Yếu tố được kỳ vọng lớn nhất lúc này là việc thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong tâm lý tích cực chờ đợi được nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi.
Biến động nửa sau bảng xếp hạng
Tuần vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã công bố danh sách thị phần giá trị giao dịch môi giới quý III-2018. Theo danh sách này, 10 công ty chứng khoán (CTCK) đứng đầu thị trường nắm giữ 67,3% thị phần môi giới chứng khoán của HoSE, tuy vẫn giữ tỷ lệ cao song con số này đã giảm so với mức 73,4% thị phần của quý trước đó. Ba vị trí dẫn đầu tiếp tục giữ nguyên là các CTCK: SSI, HSC và Bản Việt (VCSC). SSI ghi nhận quý đứng đầu thị phần môi giới thứ 19 liên tiếp với 15,8% và giữ khoảng cách hơn 4% so với HSC. Trong khi đó, thị phần môi giới của VCSC trong quý III chỉ còn gần 8,9%, rời khỏi nhóm thị phần hai chữ số và chỉ cách công ty đứng liền sau hơn 1% thị phần. Nhóm dưới của bảng xếp hạng cũng ghi nhận nhiều biến động. Thị phần môi giới của VNDirect tăng 0,8% trong khi đứng vị trí thứ năm là MBS giảm tương ứng. CTCK BIDV (BSC) cũng là một bất ngờ khi trở lại Top 10 công ty dẫn đầu, thế chỗ Mirae Asset bị đánh bật khỏi bảng xếp hạng.
Dự báo kết quả kinh doanh khả quan nhưng phân hóa
Theo thống kê, thanh khoản thị trường đã giảm 19% trong quý III, chỉ đạt 3.530 tỉ đồng so với mức trung bình 4.360 tỉ đồng trong quý trước đó. Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm sút, từ chỗ chiếm 21,5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong quý II xuống còn 16,5% trong quý III. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng phần nào đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán phụ thuộc nhiều vào mảng môi giới, đặc biệt là nhóm khách hàng tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, sự phân hóa cũng sẽ diễn ra khi có khá nhiều công ty dù có thể bị sụt giảm doanh thu ở mảng môi giới nhưng bù lại sẽ được hưởng lợi từ mảng đầu tư tự doanh và tư vấn khi chỉ số VN-Index hồi phục trở lại trong quý III.
Cụ thể, CTCK MB (MBS) cho biết, trong quý III-2018, mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đã hoàn thành nhiều giao dịch có doanh thu và lợi nhuận cao đáng kể so với hai quý đầu năm, trong khi mảng môi giới dịch vụ chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng trưởng 10%. CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng cho biết, do không còn nhiều áp lực về trích lập dự phòng, SHS có thể đạt kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý III-2018 và khả năng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 480 tỉ đồng của năm 2018 là rất cao. Thông tin từ CTCK VPBank (VPBS) cũng cho thấy, doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán và cho vay ký quỹ trong quý III-2018 đều tăng mạnh, giúp VPBS có thể về đích trước thời hạn. Riêng sáu tháng đầu năm 2018, doanh thu và lãi sau thuế của VPBS đạt lần lượt 791 tỉ đồng và 251 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu VPBS giảm 15% nhưng lãi sau thuế tăng tới 192%.
Thực tế, nguồn thu của các CTCK chủ yếu đến từ bốn mảng hoạt động chính, đó là môi giới, kinh doanh vốn (margin), tự doanh và tư vấn tài chính. Trong đó, tùy vào định hướng hoạt động mà mỗi CTCK sẽ chú trọng đến các nghiệp vụ riêng và mảng này sẽ hỗ trợ mảng kia tùy vào từng thời điểm. Theo thống kê của FinnPro, hoạt động tự doanh của khối CTCK đang chiếm trên 2,5% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Một số CTCK có hoạt động tự doanh lớn như HSC, VCSC, VNDirect (VND), SHS… cho biết, nguồn thu từ hoạt động tự doanh trong quý III-2018 tăng bình quân khoảng 15% so với quý II. Mặt khác, hiện nay khoản đầu tư tự doanh đã được đánh giá lại theo giá trị hợp lý và việc hạch toán các khoản đầu tư được chia thành hai loại: Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Với cách hạch toán này, nếu các khoản chênh lệch giảm trên 20% thì buộc các CTCK phải hạch toán trích lập dự phòng, nhưng nếu có lãi thì khoản này sẽ không thể hiện trên báo cáo tài chính. Đây được ví như “của để dành” của các CTCK.
Yếu tố được kỳ vọng lớn nhất lúc này là việc thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong tâm lý tích cực chờ đợi được nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi. Nhân tố này có thể sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư mang tính đón đầu, cả trong nước lẫn quốc tế, qua đó góp phần giúp hoạt động của các CTCK duy trì được đà tích cực trong thời gian tới.