Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành báo chí sẽ có những tác động gì tới tin tức và nhà báo?
Nếu robot đã thay đổi toàn bộ các ngành sản xuất chế tạo thì Trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa đang làm thay đổi những công việc liên quan đến thông tin, cho phép con người chia sẻ hoạt động với máy tính.
Trong ngành báo chí, các hệ thống khai thác dữ liệu tự động có thể cảnh báo các phóng viên về những tin tức tiềm năng, trong khi các newsbot (ứng dụng phần mềm tự động thu thập thông tin báo chí) giúp đưa ra những cách thức mới để người đọc khám phá thông tin.
Ngày càng nhiều cơ quan báo chí và hãng tin tức lớn trên thế giới triển khai sử dụng AI. Tuy nhiên, cũng giống như bao ngành nghề khác trong thời đại số hóa, một câu hỏi đặt ra là khi các công nghệ thông minh này thâm nhập vào ngành báo chí chúng sẽ ảnh hưởng tới công việc và người lao động như thế nào.
Trong trường hợp này, AI hoặc cái gì sẽ trở thành nhà báo và làm báo trong thế giới tự động hóa?
Làn sóng “nhà báo” AI
Nhiều cơ quan tin tức lớn nhất và có uy tín trên thế giới đang sử dụng hoặc nghiên cứu về AI – như The Washington Post, Associated Press, BBC, Reuters, Bloomberg, New York Times, The Wall Street Journal, The Times và Sunday Times, đài phát thanh – truyền hình NHK của Nhật Bản và STT của Phần Lan.
Theo giới chuyên gia, AI cho phép các hãng tin hoạt động hiệu quả hơn khi tính về chi phí vì các newsbot có thể tạo ra khối lượng tin tức lớn hơn nhiều so với con người.
Như tại Mỹ, AI đã giúp hãng tin AP mở rộng phạm vi thu thập báo cáo kinh doanh từ 300 công ty lên 4.000 công ty.
- Xem thêm: Khi các nghệ sĩ bị cỗ máy soán ngôi
Tờ Atlanta Journal-Constitution đã tiến vào vòng chung kết cho giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá sau khi phanh phui các vụ lạm dụng của các bác sĩ.
Họ đã sử dụng công nghệ Học máy (Machine Learning) để quét hơn 100.000 tài liệu kỷ luật khác nhau liên quan đến sai phạm của các bác sĩ và điều tra chúng.
Còn AI của Reuters thu thập dữ liệu từ các chính phủ và doanh nghiệp để tạo ra hàng ngàn tin tức mỗi ngày bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Ông Jeremy Gilbert, Giám đốc phụ trách sáng kiến chiến lược của tờ Washington Post, cho biết việc sử dụng bot đã tăng mức độ đưa tin về các cuộc bầu cử theo cấp số nhân.
Thay vì xuất bản một câu chuyện vào buổi sáng sau cuộc bầu cử, ngay trong đêm thống kê sơ bộ, Washington Post theo dõi số phiếu và bot Heliograf có thể đưa tin cứ sau mỗi 30 đến 90 giây những gì đang diễn ra, ai là người dẫn trước, ai đang thụt lùi, điểm lại và so sánh những thông tin về số người đến bầu trong nhiệm kỳ trước và lần này.
Ngay cả các hãng tin nhỏ hơn cũng đang xuất bản những tin tức được viết bởi AI nếu họ đăng ký các dịch vụ tạo ra chúng, chẳng hạn như RADAR (viết tắt của cụm từ “Reporters And Data And Robots”) – một liên doanh giữa Hiệp hội báo chí Vương quốc Anh và Công ty công nghệ Urbs Media.
RADAR là một “hãng tin” được chạy bán tự động bởi AI, có thể “bơm” ra khoảng 8.000 tin tức mỗi tháng.
Về cơ bản, RADAR vẫn dựa trên hoạt động của sáu nhà báo. Họ phụ trách thu thập các bộ dữ liệu của chính phủ theo từng khu vực địa lý, xác định các góc độ thú vị và đáng tin cậy của chúng, sau đó phát triển các ý tưởng này thành các mẫu dựa trên dữ liệu.
Các mẫu này sẽ được mã hóa và tự động điều chỉnh thông tin của văn bản theo các vị trí địa lý được xác định trong dữ liệu.
Chẳng hạn, một câu chuyện về tình trạng dân số già hóa trên khắp nước Anh do RADAR viết có thể cho độc giả ở thị trấn Luton vùng Đông Nam nước này thấy cộng đồng của họ đang thay đổi như thế nào, trong khi người đọc ở thành phố Bristol vùng Tây Nam sẽ lại tiếp cận những số liệu thống kê của địa phương mình.
Theo báo cáo năm 2018 của Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters, một cuộc khảo sát với gần 200 biên tập viên, giám đốc điều hành (CEO) và các nhà lãnh đạo trong mảng thông tin kỹ thuật số hàng đầu trên toàn thế giới cho thấy gần 75% trong số họ đã sử dụng AI trong việc sản xuất tin.
AI sẽ thay thế con người trong ngành báo chí?
Tuy nhiên, dù tốc độ phổ biến của các AI làm báo ngày càng tăng, một số ước tính của công ty tư quản lý toàn cầu McKinsey cho thấy trình độ công nghệ AI hiện tại chỉ có thể tự động hóa khoảng 15% công việc của phóng viên và 9% công việc biên tập viên.
Con người vẫn có lợi thế hơn AI trong một số lĩnh vực cần thiết cho hoạt động báo chí, bao gồm giao tiếp phức tạp, tư duy chuyên gia, khả năng thích ứng và sáng tạo.
Giáo sư ngành Marketing của Trường Kinh tế Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, bà Pinar Yildirim, cho biết một lý do khiến tin tức do AI viết khó có thể thay thế tin tức do con người viết là người đọc không sử dụng phương tiện truyền thông theo cách hoàn toàn lý trí.
Theo một bài báo nghiên cứu năm 2013 mà bà Yildirim là đồng tác giả, người đọc muốn thông tin phù hợp với niềm tin của họ, qua đó thúc đẩy họ lựa chọn những nguồn tin đáp ứng nhu cầu này.
Bà Yildirim cũng cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy rằng người tiêu dùng không muốn nghe sự thật “trần trụi” mà còn muốn có thêm những thông tin thú vị khác, dù chúng không hoàn toàn có giá trị.
Còn theo bà Meredith Broussard, Giáo sư ngành dữ liệu báo chí tại Viện Arthur L. Carter thuộc Đại học New York, trong thực tế những tin tức do AI viết thực sự dễ lặp đi lặp lại vì chúng đến từ các mẫu được thiết lập sẵn.
Ví dụ như những tin tức về các trận đấu bóng chày, chúng dựa trên một hệ thống thông tin và về cơ bản là giống nhau.
Vì vậy người đọc sẽ bắt gặp cách hành văn tương tự lặp đi lặp lại rồi dần không còn thích thú với chúng nữa. Giáo sư Broussard nhấn mạnh các hãng tin tức và truyền thông cần cân nhắc điểm này vì rõ ràng lợi ích từ tin tức do AI tạo ra là rất lớn, nhưng chúng sẽ giảm dần theo thời gian.
Ngoài ra, AI cũng mang tới những vấn đề pháp lý mới trong ngành báo chí mà hiện chưa có câu trả lời. Như theo giáo sư Seth Lewis của Đại học Oregon đề cập, nếu một bản tin tự động làm mất danh dự của một cá nhân thì khi đó ai chịu trách nhiệm?
Và vụ kiện sẽ tiến hành ra sao? Ông Lewis cho rằng các nhà lập pháp chưa sẵn sàng để tìm ra cách thức để “kiện” các thuật toán. Sau cùng, con người vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm bằng cách này hay cách khác.
Các vấn đề của AI khiến giáo sư Broussard hoài nghi rằng ngành báo chí đang tiến tới một tương lai hoàn toàn tự động.
Theo bà Broussard, việc tạo ra tin tức không giống như sản xuất một chiếc xe hơi trên dây chuyền lắp ráp.
Ban đầu, khả năng sản xuất nội dung đồ sộ có thể gây hứng thú cho các hãng tin tức, nhưng nếu quá đà nó sẽ trở thành một thứ “đồ ăn nhanh” không có lợi.
Giáo sư Lewis cũng đồng tình với ý kiến trên và kêu gọi các phương tiện truyền thông coi trọng chất lượng hơn số lượng.
Họ cần sản xuất ra những tin bài mang tính độc đáo, nguyên bản, sáng tạo hơn theo cách thực sự đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thay vì chạy đua sản xuất hàng loạt những tin “mì ăn liền” như đang diễn ra.