hỉ, khao vọng… thì sau khi xong việc người ta dọn cho một cỗ ngồi một mình mà ăn, cỗ này gọi là “cỗ tiến dư” – sống bằng của dư thừa trong thiên hạ. “Lương” hằng năm là một vạt công điền, công thổ hoặc số thóc do dân làng góp lại trả.
Chúng tôi ngờ rằng, do ý thức được thân phận mình nên trải qua nhiều đời, những thế hệ thằng mõ mới hư cấu ra chuyện Trạng Khiếu ở thế kỷ XVII để khẳng định vai vế trong xã hội. Đó là chuyện con một nhà mõ nọ học giỏi thi đậu, vào triều vua thán phục gả con gái nhưng không những vì thế mà mõ phụ lòng người thiếu nữ quê mùa đã nuôi mình ăn học. Căn cứ vào tài liệu Kho tàng các ông trạng Việt Nam (Vũ Ngọc Khánh – NXB Văn hóa Thông tin -1995), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế – NXB Khoa học Xã hội 1991), chúng tôi “dựng lại” cuộc đời của Trạng Khiếu như sau:
Ngày nọ, bước chân đến trước nhà của cụ quan thượng họ Lê, thằng mõ rụt rè mãi. Lát sau, cậu mạnh dạn đẩy cửa bước vào trong sân. Tiếng chó sủa ran. Trên đầu đội mâm xôi thủ lợn, cậu sợ điếng người, đứng yên như trời trồng. Có tiếng quát lớn của cụ, bọn đày tớ cầm gậy ra đuổi chó để đưa thằng mõ vào nhà. Từ ngày nghỉ hưu, cụ được dân trong làng bầu làm tiên chỉ. Do đó, hôm nay có hội làng nên cậu được sai đem “miếng giữa làng” đến biếu cụ.
- Xem thêm: Nghề mõ – một cách thông tin ngày xưa
Giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt khôi ngô của cậu khiến quan thượng cũng có cảm tình. Vốn là con nhà suốt đời làm nghề mõ trong làng nên không ai cần biết cha mẹ của cậu tên gì, và khi sinh ra thì cậu được đặt tên gì nữa! Mọi người trong làng gọi Khiếu Hữu Thanh. Thật ra, “khiếu” có nghĩa là “kêu, gọi”, “hữu thanh” là có “tiếng”- như vậy tên họ này ám chỉ nghề làm mõ của cậu mà thôi!
Lúc cậu đứng trước mặt quan thượng thì tiểu thư Hồng Ngọc hé cánh mành trông ra… Chao ôi! Trái tim của nàng bỗng đập nhịp cuống quýt đến lạ thường. Bất ngờ, cậu cũng liếc nhìn thấy tiểu thư. Hai ánh mắt chạm nhau và cùng xao xuyến… Giây lát ấy thoáng qua nhanh. Cậu lễ phép cúi chào quan thượng ra về. Nhưng đó cũng là lúc tiểu thư Hồng Ngọc đã giữ lấy hình ảnh của cậu trong tâm trí.
Từ đó, như ăn phải bùa mê, nàng thường ra ngẩn vào ngơ, lòng dạ bồn chồn tơ tưởng đến chàng trai nghèo hèn nhất trong làng. Không được gặp lại người mà mình thầm thương trộm nhớ, nàng mang bệnh tương tư. Thấy con có những biểu hiện bất thường, cụ bà gặn hỏi mãi thì nàng thú thật. Nghe tin ấy, cụ quan thượng tưởng chừng như sét đánh ngang tai, cụ đùng đùng nổi giận:
– Nhà ta hết phúc rồi! Ai đời lá ngọc cành vàng mà lại tơ tưởng đến thằng mõ! Ối làng nước ôi! Chả lẽ, từ nay ta phải sống trơ mặt, chết trơ mồ vì con gái ta sao!
Cụ bà lựa lời nói với chồng:
– Thôi ông ạ! Con ta xưa nay vốn nhà khuê các, không phải loại trăng hoa trắc nết, thiếu gì con nhà giàu sang dạm hỏi, nó có chịu ai đâu. Vậy mà… Duyên số như thế thì cãi thế nào được?
Trong khi không ai thuyết phục được cụ thì tiểu thư ngày một ốm nặng. Cuối cùng, cụ đành nhắm mắt cho con gái mình kết duyên cùng thằng mõ. Cụ bảo:
– Từ nay trở về sau, mày đừng nhìn mặt tao, không được ở làng này nữa, dắt đi đâu thì đi!
Đôi uyên ương thu xếp đi vào Thanh Hóa. Tại đây, đưa chồng đến học tại trường của cụ quan thượng Phùng – vốn là bạn tâm giao với cha – nàng không nói chồng mà chỉ nói là đứa em để xin cụ ra sức dạy dỗ. Năm tháng trôi qua, “cậu em” học ngày một tiến bộ, học đâu nhớ đấy ai cũng khâm phục. Quan thượng Phùng hài lòng lắm. Ít lâu sau, sắp đến ngày triều đình mở khoa thi, cụ gọi Hồng Ngọc đến và bảo:
– Cậu em của con học hành giỏi lắm, khoa thi này thế nào cũng đỗ đầu. Vậy con viết thư báo với cụ lớn nhà ta mau nộp đơn để đến kỳ vào thi, kẻo không kịp hạn.
Bấy giờ, nàng mới thưa thật mọi sự tình với cụ và phân trần:
– Chồng con chưa nên danh phận gì thì làm sao con dám về thưa với bố con được. Con xin thầy cho chồng con nhập tịch ở làng này, sau chồng con thi đỗ thì cải chính về làng cũ cũng được.
Cảm thương tình cảnh éo le của đôi trẻ, cụ thượng Phùng đồng ý và viết thư mời bạn vào Thanh Hóa để định liệu cho chàng rể đi thi.
Dù chẳng tán đồng tình duyên không môn đăng hộ đối của con, nhưng lúc con đi xa thì cụ quan thượng Lê cũng nhớ, cũng xót… Nhận được thư báo, cụ vào ngay. Trong đêm đầu tiên ấy, để thử tài chàng rể, cụ bảo chàng làm ngay bài thơ Vịnh Cái mõ. Không một chút ngập ngừng, chàng phóng bút viết ngay bài thơ:
Vì thiên hạ điếc đã lâu ngày,
Trời mới sinh ra chiếc mõ này.
Phép nước vang lừng ran cửa miệng,
Lệnh làng thét nét khét trong tay.
Việc quan thúc bách ba dùi đốp,
Lộc thánh gia ban mấy hộc đầy.
Lốc cốc tre già măng lại mọc,
Đầu đình chót vót bổng tầng mây.
Có thể nói, bài thơ khẩu khí Vịnh Cái mõ của Khiếu Hữu Thanh là một tác phẩm xuất sắc đề cập đến dụng cụ kiếm ăn một hạng người nghèo hèn nhất trong xã hội phong kiến Việt Nam. Bố vợ đọc xong bài thơ này, sướng quá bèn vỗ đánh đét:
– Rõ là khẩu khí của con nhà mõ mà văn chương Trạng nguyên.
Đúng như dự đoán của mọi người, trải khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình, Khiếu Hữu Thanh đã không phụ lòng bố vợ. Khi các tân khoa được vào cung đình dự yến tiệc của nhà vua, điều bất ngờ là chàng được vua gả cho con gái là công chúa Quỳnh Hoa. Nếu một người bạc tình bạc nghĩa thì sẽ nhận lời ngay, vì đây là cơ hội tốt để tiến thân, nhưng Khiếu Hữu Thanh khéo léo từ chối. Chàng thật thà thưa với nhà vua là đã có vợ, nàng nuôi cho ăn học đến lúc thành tài thì không thể phụ nghĩa tào khang ấy. Thiên hạ biết chuyện này, ai cũng khen chàng là người có nghĩa.
- Xem thêm: Không dừng lại được biết làm sao!
Chung sống hạnh phúc với người vợ đã hết lòng vì mình, Khiếu Hữu Thanh đã làm được nhiều việc ích nước lợi dân, được người đời tôn là Trạng Khiếu. Dù làm quan đến bậc đại thần, nhưng ông vẫn sống đạm bạc, thanh liêm và hay giúp đỡ người nghèo khó. Đến khi cáo lão về hưu, ông được dân làng cảm mến lập sinh từ, gọi là Đền Quan Trạng. Con cháu họ Khiếu ngày càng đông đúc và nhiều người hiển đạt, có công danh trong xã hội. Đương thời có người làm thơ khen:
Họ Khiếu vang trời tiếng mõ kêu,
Tre già măng mọc phất cao nêu.
Trời dành phúc tổ phần con cháu,
Bào hốt trâm anh trải mấy triều.
Nếu ai đó, tra cứu danh sách thí sinh đậu Trạng nguyên thời xưa, ắt không thể… tìm ra Khiếu Hữu Thanh. Đây chỉ là một mô-típ quen thuộc cho thấy thằng mõ cũng là người có tài năng và đạo đức như bài thơ tương truyền của vua Lê Thánh Tông mà Thạch Sene đã giới thiệu trên KTNN số 1037. Phải nói thêm rằng, dù xã hội đã xuất hiện vai trò thằng mõ/ nghề mõ đóng vai trò loan báo thông tin cho bàn dân thiên hạ, ta còn phải kể đến một dạng “báo nói bí mật” được lưu truyền trong dân gian. Bí mật vì không ai biết tên tác giả – đó là những bài vè rất đậm tính thời sự cũng nhằm đưa đến người nghe một lượng thông tin mà tác giả phê phán; hoặc ca ngợi chuyện “giật gân” mới vừa xẩy ra trong làng, thậm chí trong triều đình…
Biết đâu đây chẳng là những mầm mống đầu tiên về các “nhà báo” và cách “làm báo” của thuở xưa. Tất nhiên, những lập luận trên cũng chỉ là ý kiến có tính cách gợi mở. Theo cụ Nguyễn Văn Tố trong bài Nước ta xưa có tự do ngôn luận không? (Tri tân số 206 ra ngày 4.10.1945), có đoạn viết:
“Khâm định Việt sử (quyển 14, tờ 15 a) chép lại rằng: “Nguyên trước, những chiếu, lệnh nhà vua, lâm thời bộ đem yết bảng, đến năm Tân hợi (1491) vua Lê Thánh Tông cho dựng một cái đình ở ngoài cửa Đại Hưng (tức cửa Nam thành Thăng Long) để làm nơi niêm yết những phép tắc trị dân, đặt tên Quảng Văn Đình”.
Ba chữ Quảng Văn Đình nghĩa là một cơ sở để thu nhặt giấy tờ ở các nơi. Đến đời Gia Long (1802-1819) làm đình ở phường Nam Hưng (tức cửa Nam bây giờ), trên có đặt tên Quảng Minh Đình… cũng để dán những huấn lệnh của nhà vua. Cạnh đó có hai nhà ngói ở cửa Đông Nam gọi là Hiệp Nghị Đường (nhà để họp bàn), phàm dân gian có việc gì uất ức cho đến để bày tỏ, cho nên các đình ở mé ngoài miếu thờ thành hoàng vừa là nơi để tụ họp khi tế lễ, lúc hương ẩm, vừa để dán những huấn lệnh của nhà vua, cứ ngày mồng một và ngày rằm, các huynh thứ trong làng ra đọc những huấn lệnh và giảng nghĩa cho dân nghe thường gọi là giảng thập điều.
Như vậy, cái đình tức là báo chí, có định lệ mồng một và rằm tức là nhật báo và tuần báo… “Báo chí tức là những tờ huấn lệnh dán ở đình làng tựa như tờ Acta diurna của người La Mã đời xưa”. Cách giải thích về mầm mống báo chí nước ta thời xưa của cụ Nguyễn Văn Tố khá thuyết phục.
Ngày nay, vấn đề làm báo đã trở thành một công nghệ chuyên nghiệp, nhà báo được mọi người kính trọng, yêu mến vì họ là những chiến sĩ tiên phong có tài đức, sử dụng ngòi bút như một vũ khí sắc bén và hữu hiệu để đấu tranh cho nguyện vọng chính đáng của mọi người dân trong cộng đồng, chứ không chỉ là thằng mõ.