Hơn hai năm kể từ ngày Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng việc tận dụng VKFTA nhằm thúc đẩy xuất khẩu vẫn gặp nhiều hạn chế.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết: Giá trị xuất khẩu và tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ VKFTA hiện nghiêng về các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Nguyên nhân là các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc có lợi thế hiểu rõ các tiêu chuẩn, đặc trưng riêng về đồ gỗ ở thị trường quê nhà. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu của người dân Hàn Quốc, đồng thời phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa theo quy định của FTA để được hưởng ưu đãi.
Theo nhiều chuyên gia, để tận dụng Hiệp định VKFTA chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể hóa một số cơ hội khá bài bản trong khi phía Việt Nam còn khá bị động. Việc tiếp cận thông tin cũng như phương pháp vận dụng ưu đãi từ Hiệp định VKFTA của doanh nghiệp Việt còn nhiều lúng túng. Xung quanh câu chuyện tận dụng ưu đãi từ Hiệp định VKFTA, ông Choi Dae Kyoo, chuyên gia dịch vụ hải quan và thuế (Trung tâm Hỗ trợ FTA Hàn Quốc – Việt Nam) phân tích: Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định VKFTA là sự thiếu hiểu biết về phương pháp quản lý xuất xứ, phân loại danh mục trong nguồn nguyên liệu cũng những hạn chế trong việc xây dựng các chế độ công nhận lẫn nhau về chứng nhận xuất xứ.
Theo ông Choi Dae Kyoo, các doanh nghiệp nên nâng cao kiến thức của đội ngũ nhân viên, đặc biệt là bộ phận nghiên cứu và phát triển kinh doanh trong tiếp cận với các cơ sở dữ liệu về FTA. Từ đó mới có thể đưa ra biện pháp ứng phó với những thay đổi cho kịp thời, phù hợp, giúp tận dụng tốt FTA. Ngoài ra các hiệp hội cũng nên thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp có kinh nghiệm với các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm tận dụng FTA.
Tương tự VKFTA, đã gần chín năm trôi qua kể từ khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực, song những năm gần đây, cán cân thương mại giữa Việt Nam – Nhật Bản lại liên tục đi theo hướng nhập siêu từ Nhật Bản. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: FTA Việt Nam – Nhật Bản giúp tăng trưởng xuất khẩu gỗ Việt sang Nhật Bản đạt khoảng 10 – 12%/năm. Tuy nhiên, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu gồm các sản phẩm chưa hoàn chỉnh như các loại ván nhân tạo, viên nén nhiên liệu, dăm. Trong khi đó, dù nhu cầu đồ mộc tại thị trường Nhật Bản rất lớn song lượng xuất khẩu của Việt Nam còn khá ít. Hiện nay, khâu nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt tại Nhật chưa tốt.
Trên thực tế, dù doanh nghiệp có quan tâm đến thị trường Nhật Bản, muốn tận dụng cơ hội từ FTA thì việc tiếp cận thông tin cũng như giao thương, kết nối trực tiếp với đối tác Nhật Bản cũng không phải chuyện dễ dàng. Các doanh nghiệp đề nghị thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước nên có sự quan tâm hơn nữa trong xúc tiến xuất khẩu, tăng cường cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp trong ngành gỗ Việt với phía Nhật Bản.