Tiếp nối tốc độ tăng trưởng ấn tượng của 2017, nhiều tín hiệu trong ba tháng đầu năm 2018 cho thấy ngành gỗ nội thất Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn nhiều hứa hẹn. Bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng đang nỗ lực phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, đầu tư mạnh vào công nghệ và khâu thiết kế để tối đa hóa giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ.
Tìm chỗ đứng ở phân khúc cao cấp
Năm 2017 Việt Nam đạt mức tăng trưởng 11,4% trong xuất khẩu gỗ nội thất, trở thành nước sản xuất gỗ nội thất đứng hạng 8 trên thế giới. Tuy nhiên theo nhiều người trong ngành, con số tăng trưởng chưa đáng phấn khởi bằng những dấu ấn trong việc mở rộng phân khúc cao cấp và trong chinh phục thị trường nội địa.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường đồ gỗ nội thất cao cấp trong nước trị giá khoảng 2,5 tỉ USD với 80% nhập từ châu Âu và 20% sản xuất nội địa. Lâu nay, các doanh nghiệp gỗ Việt luôn muốn tăng thị phần trong nước nhưng bị hạn chế bởi kênh phân phối và chi phí mặt bằng. Khó khăn khác nữa là số lượng đặt hàng từ nhà bán lẻ nội địa thường không đủ để đưa vào sản xuất hàng loạt, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa hiệu quả…
Chính vì vậy, một số doanh nghiệp gỗ nội thất Việt Nam khi muốn tiến vào phân khúc cao cấp thường chọn cách nhận thầu các resort, khách sạn bốn, năm sao. Năm 2016, Công ty Sản xuất đồ nội thất Bình Phú đã giành được hợp đồng cung cấp đồ gỗ cho khách sạn sáu sao Park Hyatt tại Bangkok (Thái Lan). Trước khi chinh phục được các thị trường khó tính như Âu, Mỹ, Trung Đông… Công ty gỗ HAAN Corporation (Long An) cũng thành công trong việc cung cấp đồ nội thất cho hàng loạt chuỗi resort, khách sạn sang trọng nhất ở Việt Nam.
Bên cạnh chuyên môn, kỹ thuật, thẩm mỹ, ngành gỗ nội thất cao cấp ngày càng đòi hỏi cao về công nghệ chuẩn xác, chất lượng nguyên vật liệu cũng như khả năng nắm bắt xu hướng thiết kế mới. Do đó các doanh nghiệp phải liên tục đầu tư, đổi mới và cập nhật. Một điểm yếu lớn của ngành gỗ nước ta là thiếu định hướng dài hơi trong đào tạo thiết kế. Trong 7 tỉ USD xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam, tỷ lệ sản phẩm do chính các nhà thiết kế trong nước thiết kế chiếm chưa đến 20%. Đây chính là nút thắt mà nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chú ý và chủ động giải quyết bằng cách đầu tư bài bản cho khâu thiết kế. Chẳng hạn như HAAN Corporation hằng tháng đều mời giảng viên từ trường ĐH Nguyễn Tất Thành đến nhà máy giảng dạy cho một số công nhân được tuyển chọn.
Hình thành “Siêu thị đầu mối” cho thị trường nội địa
Trong suốt 11 tuần lễ từ 1-12-2017 đến 15-2-2018, các gian hàng tại Hội chợ Đồ gỗ cuối năm tại phường Tân Biên, TP. Biên Hòa do Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) tổ chức luôn kín doanh nghiệp tham gia. Là đơn vị cung cấp gỗ nhập cho các doanh nghiệp trên địa bàn, Tavico từ kinh nghiệm tổ chức Siêu thị gỗ Tây đã tiến đến tổ chức mô hình showroom trưng bày kết hợp chợ đầu mối đồ gỗ đầu tiên tại Việt Nam. Theo người khởi xướng – ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Tavico thì hội chợ này nhằm để các doanh nghiệp sản xuất gỗ khai thác thị trường nội địa thông qua giới thiệu sản phẩm và bán sỉ cùng lúc cho nhiều nhà bán lẻ.
“Đối tượng mà Tavico hướng đến là những doanh nghiệp muốn vừa xuất khẩu vừa phục vụ trong nước. Điều quan trọng hơn, nơi đây ngoài vai trò của một chợ đầu mối gỗ còn có thể tạo cho người tiêu dùng nhiều lợi ích qua lựa chọn, mua hàng dễ dàng hơn. Ở Việt Nam có nhiều làng nghề gỗ nhưng xu hướng là sản xuất hàng giá rẻ và chất lượng thả nổi. Chợ đầu mối gỗ sẽ là nơi đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau. Ví von một chút, ngày xưa chúng ta mua sắm chủ yếu ở chợ xổm, bây giờ chuyển sang siêu thị, vẫn những mặt hàng đó nhưng chủng loại phong phú hơn, nhiều lựa chọn hơn và được kiểm chứng chất lượng”, ông Quang Hà chia sẻ.
Tổng giám đốc Tavico cho biết thêm: Mô hình chợ đầu mối đồ nội thất này đã phổ biến từ lâu ở nhiều nước và đóng vai trò quy tụ các doanh nghiệp lại với nhau, làm cho thị trường trở nên lành mạnh do việc chia sẻ thông tin sản xuất rộng rãi hơn. Dưới áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp phải nỗ lực sáng tạo để tăng chất lượng, giảm giá thành. Điều đó lý giải tại sao đa số các chợ đầu mối luôn là nơi cung cấp nhiều sản phẩm sáng tạo nhất hoặc giá tốt nhất. Với giá thuê 3,6 triệu đồng/tháng cho một gian hàng 120m2, chợ đầu mối ở Biên Hòa đã đáp ứng đúng nhu cầu về mặt bằng của nhiều doanh nghiệp nhỏ. Người tiêu dùng được lợi vì có nhiều lựa chọn, hàng hóa bảo đảm ổn định về giá cả và chất lượng. Các nhà phân phối cũng dễ dàng lựa chọn được điểm đến để xuất hàng.
Một điều mà những người tổ chức hội chợ đồ gỗ ở Biên Hòa cảm thấy tiếc là hội chợ chưa thể trở thành nơi trao đổi ý tưởng thiết kế như hội chợ ở các nước phát triển. Các đơn vị thiết kế tại Việt Nam đa phần quy mô nhỏ, người sáng tạo chính cũng là người làm chủ. Các công ty lớn về thiết kế lại chú tâm nhiều vào làm hàng đấu thầu, hàng đặt hơn là làm hàng tự thiết kế và làm ra sản phẩm để bán trực tiếp. Mâu thuẫn giữa thực tế xuất khẩu – những đơn hàng đồng bộ với thực tế kinh doanh nội địa – những nhu cầu cá biệt khiến nhiều doanh nghiệp khó tổ chức bộ máy sản xuất.
Nhiều nhà thiết kế cũng gặp khó trong việc tìm đối tác uy tín để gia công những công trình đơn lẻ. Thực tế trên dẫn đến tình trạng mỗi nhà thiết kế thường phải tự tổ chức một xưởng sản xuất. Điều này vừa thiếu chuyên nghiệp, vừa lãng phí. Ngoài ra, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng tạo mẫu mã ở Việt Nam chưa tốt. Điều này khiến nhiều nhà sản xuất lẫn nhà thiết kế dù rất quan tâm nhưng vẫn còn nhiều e ngại với mô hình chợ trao đổi ý tưởng.
Một số người trong ngành gỗ chia sẻ rằng dù tốc độ tăng trưởng cao đến mấy, ngành gỗ Việt Nam chỉ thật sự lớn khi có một cộng đồng doanh nghiệp trong nước đủ mạnh. Chừng nào các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với nhau nhằm tạo ra một chuỗi giá trị mới, chừng nào người làm gỗ từ bỏ tư duy sản xuất nhỏ để thích nghi với sân chơi lớn hơn thì ngành gỗ Việt Nam mới cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại.