Danh ca Christophe (tên thật là Daniel Bevilacqua) sinh năm 1945 vừa qua đời ngày 16-4 tại Brest, Pháp vì mắc COVID-19. Ông là một trong những tên tuổi tiêu biểu của phong trào nhạc pop Pháp nở rộ vào thập niên 1960 đến 1970; có tầm ảnh hưởng quan trọng đến đời sống âm nhạc tại các đô thị miền Nam Việt Nam, đặc biệt là không gian văn hóa âm nhạc tại thành phố Đà Lạt – một đô thị mang đậm dấu ấn Pháp thời thuộc địa tại Việt Nam.
Hàng chục bản tình ca, tiêu biểu là các bản Aline, Les mots bleus, Les amoureux qui passent, Mal, Maman, Nue comme la mer, Les jours où rien ne va… mang tên tuổi Christophe đến với người nghe toàn thế giới. Ông từng có đêm biểu diễn và gặp gỡ khán giả ái mộ tại TP.HCM vào tháng 11-2013.
1. Khung cửa kính buổi sáng mờ hơi sương, mùi hương cà phê phin tỏa ấm một góc căn phòng gỗ lam-ri hẹp, chiếc loa thùng cũ kỹ trên bức tường vôi đang phổ vào không gian bản tình ca Aline với lối hòa âm theo kiểu dàn nhạc sống, và giọng ca trẻ trung như kéo về một miền trời lãng mạn đã xa: Et j’ai crié, crié/ Aline/ Pour qu’elle revienne/ Et j’ai pleuré, pleuré/ Oh! J’avais trop de peine…
Đà Lạt “hương xa” của thập niên 1960-1970 được đánh thức đôi khi thật giản đơn, bằng những dấu chỉ “xanh xao” (Les mots bleus – Những lời xanh – như tên một bài hát của Christophe) thế đó. Có nghĩa là trong không gian một quán cà phê kiểu cũ “đậm đặc Đà Lạt” đã luôn có hơi thở của Christophe, bên cạnh những người cùng thời của ông: Claude François, Adamo, France Gall hay Hervé Vilard…
Một thế hệ âm nhạc tụng ca tình yêu của ngày hoa mộng cũ từ Paris nhiệt thành và thanh tân đã vô tình dệt nên một phần tâm hồn của đô thị hậu thuộc địa, nơi mà nếp lãng mạn và thanh lịch đang bị thử thách từng ngày bởi khói lửa của một cuộc chiến khốc liệt khác.
2. Trong những thư từ, hồi ức rời rạc, Trịnh Công Sơn hay Lê Uyên Phương đã nhiều lần nhắc đến bản J’entends siffler le train của Richard Anthony. Giai điệu chập chùng của bản nhạc này từng vang lên ở những quán cà phê Đà Lạt và trong tâm hồn họ trong những ngày lang thang trên thành phố sương khói vào thập niên 1960.
Rồi cũng âm nhạc của thế hệ mà ta vẫn gọi nôm na là “nhạc Pháp thập niên sáu mươi bảy mươi” đó dần dần trở thành thứ “tâm nhạc” quen thuộc của một giai đoạn văn hóa đầy thanh lịch, giúp ta nhận ra không gian Đà Lạt được chưng cất vẹn nguyên, là phần nguyên ủy của đô thị này ngay cả khi ngoại cảnh đã quay cuồng đổi thay.
Bản tình ca như ngọn gió thôn dã êm đềm từ dân nhạc trên đất Mỹ đã ghé ngang nước Pháp rồi phiêu du đến thành phố cao nguyên Nam Trung bộ của Việt Nam và chịu dừng chân ở đó, chắp cánh cho những tâm hồn trẻ trung mà lưu lạc bất định.
Bầu không khí nhạc Pháp đầy thi vị trong thời của Christophe hay Richard Anthony đã như tiếng còi tàu mở lối một thế hệ nghệ sĩ lãng mạn miền Nam trên con đường nghệ thuật của họ và cũng neo chân họ – những chàng trai tuổi đôi mươi đầy duy mỹ – trong một thành phố bình yên, giữ khoảng cách với súng đạn chiến trường khốc liệt nhưng cũng là nơi quãng diễn một đời sống Tây phương trong tưởng tượng -sản phẩm nhân văn từ các ngôi trường Tây học trào cuối.
Những bản nhạc pop Pháp hướng về sự cởi mở của phong cách Anh Mỹ, nhưng không đánh mất bản sắc thi vị và bặt thiệp theo mô thức văn hóa Paris. Không gian âm nhạc lịch lãm đó đã bám rễ rất nhanh vào lớp trí thức trẻ tâm hồn lộng gió thổi đồi Tây.
- Xem thêm: Cả nhà sành âm nhạc
Không chỉ lãng du trên những con đường và không gian địa lý để được đắm mình trong bầu khí phiêu bồng, chắt chiu sự bay bổng, mà trong âm nhạc, Phạm Duy, Vũ Xuân Hùng hay Nam Lộc còn làm một cuộc du hành sâu sắc hơn (theo cách những tiền nhân thuở ban đầu của nền tân nhạc Việt non trẻ): họ dịch, phóng tác, viết lời ta trên giai điệu các bản tình ca Pháp thời kỳ thập niên 1960-1970, trong đó có các ca khúc của Christophe. Để rồi những bản tình ca điệu Pháp, ca từ Việt Nam cũng góp phần làm nên tên tuổi của Ngọc Lan, Tuấn Ngọc hay Elvis Phương… những năm cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970.
Trong những quán cà phê xứ lạnh Đà Lạt, nơi mang đậm dấu ấn Pháp trong quang cảnh từ giáo dục, kiến trúc đến lối sống văn hóa, người yêu nhạc trẻ là sinh viên trí thức đã thấy mình trong các ca khúc nguyên bản tiếng Pháp lẫn những ca khúc “lời ta điệu Tây”. Người ta có thể vừa yêu Mal vừa hát theo Cơn đau tình ái, vừa chấp nhận Aline vừa thấy rung động với Gọi tên người yêu…
Rồi cũng âm nhạc của thế hệ mà ta vẫn gọi nôm na là “nhạc Pháp thập niên sáu mươi bảy mươi” đó dần dần trở thành thứ “tâm nhạc” quen thuộc của một giai đoạn văn hóa đầy thanh lịch, giúp ta nhận ra không gian Đà Lạt được chưng cất vẹn nguyên, là phần nguyên ủy của đô thị này ngay cả khi ngoại cảnh đã quay cuồng đổi thay.
3. Những ngày mưa tháng Chín hay những sáng mù sương tháng Chạp ở Đà Lạt, tôi ngỡ rằng mình đã từng gặp một Christophe về già đầy lịch lãm với mái tóc bồng bềnh bên cây piano phím ngà vì khói thuốc, vẫn cất lên giọng ca trẻ trung gợi nhắc nỗi buồn vắng xa ngày tuổi trẻ. Đâu đó, không gian tình ca đã hòa làm một với không gian đầy xao xuyến trong tiểu thuyết của Valery Larbaud, Jean – René Huguenin hay Albert Camus…
Tôi đẩy cánh cửa xéo và bước vào cà phê Tùng, nơi những bản Maman, Mal, Main dans la main hay Aline của Christophe đã ở lại hơn nửa thế kỷ. Tôi nhận ra thứ ánh sáng và mùi hương thanh tao của những giai điệu hoài niệm về một thời đã qua. Tôi hiểu rằng, trong từng chỗ ngồi đổ bóng thời gian, hoài niệm và tuổi trẻ của mỗi người được đánh thức, co giãn để chung sống và giao đãi với một hiện thực dạt xô, lắm khi đầy lạnh lùng…
Mà cũng chính nơi đó, kỷ niệm cùng những cuộc trùng ngộ văn hóa luôn nhắc gợi trở về. Tâm hồn của một Đà Lạt lịch lãm, lãng mạn và phiêu bồng như một tàng thư ẩn mật, giàu có được âm thầm lưu giữ, đôi khi chỉ qua một giai điệu hay một lời ca nơi góc quán quen.