Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu từ thị trường nội địa đối với ngành dệt may Việt Nam sáu tháng đầu năm đã giảm khoảng hơn 7%. Trong khi mức tiêu dùng hàng dệt may của người dân Việt Nam vẫn tăng, chứng tỏ hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi và chiếm lĩnh thị trường.
Dọc theo đường Phạm Ngũ Lão, Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh dài chưa đầy 1km là hàng chục cửa hàng bán quần áo mà theo lời người bán thì đa số đây là hàng Việt Nam xuất khẩu (VNXK). Loại trang phục này có giá phù hợp với người có thu nhập bình dân, màu sắc, mẫu mã bắt mắt. Người bán khẳng định đây là sản phẩm dư ra trong những lô hàng được công ty trong nước gia công theo đơn đặt hàng của các hãng thời trang quốc tế lớn như Zara, Mango… Tuy nhiên trong một buổi họp báo gần đây của VITAS, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS khẳng định: “Quần áo được giới thiệu là hàng Việt Nam xuất dư toàn là hàng giả. Tôi đã thấy nhiều quần áo sản xuất ở Quảng Đông, Trung Quốc có ghi dòng chữ Made in Vietnam”.
Theo chị Trần Hồng Châu, chủ một cửa hàng quần áo ở đường Đặng Văn Bi, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh thì từ khi có cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, quần áo mác Trung Quốc không còn được ưa chuộng như trước. Thay vào đó, hàng dư ra từ những lô xuất khẩu được mua nhiều hơn. Tuy nhiên, số lượng loại hàng này rất ít. Phổ biến nhất ở thị trường Việt Nam hiện nay là hàng nhái may gia công trong nước bằng nguyên liệu giá rẻ nhập từ Trung Quốc, được gắn mác Made in Vietnam. Ngoài ra, thời gian qua cũng có tình trạng các công ty phân phối bán lẻ lại nhập hàng giả từ Trung Quốc về, sau đó gắn nhãn sản xuất ở Việt Nam để bán trên thị trường.
Không chỉ những mẫu thời trang quốc tế, mẫu mã của các công ty may mặc có tiếng trong nước cũng bị làm giả rất nhiều. Nhận xét về tình trạng này, tổng giám đốc một công ty may mặc lớn cho rằng người tiêu dùng đang bị lừa, trong khi khâu thị trường lại không quản lý được. Ở miền Bắc, nhiều làng vải đầu mối đang dần bị coi là trung tâm sản xuất hoặc phân phối hàng thời trang nhái như làng Đáp Cầu (Bắc Ninh), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), làng Ninh Hiệp (Hà Nội).
Trong một hội thảo cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Công thương cho biết, năm 2015 đã phát hiện hơn 25.100 vi phạm hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan nên việc xử lý hầu như chưa có tác dụng răn đe. Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cho biết “Có khi chúng tôi bắt được 7 vụ vi phạm hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng chỉ khởi tố được một vụ còn lại 6 vụ các Bộ, ngành xử lý hành chính”.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, ngoài các biện pháp mạnh tay hơn nữa với tội phạm hàng giả thì việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Sử dụng hàng nhái có nguyên liệu không rõ xuất xứ không những ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần giết chết các doanh nghiệp chân chính. Về phía Nhà nước, cần có các chính sách để quy hoạch, khuyến khích hỗ trợ ngành dệt, nhuộm nhằm phát triển nguồn nguyên liệu. Bởi ngành dệt nhuộm trong nước hiện chỉ mới đáp ứng được hơn 10% nhu cầu may mặc của người dân.
Cẩm Tú (DNSGCT)