Kết thúc quý III năm 2018, xuất khẩu may mặc của Việt Nam đạt được nhiều kết quả khả quan giữa bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bước đầu đem lại cơ hội cho toàn ngành. Trong tám tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 23 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2018 có thể đạt 35 tỉ USD.
Khởi sắc ở thị trường khó tính Mỹ và Hàn Quốc
Hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ đạt 9,114 tỉ USD, tăng 11,7%, so với tám tháng đầu năm 2017. Trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam cũng đã xuất khẩu 1,5 tỉ USD hàng dệt may vào thị trường Hàn Quốc, tăng 24,88% so với cùng kỳ năm trước. Tại Hàn Quốc, hiện Trung Quốc và Việt Nam là hai nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất với thị phần chiếm lần lượt là 34,46% và 32,67%. Nếu so sánh với thời điểm ba năm trước, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này đã có sự tăng tốc rất nhanh, với khoảng cách thị phần giữa Trung Quốc và Việt Nam từ mức 40,18% và 29,52% về mức gần như ngang bằng ở thời điểm hiện tại.
Lý giải việc kim ngạch mặt hàng dệt may xuất sang Hàn Quốc tăng mạnh, Bộ Công thương cho rằng chủ yếu do sức cạnh tranh của hàng may mặc Việt Nam tăng lên. Bên cạnh đó là nhờ những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc, với 24 dòng sản phẩm trong nhóm mặt hàng này được hưởng ưu đãi về thuế thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Dự báo từ nay cho đến cuối năm, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2017. Hiện Việt Nam được đánh giá là nhà cung cấp hàng may mặc có lợi thế lớn nhất vào Hàn Quốc và có nhiều khả năng sẽ trở thành nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường này.
Song song đó, sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được ký kết, doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và tích cực chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Kết quả khảo sát của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc cho thấy, số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trong lĩnh vực dệt may tại Trung Quốc hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong 2-3 năm tới. “Không những vậy, 62% số doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc tại Việt Nam đang có mong muốn mở rộng quy mô từ sản xuất hàng may mặc cho đến nguyên phụ liệu như sợi, vải”, ông Lê An Hải – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho biết.
Trong bản phân tích của mình, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ mang đến cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam. Theo các chuyên gia của BVSC, một vài sự chuyển hướng đầu tư của các tập đoàn lớn ra khỏi Trung Quốc có thể diễn ra, tuy quy mô sẽ không quá lớn nhưng cũng mang đến thuận lợi cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đối với mặt hàng dệt may, việc tăng thuế sẽ khiến cho các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng như các công ty nội địa Trung Quốc có động cơ mạnh hơn để chuyển hướng các đơn hàng cũng như hoạt động sản xuất các nhóm hàng này sang các nước khác nhằm tránh thuế.
Trong khi đó, Việt Nam là nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc và sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ở hai khía cạnh: Thứ nhất, đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, từ đó nhân dân tệ cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn. Thứ hai, các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn cũng như thu hút được vốn FDI, từ đó xuất khẩu tăng, nhiều việc làm mới được tạo ra.
Tăng cường sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng
Theo nhận định của Bộ Công thương, năm 2019 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành dệt may trong giai đoạn cần sự bứt phá, chuyển mình để tiến lên một vị thế mới, hội nhập vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam phải chuyển từ sản xuất gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng với mong muốn mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng.
Dự báo trong năm 2019, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động lớn đến ngành dệt may, buộc ngành phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị cũng như nhân sự. Do đó, bài toán đặt ra đối với ngành dệt may hiện nay không còn là số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng và mức tăng trưởng, quan trọng là ngành không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo nhân sự kỹ thuật, thiết kế, đội ngũ quản lý đơn hàng, đội ngũ marketing với trình độ cao hơn.
Nhiều người trong ngành cũng cho rằng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt từ Bangladesh, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Myanmar… các doanh nghiệp dệt may cần theo dõi, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để chiếm lĩnh được cơ hội, đứng vững trong thị trường đầy biến động. Liên quan tới vấn đề nhập khẩu nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, hiện nay ngành dệt may mới chỉ nội địa hóa nguyên phụ liệu được 40% – 45%. Tuy nhiên với tốc độ nội địa hóa tăng nhanh như hiện nay, nhiều khả năng tới năm 2030-2035, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành dệt may sẽ đạt mức 65% – 68%.
Bàn về xu hướng tiêu dùng đối với các sản phẩm dệt may nói chung, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam nói riêng trong năm 2019, TS Trần Văn Quyến, chuyên gia tư vấn Công ty Woolmark cho rằng, xu hướng của người tiêu dùng hiện nay đối với các sản phẩm dệt may, nguồn gốc sản phẩm dệt may đã có nhiều thay đổi, cụ thể là yêu cầu về chứng nhận xuất xứ hàng hóa, sản phẩm phải đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường cũng như các yếu tố liên quan đến dư lượng hóa chất.