Surrey một ngày tháng Chín. Vẫn con đường từ lộ chính vào đến khu nhà khách sạn lượn cong theo mảnh vườn xanh non mướt mắt hùng dũng mọc lên những cây sồi. Sóc hớn hở nhảy từ gốc cây này sang gốc cây khác và những con chim đen như quạ thản nhiên đáp xuống bãi cỏ.
Cái lạnh se se có lẽ chỉ mùa thu nước Anh mới có ôm choàng lấy cô khi vừa bước ra khỏi cab (ở Anh, taxi gọi là cab). Hành lý chỉ đơn giản một va li cỡ nhỏ với chiếc túi xách. Cô vẫn nhớ ở đây không có bellboy (nhân viên phụ trách hành lý), khách phải tự mình chuyển hành lý lên phòng.
Cô nhấc máy ấn số của Linda:
– Em đến rồi. Chút nữa sẽ đi chơi ở Wisley Garden. Hy vọng nắng lại đầy ắp như lần nào.
Sau khi dặn đi dặn lại cô phải căng mắt lựa cho kỹ thức ăn ở đấy, đừng như lần trước chọn nhầm món rau củ với pho mát “thúi” mà về bệnh hết tuần, Linda mới cúp máy.
Linda vừa nghỉ hưu, là một phụ nữ mà theo cô không “Ăng-lê” cho lắm vì không giữ khoảng cách, thật ra là sự riêng tư cá nhân, mà hay hỏi han, quan tâm đến các học viên trong khóa huấn luyện ngắn ngày.
Và Linda đã không mời lơi cô đến chơi nhà vào ngày cuối cô còn lưu lại sau khóa huấn luyện. Cái khoảng cách cả một thế hệ tuổi tác dường như không phát huy được sức mạnh vốn có của nó.
Cô và Linda hợp nhau đến lạ, từ tình yêu dành cho loài vật cho đến cái tính cách mà bạn bè, đồng nghiệp vẫn gọi là hơi “khác người”. Đã sáu mươi nhưng Linda vẫn để mái tóc tém tua tủa, mái cắt lam nham, và thỉnh thoảng vẫn đeo bông tai hai bên không cùng kiểu.
Không cả thay áo hay tắm dù chỉ qua loa sau chuyến bay dài, cô đứng dậy khóa cửa phòng rồi bước ra ngoài.
- Xem thêm: Một ngày thong thả
Cô thoáng chút phân vân không biết nên chọn đi lối cổng chính các xe cab vẫn đưa đón khách ra vào hay cổng sau, nhiều cây cối hơn trông như một khu rừng nhỏ.
Nhiều lần cô vẫn tự hỏi cái nơi chìm trong tuyết, như nhấn ngụp ngôi nhà gỗ bé xíu xiu trơ trọi của Kate (cảnh trong phim The Holiday) ở đâu, có xa Oatlands Park Hotel này không và tưởng tượng ra cảnh mình là cô nàng Cameron được một lần “ở ẩn” trong cái nơi “quê mùa” ấy. Nghĩ đến đây cô mỉm cười một mình, vẫy một chiếc cab đến Wisley Garden.
Nắng. Cái nắng hiếm hoi giữa mùa thu của cái lạnh không thấy đâu, chỉ biết nó chạy ri ri dưới lần xương sườn đến buốt, như một thứ quà xa xỉ với người dân Surrey.
Khoảng sân trong khu ăn uống của công viên gần như không còn chỗ trống. Người ta chỉ vào trong nhà để chọn đồ ăn, rồi vội vã bê dĩa ra ngoài tranh thủ ngồi hưởng nắng.
Những hộp kem Ben & Jerry’s nho nhỏ lúc này không còn phải nằm co ro trong thùng nữa. Trẻ con lẫn người lớn đều thích thú mút từng muỗng kem trong cái nắng nằm kẹp giữa cái lạnh như miếng bánh sandwich.
Cô thong thả bước, trong đầu là ý định đến khu vườn trồng hoa hồng, những bông hồng thật to, cánh lớn mở tung đầy phóng khoáng, không phải những bông nhỏ xíu nhanh mềm oặt rồi tàn như ở nhà, nhưng mắt không bận tìm hướng đi trên bản đồ.
Không, cô không đang bận. Mất bao nhiêu thời gian để đến được điểm ấy không còn là một điều quan trọng hay khẩn thiết nữa.
Không, cô đã quyết định nghỉ phép hẳn một tuần để quay trở lại Anh, trở lại cái nơi cô đã “phải lòng” từ thời đại học qua những cuốn sách lịch sử, những tác phẩm văn chương vĩ đại về nước Anh, những hình ảnh lâu đài hay những ngôi nhà đen trắng theo lối kiến trúc Tudor.
Cô cũng đã thông báo sẽ không xem, không trả lời email, không điện thoại liên lạc dù thật lòng mà nói, cứ mỗi mười phút tâm trí cô lại bị hút trở về với câu hỏi: “Mọi người đang thay cô xử lý như thế nào những yêu cầu khe khắt của khách hàng?”, “Kế hoạch truyền thông cho sự kiện tung hàng sắp tới cô đã làm xong và để lại, thế nhưng mọi người liệu có thể ứng đáp lưu loát những bắt bẻ đôi khi rất kẻ cả của khách hàng?”.
Cô có một nguyên tắc là không cho phép khách hàng hả hê với vị thế “bề trên”, thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các đồng sự của cô đi ngược lại với nguyên tắc này? Cô sẽ phải nỗ lực đến thế nào để đưa tình thế trở lại như cũ?
- Xem thêm: Nhét nhạc vào tai và đi
Khu vườn hoa hồng. Hoa hồng ở đây là dạng cây lớn ngang tầm người trở lên, lá lớn, hoa cũng lớn với dải màu chủ yếu từ hồng nhạt, nhạt đến độ gần như tan vào sắc trắng mà cô rất thích, cho đến đỏ lợt.
Hoa nhiều lớp cánh hơi bẻ quăn ra ngoài không có vẻ gì là e ấp, nhưng mang nét mộc mạc. Phải chăng người ta vẫn nói “bông hồng nước Anh” là vậy.
Phụ nữ Anh vốn không thuộc nhóm sắc nước hương trời, nhưng có duyên, kiểu như Kate Winslet hay cô Kate Middleton vịt con thành công chúa vậy. Một cảm giác nhồn nhột dưới chân cắt đứt dòng suy nghĩ. Cô nhìn xuống và reo lên thích thú:
– Ôi chó con! Mày làm gì thế?
Con chó, có lẽ là giống Terrier, vẫn mải hít hít, ngửi ngửi chân cô. Rõ ràng nó đã nhận ra ngay cái mùi của đồng loại từ người lạ.
– Dash! Thôi ngay. Lại đây!
Giờ cô mới để ý đến người chủ của Dash. Một người đàn ông đã có tuổi, người tầm thước, tóc không còn dày nữa nhưng trước đây hẳn là hơi xoăn. Ông gắng sức kéo con chó về phía mình:
– Xin lỗi làm phiền cô. Bình thường nó không thế.
Cô vội đáp:
– Không. Không phiền chút nào đâu. Vì tôi cũng nuôi chó. Chắc là Dash ngửi thấy mùi.
Không kéo được Dash, người đàn ông sau cùng đành ẵm con chó lên, toan bước đi nhưng cô đã kịp đánh bạo nói theo:
– Tôi có thể chơi với Dash một chút được không? Nó dễ thương quá.
Người đàn ông thoáng ngạc nhiên nhưng rồi gật đầu lịch sự, thả con chó xuống. Ông trao cho cô sợi dây kéo rồi lui về băng ghế ở góc bên ngồi nghỉ.
Nhưng Dash cũng đã ngửi chán. Nó giật dây chạy về phía chủ khiến cô bị bất ngờ, sợi dây kéo một đường dài cứa vào tay sắc lịm. Máu rỉ ra từ lòng bàn tay.
Cô rút vội tấm khăn giấy ấn vào nhưng người đàn ông nghiêm mặt đề nghị đưa cô đến phòng vệ sinh rửa vết thương. Cô đành nghe theo. Thôi thì lỗi cũng ở cô. Xong xuôi, cô và người đàn ông quay trở lại băng ghế ngồi. Cô quay sang lịch sự:
– Tôi tên Lam.
Người đàn ông đáp lại nhã nhặn:
– Tôi là Ian. (Không hỏi cô từ đâu đến. Ăng-lê có khác!).
Im lặng.
Tự dưng cô muốn nói một điều gì đó. Bất cứ điều gì. Phải, với một người lạ. Từ nhiều năm nay những cuộc trao đổi, “trò chuyện” của cô chỉ diễn ra với đồng nghiệp và khách hàng, chủ đề “câu chuyện” dính chặt với những ý tưởng, kế hoạch đấu thầu dự án và thực hiện dự án.
Đôi lần hiếm hoi gặp được vài ba đứa bạn cũng thưa dần. Chúng nó đứa thì chồng con đủ bận, đứa còn độc thân thì chẳng còn hào hứng gặp khi những lần trò chuyện với cô liên tục bị gián đoạn bởi những cú điện thoại công việc.
Cô thậm chí chẳng còn thời gian để mà hồ nghi cuộc sống của mình đã trở nên “khác người”, cho đến khi Linda báo tin chuyển đến Norfolk ở, bảo rằng cô nhất định sẽ rất thích phong cảnh, cuộc sống ở đây.
– Tôi thấy ngột ngạt quá. Cô buột miệng.
Người đàn ông nhìn cô ái ngại:
– Ở đây sao? Cô có làm sao không? Có thể cô cần đến bệnh viện.
Cô bật cười dù trong đầu đang căng như dây đàn bị siết đến sắp đứt:
– Ồ không. Tôi xin lỗi. Chỉ là tôi nghĩ mình đang bị căng thẳng thôi. Xin lỗi ông.
Người đàn ông tên Ian đã bắt đầu bớt vẻ dửng dưng:
– Cô còn cười là tốt rồi. Tôi hy vọng cô không phải dùng đến Prozac (một loại thuốc an thần).
– Ồ không. May mà ở xứ tôi người ta vẫn chưa phải lệ thuộc vào thứ ấy.
– Tôi có một người quen làm nghiên cứu. Thật tình tôi cũng không rõ ông ta nghiên
cứu gì nhưng sau khi hoàn thành một công trình tâm đắc cả đời ông này lăn ra chết…
Cô trố mắt nhìn Ian.
– À không, cô đừng hiểu lầm, tôi có ý đánh giá lý tưởng ấy. Mỗi người chọn cho mình một ý nghĩa sống. Tôi chỉ nghĩ cô vẫn còn trẻ… À, mà có một chi tiết là công trình nghiên cứu của ông ấy có khá nhiều những mã hóa mà ông ấy đã quên ghi chú lại. Vậy là phải có ai đó chịu khó tiếp bước ông ấy để làm cho công trình nghiên cứu này có giá trị.
Ian cười lớn. Đúng là kiểu khôi hài của người Anh. Nhưng nhờ vậy cô mới dám “nhân dịp” quan sát người đàn ông. Ian có vẻ điềm đạm, đôn hậu của một người đứng tuổi, nhưng ở ông còn toát lên nét gì đó cương nghị. Cô bắt đầu thấy mến ông.
– Vâng, tôi còn trẻ. Nhưng tôi đang không chắc mình thật sự muốn gì. Công việc như một trái bóng còn tôi là con chuột bạch. Giờ tạm ra khỏi trái bóng ấy rồi mà chân tôi như vẫn đang chạy cuống quýt.
- Xem thêm: Tiêu chuẩn cuộc sống
Tự dưng cô muốn khóc mà không khóc được. Một thứ cảm xúc thật lạ cô chưa từng trải qua. Nó khiến cho cô càng thấy mình bất thường.
Liệu một ngày nào đó cô sẽ vừa đi vừa lảm nhảm một mình, hay tệ hơn nữa, lăn ra chết như cái người nghiên cứu kia chăng? Và khi ấy liệu cô có những mã hóa gì đó chưa kịp giải thích?
Có lẽ khuôn mặt cô lúc này đang vặn vẹo trông kỳ quái nên cô thấy Ian thoáng nhíu mày nhìn, nhưng rồi ông mỉm cười thân thiện:
– Hình như tôi làm cô sợ thì phải?
Cô lắc đầu giấu giếm.
– Thế thì chắc cô vừa nhớ lại bữa sáng hôm nay đúng không? Chẳng trách người ta vẫn chê đồ ăn Anh tệ nhất thế giới.
Cô bật cười mà mặt méo mó.
Ian chìa tay về phía cô:
– Thôi, chào cô. Tôi và Dash sẽ đi dạo thêm chút nữa. Nếu sợ cái bữa sáng vĩ đại kiểu Anh thì cô đừng ép mình nhé. Ở đây có nhiều nhà hàng, quán cà phê lắm. Cô có thể chọn mà, đúng không?
Ian cười. Cô đọc thấy trong mắt ông một điều gì đó khiến cô thấy rất nhẹ lòng, không còn cái cảm giác muốn khóc mà không khóc được chỉ mới vừa đấy thôi nữa. Cô nhìn theo Ian với con chó bước đi thong thả.
Dash thỉnh thoảng lại dừng, hít hít ngửi ngửi thứ gì đó dưới đất, còn ông chủ cũng cúi xuống nhìn rồi thì thầm gì đó vào tai nó.
Trong ánh nắng đã dịu màu đi vì cái lạnh, những đóa hồng khẽ rung rinh. Những bông hồng lớn, cánh nở bung đầy phóng khoáng…
Giá sử dụng Internet ở khách sạn đắt như kề lưỡi dao bén vào cổ. Tranh thủ mở hộp thư, thậm chí không buồn liếc qua danh sách thư đến, cô gõ một email mới:
“Chào anh. Tôi gia hạn kỳ phép thêm một tuần nữa. Tôi vừa nghĩ nếu ngày mai tôi ngủ mà không dậy nữa thì thật là đáng sợ. Tôi tin các cộng sự vẫn sẽ làm việc tốt khi không có tôi (nếu anh xem họ như tôi). Hẹn gặp lại anh sau hai tuần. Lam”.