Chủ doanh nghiệp phải học, quản đốc phải học, công nhân cũng phải học nếu muốn doanh nghiệp ngành gỗ tăng trưởng xuất khẩu. Doanh nghiệp đã tự bảo nhau như thế. Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã tìm đến những chương trình đào tạo thiết thực thay vì cứ mãi than thở về điểm yếu cạnh tranh của mình so với doanh nghiệp các nước là trình độ nhân lực.
Thua vì tay nghề kém
Ông Trần Quốc Mạnh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) chia sẻ, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, xuất khẩu trên 120 quốc gia, đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á, thứ 1 Đông Nam Á, kim ngạch năm 2014 đạt 6,23 tỉ USD, tăng 11,5% so với 2013, dự báo đạt 7 tỉ USD trong năm 2015. Xuất khẩu tăng là vậy, nhưng đáng buồn là doanh nghiệp lại than lợi nhuận thấp, lương công nhân thấp. Thì ra, trên thế giới nhu cầu đặt hàng đồ gỗ vẫn cao, nhưng do ngày càng có nhiều nguồn cung cấp từ nhiều nước, nên giá đặt hàng không tăng, thậm chí người đặt hàng còn ép giảm giá. Doanh nghiệp đã soát xét lại tất cả chi phí sản xuất có thể tiết kiệm được, nhưng lao động thật là bài toán khó.
Với kinh nghiệm của một người lâu năm trong ngành gỗ xuất khẩu, ông Mạnh nhìn nhận nghề mộc làm hàng xuất khẩu không giống như nghề mộc bình thường của các cơ sở mộc dân dụng. Tuyển được người biết nghề mộc dân dụng đã là rất mừng, nhưng lực lượng này vốn đã hiếm. Bởi thế, tình trạng năng suất lao động kém, làm hàng bị lỗi vẫn diễn ra cả trong doanh nghiệp quy mô lớn đã có quy trình sản xuất bài bản. Doanh nghiệp nhiều đơn hàng, khó lòng giảm công lao động vì không muốn biến động lao động trong tình hình ngành gỗ rất khó tuyển dụng người biết nghề. Thực trạng doanh nghiệp phải tuyển dụng công nhân không nghề để đào tạo đang phổ biến.
Bà Ngô Thị Quỳnh Tiên, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển sản xuất Chấn Hưng cho biết có đến 80% công nhân công ty tuyển dụng không biết gì về nghề mộc. Công ty phải trông vào các tổ trưởng, tổ phó biết nghề đào tạo cho công nhân nhưng họ làm nghề thì giỏi, còn truyền đạt cho người khác vẫn chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, nhu cầu bức thiết của công ty là tìm một nơi dạy nghề mộc phù hợp với sản xuất hàng xuất khẩu và dạy luôn cả cho đội ngũ tổ trưởng biết cách quản lý sản xuất.
Nhu cầu bức thiết dồn dập từ doanh nghiệp đã khiến HAWA đặt trọng tâm công tác đào tạo cho các doanh nghiệp hội viên. Bởi thế, khác với những năm trước, đầu năm doanh nghiệp thường trao đổi về dự báo thị trường, kim ngạch, xu hướng tiêu dùng đồ gỗ thế giới; câu chuyện đầu tiên của năm nay, tại Hội chợ VIFA Expo 2015 (do Sở Công thương TP.HCM phối hợp với HAWA tổ chức từ 11 đến 14-3 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn), doanh nghiệp muốn nói về chuyện “đi học”.
Hỗ trợ thiết thực
Không có những bài thuyết trình rất lý thuyết như thường thấy ở nhiều hội thảo chủ đề tương tự khiến người nghe mệt mỏi mà không biết mình được gì sau hàng giờ ngồi nghe, hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ” mà HAWA tổ chức ngay ngày đầu Hội chợ Vifa Expo đã xoáy câu chuyện ngay vào việc đi học như thế nào cho hiệu quả, học ở đâu, tốn bao nhiêu, khi nào học…, đúng vào mong đợi của doanh nghiệp.
Ông Võ Kim Thông, phụ trách đào tạo của dự án Nâng cao nghề mộc (do Công ty Hafële Việt Nam và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức – GIZ thực hiện) đốc thúc doanh nghiệp đến với chương trình đào tạo miễn phí đến hết năm 2015 để giúp doanh nghiệp có đội ngũ vào nghề mộc nhanh nhất. Người học có thể học tại hai trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM hay được đào tạo tại doanh nghiệp theo yêu cầu. Hafële sẵn sàng cung cấp chương trình đào tạo, chia sẻ tài liệu cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng được những giảng viên chính là những người đang làm nghề (tổ trưởng sản xuất) để họ dạy lại cho công nhân.
Dự án Nâng cao nghề mộc đã được triển khai trong năm 2014 cho 68 doanh nghiệp ở 11 tỉnh, thành, ba trường đại học, cao đẳng với 230 học viên học tại trung tâm và 471 học viên học tại doanh nghiệp. Ông Thông nhận thấy, những người học ra nghề đã biết cách bóc tách và chuẩn bị vật liệu một đơn hàng cơ bản, biết tính trị giá nguyên liệu và công lao động, biết sắp xếp xưởng để làm việc hiệu quả.
Dự án Phát triển doanh nghiệp bền vững (Score) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xúc tiến các chương trình đào tạo nâng cao hiệu suất nhà máy, đã đào tạo cho trên 14.000 người ở các cấp khác nhau của 59 doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM.
Nhiều thắc mắc sao Score đưa việc doanh nghiệp tổ chức được các cuộc họp hằng ngày giữa cán bộ quản lý và công nhân vào đánh giá thành công của đào tạo. Ông Phùng Đức Hoàng, chuyên viên văn phòng dự án Score cho biết đây là nội dung mà người phụ trách dự án đã phải thường xuyên tranh luận với doanh nghiệp nhiều nhất, vì đa số doanh nghiệp không làm việc này, cho rằng tốn thời gian, không cần thiết. Chương trình đào tạo đã hướng dẫn họp thế nào trong 10 phút mà đạt được kết quả mong muốn.
Thực tế áp dụng đã minh chứng, mỗi ngày họp không được hơn 10 phút, nhưng đã đảm bảo sự trao đổi thông tin phối hợp hiệu quả cho công việc trong ngày. Kết quả của việc áp dụng này: 52% công ty cho biết họ giảm tỷ lệ biến động lao động, 48% công ty giảm được tỷ lệ vắng mặt của công nhân, 33% giảm được tỷ lệ lỗi sản phẩm. Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Hiệp Long (Bình Dương) cho biết công ty tăng năng suất 15 – 20%, giảm thời gian tăng ca 30%, quan trọng là thái độ làm việc của mọi người thay đổi hẳn. Ông Nguyễn Công Trấn, Phó giám đốc Công ty CP Phú Tài – chi nhánh Đồng Nai cũng thấy hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị tăng 15%.
Hiệp hội ngành chủ động hơn
Trước sự chủ động của HAWA đi tìm các nguồn đào tạo miễn phí hoặc với chi phí thấp giúp doanh nghiệp, Trung tâm WTO – đơn vị được UBND TP.HCM giao thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp – cho rằng kinh phí nhà nước cũng phải được sử dụng thực tế hơn. Không thể làm theo cách cũ là đơn vị quản lý nhà nước đứng ra tổ chức đào tạo, được tiếng là chuẩn bị nhân lực có kỹ năng cho doanh nghiệp nhưng không bám sát được nhu cầu thực của doanh nghiệp, nên những vị trí trong doanh nghiệp thiếu thì không có nhân sự đúng trình độ, kỹ năng cung ứng.
Trước sự tích cực và có trách nhiệm của HAWA đối với doanh nghiệp, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO đã mạnh dạn đề xuất UBND TP.HCM cho thí điểm thực hiện với HAWA mô hình chuyển giao từ nhà nước cho hiệp hội ngành nghề chương trình hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp theo nguyên tắc xã hội hóa “nhà nước và doanh nghiệp cùng làm”. Sau khi chuẩn bị, khảo sát, xây dựng chương trình do ngân sách tài trợ, phần triển khai các lớp đào tạo theo nhu cầu thì nhà nước chịu 50% chi phí cho doanh nghiệp.
Ba đơn vị HAWA, Hafële, Score đã ký kết hợp tác để đi đến việc tích hợp ba dự án đào tạo, các lợi ích hỗ trợ thành từng nhóm chương trình cho doanh nghiệp chọn sao cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất nâng cao trình độ nhân lực góp phần cải thiện sản xuất từ năm 2015.
Ông Phạm Bình An hy vọng mô hình thí điểm này thực hiện thành công và sẽ có những hội ngành nghề khác đóng vai trò chủ động và làm việc có trách nhiệm để có thể tiếp nhận một chương trình hỗ trợ tương tự.