“Ở kỷ nguyên của thế giới số và trí tuệ nhân tạo, các tập đoàn xuất bản chính thống không còn đóng vai trò chủ đạo, vai trò này đã thuộc về Facebook, Google, Amazon, Apple. Các tập đoàn truyền thông xã hội Facebook, Google, Amazon nghiễm nhiên trở thành những nhà xuất bản lớn thế giới. Họ có ưu thế về nguồn vốn, khả năng phát hành mạnh mẽ và đặc biệt nhanh nhạy khi đưa ra các dịch vụ về sách ngày càng hấp dẫn hơn”. Đó là những chia sẻ của bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) trong một buổi làm việc với Hội Xuất bản Việt Nam gần đây.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi kèm với những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Điển hình có thể kể đến hình thức người viết tự xuất bản, tự giới thiệu tác phẩm của mình nhờ sự tiếp sức của Amazon – Kindle. Hiện nay 31% sách điện tử trên thế giới là sách tự xuất bản được Amazon bán trên Kindle, Amazon trả nhuận bút cho tác giả cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với các nhà xuất bản truyền thống. Do đó, vấn đề bản quyền trở thành một thách thức rất lớn giữa tác giả và nhà xuất bản truyền thống.
Theo ông Lê Hoàng, ngày Amazon vào Việt Nam và thực hiện chính sách cạnh tranh như trên với các nhà xuất bản Việt Nam sẽ không xa. Đó sẽ là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất bản Việt Nam. Ngoài ra, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tiếp tục làm thay đổi vai trò của sách điện tử so với sách in trên giấy. Khoảng bốn năm trước đây, sách điện tử ra đời thành xu thế vượt trội rồi lại thất thế, nhưng chắc chắn một thời gian nữa sẽ là sự trở lại của sách điện tử. Người ta đã tính đến sự chuyển đổi để thích ứng với thời đại mới, đó là sự ra đời của dịch vụ “in theo nhu cầu”.
“Ở Việt Nam, do độ trễ của một thị trường xuất bản chậm phát triển hơn nên chưa thấy những thách thức trên diễn ra gay gắt như ở các nước phát triển. Các nhà sách lớn vẫn nườm nượp khách nên doanh nghiệp xuất bản chưa thật sự quan tâm đến những thách thức hoặc có những giải pháp thích ứng nào trong giai đoạn hiện nay” – ông Lê Hoàng nhận xét.
Theo bà Claudia Kaiser, bên cạnh thách thức, cuộc cách mạng 4.0 cũng mang đến cho xuất bản những cơ hội lớn. Đó là thị trường mở rộng với số người biết đọc biết viết tăng cao. Ngoài ra, một trong những xu hướng quan trọng nhất hiện nay chính là việc nhà xuất bản và độc giả tương tác trực tiếp mà không cần qua khâu phân phối trung gian nào. Điều này có được nhờ thành tựu kết nối mọi khoảng cách của công nghệ. Từ đó, thị trường xuất bản giữ được nguồn độc giả tiềm năng, ổn định, bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của họ.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp sách cũng đang cố gắng bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Chẳng hạn Anbooks từ khi mới thành lập vào 2016 đã tìm cách kết nối giữa tác giả và độc giả bằng ứng dụng giải pháp công nghệ Social Books. Social Books (hay còn gọi là sách tương tác thông minh) là giải pháp cho phép cuốn sách có thể giúp độc giả nói – viết – chia sẻ cảm nhận và tương tác với nhiều đối tượng có liên quan đến cuốn sách, đồng thời nhận được nhiều ưu đãi hơn về những nội dung ngoài sách chỉ thông qua một biểu tượng (tem QR code) nhỏ dán trên bìa sách. Nói cách khác, giờ đây, thay vì mua một cuốn sách và chỉ được đọc các thông tin trên sách, thì độc giả có thể nhận được nhiều hơn: kết nối với cộng đồng độc giả đang đọc cùng cuốn sách đó, kết nối với tác giả, nhà sản xuất – đơn vị phát hành, nhận thêm những ưu đãi nội dung và các quà tặng khác từ phía nhà sản xuất và đối tác phân phối.