Những đứa trẻ quê sinh ra và lớn lên trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi nghe tới nghề “làm hàng xáo”, chúng sẽ ngẩn ngơ không biết nghề đó là nghề gì, nếu như chúng không được người lớn tường tận kể tới.
Thế nhưng, với những lớp người có tuổi đời vài ba chục trở lên thì công việc làm hàng xáo chẳng một ai lạ lẫm gì, bởi hầu như nhà nào ở nông thôn mà chẳng có những giai đoạn… làm hàng xáo!
Vâng, gia đình tôi cũng không là ngoại lệ, khi ngoài việc cùng cha lo toan làm lụng hơn mẫu ruộng khoán của hợp tác xã, mẹ vẫn thường lấy công việc làm hàng xáo để giúp cho kinh tế gia đình đỡ túng kém bần hàn.
Không giống những gia đình khác chỉ coi công việc làm hàng xáo vào lúc nông nhàn, mẹ tôi là một người phụ nữ lam lũ, chăm chỉ, nên hầu như quanh năm suốt tháng lúc nào mẹ cũng làm hàng xáo, kể cả khi đó là mùa màng bận rộn trăm công nghìn việc, thì mẹ vẫn sắp xếp thời gian hợp lý, tranh thủ làm hàng xáo.
Mẹ là người tham công tiếc việc, không chịu ngơi nghỉ, nên có những hôm thấy mẹ mệt mà vẫn gắng đi mua thóc lúa về để xay giã cho đủ số gạo giao bán ở phiên chợ ngày hôm sau.
Cha tôi đã kêu mẹ nghỉ ngơi ít bữa, khi nào khỏe lại làm tiếp, nhưng mẹ không chịu. Mẹ bảo: “Mối mua hàng, giao hàng thường xuyên, mình nghỉ họ mua bán của người khác, rồi mai mốt làm lại tự nhiên mình mất mối, vì vậy phải cố mà làm để giữ mối…”.
Công việc làm hàng xáo là cực kỳ vất vả, đã vậy quy trình lại tốn khá nhiều thời gian, mặc dù vậy lời lãi chẳng được bao nhiêu, khi mục đích chính hướng tới của nghề này là thu được chút tấm gạo vụn cùng ít cám dùng chăn nuôi lợn, hay mớ vỏ trấu bóc tách ra từ hạt thóc dùng cho việc đun nấu, rải lấn chuồng gia súc để làm phân bón ruộng.
Những năm tôi còn nhỏ, nghề làm hàng xáo của mẹ cũng như những người phụ nữ trong làng vất vả hơn nhiều, khi lúc đó chưa có máy xay xát, nên khi mua thóc về phải đổ vào cối tự xay thủ công cho vỏ trấu bóc tách ra khỏi hạt gạo, rất mất thời gian.
Có khi xay hết tạ thóc mất tới cả tiếng đồng hồ. Sau khi xay xong, lại phải sàng sảy cho vỏ trấu bay hết, rồi lúc đó mới mang gạo bỏ vào chiếc cối lớn có cần dài để giã bằng chân đạp.
Khoảng thời gian để giã hoàn thiện một cối gạo vài chục ký, cho tới khi gạo trắng, cũng mất cả giờ.
- Xem thêm: Mẹ của ngày xưa
Và nữa, sau khi phần gạo giã đã trắng, vỏ cám bao bọc bên ngoài hạt gạo bong tróc ra hết, mẹ lại múc gạo lên để giần cho cám và các mảnh tấm vỡ lọt xuống nia, cũng như sảy cho sạch mày trấu…
Nói chung, để hoàn thành một mẻ gạo từ lúc còn là những hạt thóc, cho tới khi sản phẩm gạo có thể mang bán được là cả một quá trình nhiều công đoạn, đổ nhiều mồ hôi sức lực.
Chính vì vất vả như vậy, nên nghề làm hàng xáo của mẹ luôn có sự trợ giúp đắc lực của cha, cũng như mấy anh chị em chúng tôi.
Anh cả tôi hơn chục tuổi thường cùng chị hai phụ mẹ xay thóc, còn tôi và đứa em út thì lo giúp mẹ sửa soạn giần, sàng, thúng, mủng… Công việc chính nặng nhọc là xay thóc, giã gạo thì mẹ và cha luôn đảm nhận…
Những năm về sau này, khi tôi lớn hơn, công nghệ phát triển, lúc đó đã có máy xay xát liên hoàn (từ thóc thành luôn gạo trắng sạch sẽ), thì công việc làm hàng xáo của mẹ tôi nhẹ gánh, nhàn nhã hơn rất nhiều, bởi mẹ chỉ cần chở mấy bao thóc ra hàng xay xát, trả một ít tiền công theo quy định là đã có ngay một mẻ gạo trắng sạch cho buổi chợ ngày hôm sau, mà không phải xay giã như trước.
Cùng lắm thì khi mang gạo về, mẹ chỉ giần qua cho các mảnh tấm vụn và mày trấu lọt xuống là xong. Sự xuất hiện của máy xay xát liên hoàn quá tiện lợi, khi gạo trắng ra một đằng, cám, trấu tuôn ra các nẻo khác nhau.
Đã vậy, khi trước mẹ chỉ làm hàng xáo mỗi mẻ chừng khoảng 1 tạ thóc là cùng, thì khi có sự xuất hiện của máy xay xát liên hoàn, mỗi phiên hàng xáo mẹ tôi làm tới vài tạ, thậm chí nhiều bữa lên tới 3 tạ thóc.
Nghề làm hàng xáo là công việc mua đi bán lại, nghĩa là mẹ tôi đi mua thóc của mọi gia đình có nhu cầu bán mang về xay giã (về sau này là xay xát), rồi sau đó mang số gạo ấy ra chợ bán để lấy tiền quay vòng cho việc mua thóc để làm hàng xáo tiếp.
Hầu như việc mua thóc bán gạo là không bao giờ có lãi, mà lợi nhuận thu được như đã nói thì chỉ là chút cám dùng nuôi lợn, chăm đàn gà cho nhanh lớn.
Số vỏ trấu thu được thì nhà dùng vào việc đun nấu sinh hoạt hằng ngày, cũng như lấn chuồng lợn để làm phân bón ruộng.
- Xem thêm: Tình yêu bao la của mẹ
Tôi thích nhất vẫn là mớ tấm gãy từ những hạt gạo qua các phiên hàng xáo của mẹ, bởi nhờ có tấm gạo nhỏ li ti thu được ấy mà nhiều độ giáp hạt bảy miệng ăn trong gia đình tôi không bị đứt bữa.
Khi nhà hết gạo, mẹ thường mang tấm nấu kèm với ngô bung, hay khoai lang đánh xéo. Đôi khi mẹ lại đổi món mang tấm gạo nấu cháo.
Nói chung, nhiều gia đình hàng xóm không có nghề hàng xáo thì có khi nhà họ phải ăn ngô, khoai trừ cơm, nhưng suốt những năm tháng tuổi thơ tôi, dẫu gia đình cũng nghèo khó, nhưng nhờ nghề làm hàng xáo của mẹ mà cả nhà tôi đều vẫn có cơm cháo ăn đều đặn, chứ hiếm khi chỉ phải ăn khoai, ngô…
Không chỉ nuôi năm anh chị em chúng tôi khôn lớn, mà công việc hàng xáo đầy vất vả của mẹ cũng đã “gánh” đàn con học hành nên người, bởi mẹ từng luôn bảo rằng: “Dù có cơ cực vất vả thế nào mẹ cũng cố lo toan cho chúng mày ăn học, bởi không có học là khổ lắm, vì vậy các con phải gắng mà học…”.
Vâng, đúng là nếu không có nghề làm hàng xáo của mẹ thì chưa biết chừng mấy anh chị em chúng tôi phải bỏ học nửa chừng như nhiều đứa trẻ khác ở quê, bởi không có đủ tiền trang trải.
Chính số cám gạo thu được qua các phiên hàng xáo mẹ nuôi lợn, chăm gà, để rồi các lứa lợn, lứa gà lớn nhanh như thổi, rồi cha mẹ bán đi lấy tiền lo cho gia đình, lo cái ăn cái học cho con cái…
- Xem thêm: Bởi mẹ là mẹ!
Tôi còn nhớ, năm tôi vào học cấp 3 trường huyện, lúc này kinh tế gia đình tôi đã bớt khổ, thóc lúa đầy bồ đủ ăn từ vụ nọ sang mùa kia, nhưng mẹ tôi vẫn quyết không bỏ công việc hàng xáo.
Cha tôi khuyên, các con khuyên mẹ nên nghỉ ngơi, bởi gần suốt cả đời mẹ vất vả, giờ các con đã sắp lớn khôn rồi nên mẹ cần phải nghỉ ngơi, thế nhưng mẹ chỉ cười bảo: “Người dân nông thôn đâu có như thành thị mà chơi được, hơn nữa mẹ còn sức khỏe nên vẫn phải cố mà làm. Tiền đâu có thừa khi nhà mình còn phải lo nhiều thứ nữa lắm…”.
Và mẹ tôi, đúng là một người phụ nữ của công việc, khi bà chăm chỉ và làm lụng lo toan cho chồng, cho con suốt từ thời tuổi trẻ, mãi tới tận khi về già…
Thắm thoắt, vậy mà đã 10 năm trôi qua khi mẹ tôi đã thành người thiên cổ, trở về với cát bụi! Nhìn cuộc sống của mấy anh chị em chúng tôi đã đủ đầy mọi thứ, nhớ về mẹ, và mường tượng lại cuộc sống đầy gian khó của gia đình mình những ngày xưa cũ, tôi lại nghẹn ngào, nước mắt tuôn ròng vì thương nhớ mẹ…