Trong buổi ra mắt sách Những thằng già nhớ mẹ của tác giả Vũ Thế Thành ở đường sách Nguyễn Văn Bình vào một chiều thứ Bảy, tháng Chín, có bạn đọc hỏi tại sao người ta thường không nhớ ba mà hay nhớ mẹ?
Tác giả trả lời, ký ức của ông về cha không nhiều do cha mất sớm, trong khi đó thì ngày xưa ông… phá mẹ dữ lắm nên giờ ông… nhớ mẹ!
Có người cho rằng, nhà văn hạnh phúc nhất trên đời vì kỷ niệm vui, buồn, đẹp, xấu gì ai cũng có nhưng chỉ nhà văn mới viết ra được còn người bình thường thì… giữ chặt trong lòng. Ai cũng có một “pho” kỷ niệm về mẹ, trong đó, nhiều nhất là những giọt nước mắt của mẹ do chính mình gây ra. Để rồi, không tránh khỏi hối hận, ăn năn, day dứt mỗi khi nghĩ về mẹ.
Một người kể chuyện, ngày xưa không chịu học hành khiến mẹ buồn. Tuổi trẻ nông nổi không hiểu nỗi buồn của mẹ. Một đêm khuya, chợt thức giấc, mở mắt thấy mẹ ngồi bên cạnh như ngắm nhìn thằng con đã rất lâu. Đứa con chột dạ hỏi sao mẹ không ngủ. Mẹ bỗng cầm tay con nói, cố gắng lo học hành đi, đừng lêu lổng nữa. Chỉ nhiêu đó thôi mà làm lại từ đầu. Đến khi thành đạt thì mẹ không còn!
- Xem thêm: Có mẹ ở nhà
Một vị khách tham dự chương trình trên kể rằng, vào ngày giỗ mẹ, hai vợ chồng đi chợ, vợ hỏi, ngày xưa mẹ thích ăn gì để vợ làm món mẹ thích, người trong cuộc ngẩn người vì không nhớ ngày xưa mẹ thích gì, đứng giữa chợ mà ông bỗng bật khóc như đứa trẻ.
Nhiều người thú nhận rằng, hồi xưa nghe câu “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” cứ nghĩ một câu bâng quơ, không… liên quan đến mình. Đến khi bạc đầu, mẹ không còn, hay mẹ còn nhưng đã lẫn như một đứa trẻ, hay mẹ ốm yếu lò dò từng bước một mới giật mình nghĩ lại, mấy chục năm, bàn tay đó, đôi chân đó, dìu dắt, bảo bọc đàn con mười đứa, mới hiểu ra thế nào là biển Thái Bình thì đôi khi đã muộn!
Thành ra, tác giả Những thằng già nhớ mẹ cho rằng, già đến đâu, với mẹ vẫn là đứa bé con ngày nào và mẹ vẫn gọi thằng này, con kia của mẹ, có thằng hơn sáu chục tuổi đầu, xách xe ra khỏi nhà mẹ vẫn còn phải nhắc mũ bảo hiểm hay mang áo mưa trời sắp mưa rồi đó…
Đến nỗi, ca sĩ Cẩm Vân không hát trọn ca khúc Mẹ tôi của Trần Tiến vì chị bị cảm xúc đẩy lên thành những giọt nước mắt nghẹn ngào. Để thấy, bất cứ ai, nghĩ về mẹ là nghĩ về tình thương yêu không mong được hồi đáp, trả hiếu, nước mắt mẹ chảy xuống, chảy mãi vì những đứa con. Chắc chắn không bao giờ mẹ mong một ngày được con đền đáp, chỉ cần con nên người là mẹ vui rồi!
Có người mới nghĩ, đau khổ nhất trên đời có lẽ chỉ là mẹ của những tên tướng cướp, đó là những người mẹ không còn nước mắt, là những người mẹ suốt đời mang mặc cảm tội lỗi vì không dạy được con, không chỉ bảo được con.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đọc bài thơ Gửi người bạn trẻ, ông hy vọng rằng các bạn trẻ đừng như ông và những người bạn “già” hôm đó làm những thằng già nhớ mẹ cùng niềm hối hận khôn nguôi khi mẹ đã mất đi rồi: “Con cài bông hoa trắng/Dành cho mẹ đóa hồng/Mẹ nhớ cài lên ngực/Ngoại chờ bên kia sông”.
Nhiều người không ngăn nổi dòng nước mắt khi nhà thơ Đỗ Trung Quân đọc bài thơ chép tay: “Chẳng ai biết vì sao bà mẹ ấy/thường xuyên cắp nón đi tìm/thằng con đã tóc râu chớm bạc/đơn giản lắm/đêm qua/nghe ai bảo con tôi say xỉn không về nhà/đêm qua trời Sài Gòn trở gió/người mẹ ấy hôm sau run rẩy đi tìm/rụt rè hỏi nhỏ/con có bị ốm không/mẹ già rồi lẩn thẩn/đừng mắng mẹ nghe con”.
Từ cổ chí kim con người có viết bao nhiêu bài hát, câu thơ, áng văn về mẹ cũng không đủ, bởi mẹ là thế đó, là tất cả. Vậy mà, con người vẫn cứ tiếp tục làm khổ mẹ, nói dối mẹ, nhiều khi nói dối cho mẹ yên lòng mà không biết rằng không gì có thể qua mắt được mẹ; để rồi, bao giờ cũng vậy, giọt nước mắt dành cho mẹ luôn là giọt nước mắt muộn màng nhất!
Vậy thì, sửa sai ngay đi, nghĩ từ khi mẹ còn khỏe, đừng cáu gắt với mẹ nữa, mẹ có lỡ tay làm đổ ly sữa hay đánh rơi cái bình quý thì phải hiểu rằng mẹ đã già rồi, bàn tay ấy không còn mạnh mẽ, khéo léo nữa, nhìn mẹ từ phía sau xem lưng mẹ còng đến đâu rồi, hay ôm mẹ một cái đi, bởi mẹ là mẹ mà, luôn sẵn lòng hết, với con!