Mùa hè, những cung đường rợp màu hoa phượng. Con đường phơi mình trong sớm mai ngập nắng, với những khuôn mặt lạ lẫm lướt qua nhau. Con đường rêu phong trầm mặc ngang qua góc giáo đường và con đường đến trường vắng tanh chỉ còn tiếng con ve rộn rã…
Trung thả bộ trên con đường nhỏ về lại trường xưa. Con đường vẫn thế, mái trường vẫn thế. Gió lả lơi trên cành cao.
Trung đứng lặng trước cổng trường, hai cánh cổng màu xanh rêu khép hờ, đôi chỗ tróc sơn vì mưa nắng thời gian. Trung chợt nhớ cách đây bảy, tám năm, Trung cũng bước ra từ cánh cổng này, từ mái trường này.
Lần cuối cùng, Trung đứng giữa sân trường là một chiều khi mùa thi kết thúc. Rồi từ đó, Trung không trở lại nơi đây thêm một lần nào nữa. Ngót nghét đã tám năm trời, thời gian trôi qua thật nhanh, Trung nghĩ vậy mà lòng xao xuyến.
Bỗng dưng, Trung thấy mình hờ hững và vô tâm quá. Gần tám năm trời, cậu học trò ngây ngô ngày nào giờ đã dày dặn với đời, mạnh mẽ đứng dậy sau những phong ba, va vấp.
Đôi lần Trung bắt gặp trong ngăn kéo những trang vở phủ bụi, những tấm ảnh năm xưa, quyển lưu bút nét chữ mờ nhòe hay bức thư viết vội trong chiều mùa hè năm cũ, ký ức bỗng chốc ùa về trong Trung.
Nỗi nhớ ấy miên man khắc khoải. Nỗi nhớ xuyên qua không gian dâng đầy trong lồng ngực của Trung. Những thôi thúc bên trong khiến Trung sắp xếp công việc trở về thăm lại trường xưa một chuyến.
Mà cũng vì Trung vẫn còn lưu luyến bóng dáng của người con gái năm nào, người con gái trong sắc áo trắng tinh khôi vẫn thường đi về lặng lẽ dưới hàng phượng vĩ.
- Xem thêm: Bản sao
Trung bước đến đưa tay đẩy nhẹ cánh cổng sắt bước vào trong sân. Nắng rọi xuyên qua tàn phượng vĩ xuống bậc thềm. Mỗi đợt gió lùa qua kéo theo những cánh phượng rơi lã chã trên sân. Cớ gì màu đỏ tươi như máu tim của phượng lại gieo vào cuộc đời học sinh những buồn, vui, mơ mộng.
Trung đứng tần ngần trước một gốc phượng già, thân cây xù xì, bao thế hệ học trò nghịch ngợm khắc tên mình lên thân phượng. Cây phượng gồng mình chịu đựng đớn đau. Cây phượng bao dung gìn giữ những ký ức đẹp tươi trong quãng đời áo trắng.
Ngày xưa, Trung ôm đàn ghita ngồi dưới gốc cây này vừa đàn vừa ca những lời ca se sắt: “…Tôi thẫn thờ như mưa bên hiên vắng – Cứ đứng chờ như nắng hạ chờ mưa – Và đêm về thơ thẩn thức làm thơ – Trang giấy trắng hay tình tôi mộng mơ…”.
Đối với mỗi người, những tháng năm học trò là những tháng năm bình yên, vui tươi và mơ mộng nhất mà đi dọc cuộc đời cũng chẳng thể nào quên.
Mùa phượng vĩ năm ấy có bóng dáng của Thư, người mà Trung trân trọng gọi là mối-tình-đầu của mình. Mà, bao nhiêu mối tình đi qua người ta có thể quên chứ mối tình đầu thì làm sao quên được?
Thư chuyển trường về phố huyện nghèo khi gia đình sa sút. Ngày đầu đến lớp, Thư mặc chiếc áo dài trắng đứng rụt rè ngoài hành lang, nghe cô Mến gọi, Thư khép nép bước vào gật đầu chào.
Cô Mến giới thiệu: “Năm nay, lớp chúng ta có học sinh mới. Bạn Thư vừa chuyển trường từ thành phố về đây. Thư, vào chỗ đi em!”.
Thư ngồi bàn thứ hai, dãy thứ hai. Còn Trung ngồi ở dãy thứ ba. Cô bạn chậm rãi bước đến chỗ ngồi để cái cặp trong hộc bàn rồi nghiêm chỉnh nhìn lên bục giảng. Cô Mến bắt đầu giảng bài thơ Tây Tiến.
Buổi học hôm ấy, thi thoảng Trung lại quay sang nhìn Thư. Cô bé có mái tóc dài lúc nào cũng tết thành hai bím đặt ở hai bên vai, đôi mắt trong ngần và nụ cười tỏa nắng.
Ngày trước, ba Thư là chủ một cửa hiệu đồ gỗ khá lớn ở phố, một giai đoạn nhà Thư làm ăn thua lỗ, ba Thư đành lòng bán đứt cửa hiệu đồ gỗ trả nợ rồi cả nhà bồng bế về quê tìm kế sinh nhai.
Thị trấn nhỏ nằm bên dòng sông lặng lờ chảy qua, xa xa là cánh đồng, mùa khô nắng cháy, mùa mưa nước ngập lênh đênh.
Trường học nằm ở trung tâm thị trấn cổ kính, đường vào trường bạt ngàn màu xanh cây lá. Hai bên đường, trước sân trường, những cội phượng vĩ đứng phơi mình nhìn năm tháng.
Trung quen Thư bắt đầu từ lần chiếc xe Thư bị hỏng hóc giữa đường. Buổi sáng hôm ấy, lớp được dự giờ. Cô Mến đã dặn dò kỹ lưỡng từ buổi chiều hôm trước, bởi thế, ai đi trễ hoặc nghỉ học là một “đại tội”.
Trung vừa chạy đến bỗng thấy Thư đứng bên đường, mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt chứa đựng vẻ lo âu.
Nhắm không thể sửa được, Trung bảo Thư gửi xe trong quán lá của một người đàn bà góa chồng dễ tính, Trung chở Thư đến trường. Cũng may hôm ấy, cả hai không bị trễ. Thư cảm ơn Trung rối rít.
Chính Trung cũng không biết mình thân thiết với Thư từ bao giờ. Hình như mối tình học trò bắt đầu từ lần Thư hư xe, lớn lên bằng trái ổi, trái bần Trung để dành cho Thư sau những buổi trưa tinh nghịch ngoài triền đê lộng gió.
Trung thường chở Thư ra cánh đồng nhỏ cách phố huyện một quãng không xa. Nhìn từ xa, cánh đồng như một bức tranh cổ tích. Mùa sang, cỏ lau lưa thưa, bông cỏ trắng muốt điểm xuyến giữa màu nắng trong ngần. Trung dựng xe đạp dưới gốc cây ổi nếp rồi cùng Thư ngồi dưới gốc cây đón gió.
Chốc chốc, lũ chim sâu ngửi mùi ổi chín bay về, tiếng kêu trong vắt. Dưới gốc phượng vĩ trước sân trường, Trung ôm đàn ghita vừa đàn vừa hát cho Thư nghe. Thư ngồi nhặt cánh hoa gấp bướm rồi khẽ khàng ép vào trang lưu bút.
Có mối tình nào đẹp và thánh thiện như mối tình học trò? Hình như tuổi học trò đã gieo vào trong đoạn đầu cuộc đời của mỗi con người những ký ức thật đẹp mà màu hoa phượng, mối tình xưa là cả một khoảng trời thương nhớ bao la…
“Cô bé ơi, áo dài bay trong gió – Chiều tan trường tôi lặng lẽ theo sau – Lời ban đầu ngại ngần không dám nói – Để đêm về thao thức suốt canh thâu…”.
Có lẽ ký ức buồn nhất của Trung là ký ức mùa thi năm ấy. Bởi thi xong lớp 12 là mỗi đứa một nơi, đứa tiếp tục đi học, đứa trở về nhà sớm lao vào cuộc mưu sinh vất vả, nhọc nhằn.
Thư ngồi dưới gốc phượng quen, trước sân trường vắng bóng học trò. Trên lầu cao, tiếng guốc ai quen quen hình như là tiếng bước chân của cô Mến đi đi lại lại đóng cánh cửa lớp khi ba tháng hè đã đến. Chắc cô cũng buồn.
Gốc phượng này, sân trường này, không ai nhớ cảnh vật nơi đây đã từng đưa tiễn bao thế hệ học trò sang sông, chứng kiến bao cuộc chia ly và bao mối tình đầu tan vỡ.
Trên thân cây phượng, ai đó khắc tên mình, tên người để rồi chúng tồn tại mãi mãi với thời gian. Vết thương của cây như ghi khắc một khoảng trời tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người, và không ngoái lại…
Lần cuối cùng, Thư ngồi nghe Trung đàn hát trọn vẹn bài hát Lặng thầm mà Thư yêu thích. Rồi Thư đi. Trung ngồi dưới gốc phượng, tỉ tê cùng phượng. Bóng Thư khuất hẳn sau cánh cổng xanh rêu.
Sau mùa học ấy, Thư cùng gia đình trở lại thành phố sống tiếp những tháng ngày đã quen. Có lẽ thành phố là nơi Thư thuộc về. Mái trường này là nơi Thư học năm cuối cấp, thêu dệt những vệt ký ức đẹp nhất trong quãng đời học trò của mình.
Trung chợt nhớ chuyến xe lam một chiều năm cũ, Thư đi. Chiếc xe nổ máy rồi chạy trên con đường giữa cánh đồng ngùn ngụt khói lam chiều, khói đốt đống cỏ khô của người nông dân cần mẫn. Xe đi xa, Trung vẫn còn trông thấy Thư vẫy tay, hẹn ngày mai gặp lại…
- Xem thêm: Sắc màu của mơ ước
Đứng ngẩn ngơ trước sân trường, từng cơn mưa hoa phượng cứ rơi rơi trên vai Trung, trên miên man nỗi nhớ. Trung chợt nhớ ra ngày trước Thư có hẹn sau này Thư học sư phạm rồi về lại trường phố huyện dạy dỗ những thế hệ sau.
Biết đâu bây giờ Thư đang gắn bó tâm hồn mình, trái tim mình dưới mái trường này. Thư đang đứng lặng đâu đó, trong phòng học, trên lầu cao… nhìn người muôn năm cũ đứng chơi vơi giữa sân trường, không bạn cũ…
Sân trường vắng tanh. Và bài hát Lặng thầm lại vang lên… Giọng ai ngọt ngào se thắt con tim in như giọng hát của Thư – mối tình đầu của Trung, cô gái của mùa hoa phượng vĩ…