Theo lộ trình AFTA, 90% lượng hàng hóa trong biểu thuế nhập khẩu có nguồn gốc từ khối ASEAN vào Việt Nam có thuế nhập khẩu là 0%. Số còn lại sẽ được hạ xuống 0% vào năm 2018 như ô tô, xe máy, dầu thực vật, thức ăn gia súc… Nhiều ngành nghề kinh tế trong nướcgặp phải khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với các thị trường láng giềng như Thái Lan, Malaysia – vốn nổi tiếng về sản xuất hàng giá rẻ, chất lượng tốt. Và một trong những ngành chịu sức ép lớn nhất từ AFTA là mía đường, khi năng lực cạnh tranh toàn ngành nhìn chung còn yếu so với các nước trong khu vực. Liệu khi “giờ G” điểm chuông thì các doanh nghiệp trong ngành có thể “lật ngược thế cờ” hay không là vấn đề nhiều người quan tâm.
Thách thức từ giá bán cạnh tranh
Thế cờ mà các doanh nghiệp mía đường trong nước đang phải đối mặt là giá thành sản xuất cao so với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan. Theo đó, giá thành sản xuất của Việt Nam cao hơn Thái Lan khoảng 40%-50%. Do vậy, ngay cả khi Việt Nam đang áp thuế nhập khẩu 5% thì lượng hàng nhập khẩu từ Thái Lan vẫn có giá bán thấp hơn.
Có một số nguyên nhân gây nên tình trạng này chủ yếu liên quan đến cây giống, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch, công nghệ còn lạc hậu hay chính sách đất đai chưa phù hợp. Việc khan hiếm những “cánh đồng mẫu lớn” do chính sách hạn điền khiến cho việc trồng mía vẫn khó áp dụng cơ giới hoá… Bên cạnh đó, cây giống của Việt Nam cũng chưa đạt chất lượng cao, còn nhiều sâu bệnh, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu…
Trong khi đó, Thái Lan lại quy hoạch được nhiều vùng nguyên liệu lớn và tập trung vào đầu tư và nghiên cứu giống. Chẳng hạn, Tập đoàn mía đường hàng đầu Thái Lan là Mitr Phol chi khoảng 18 triệu USD/năm cho công tác nghiên cứu và lai tạo giống mới.
Đồng thời, một trong các thách thức nữa là tình trạng buôn lậu đường. Cụ thể, hiện nay Việt Nam đang áp dụng chính sách hạn ngạch nên lượng đường chính ngạch vào Việt Nam mỗi năm chỉ hơn 80.000 tấn. Tuy nhiên, lượng đường nhập lậu qua biên giới lại khá lớn, chủ yếu là biên giới Tây Nam, được ước tính đến khoảng 20-30% lượng tiêu thụ trong nước. Lượng hàng này lại không chịu các loại thuế nên giá bán còn thấp hơn cả lượng nhập chính ngạch, khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước lao đao vì hàng tồn kho giá cao, không cạnh tranh được với hàng nhập lậu.
Như vậy, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp mía đường trong nước là chưa thể cạnh tranh về giá, chưa nói đến chất lượng, khi sản phẩm từ AFTA đổ vào Việt Nam.
Giải pháp nào để thích ứng với AFTA?
Nói vậy không có nghĩa là ngành đường trong nước đã đi đến ngõ cụt. Bởi vì, đây là mặt hàng được đưa vào diện bảo hộ đặc biệt và nằm trong nhóm chậm thay đổi thuế nhập khẩu cũng như hàng rào phi thuế quan khác. Theo đó, quy định gia nhập AFTA trước đây dự kiến Việt Nam sẽ hạ thuế nhập khẩu đường về 0% từ năm 2015, nhưng đến nay Việt Nam lại được phép điều chỉnh vẫn giữ thuế suất 5% đến năm 2018. Tức là sau năm 2018 mới đến giai đoạn hạ thuế suất xuống 0%.
Chưa kể, theo Hiệp định ATIGA (trước đây là CEPT) khi gia nhập AFTA, các nước vẫn có quyền bảo hộ bằng hàng rào phi thuế quan trong 5 năm kể từ khi thuế suất thuế nhập khẩu được hạ xuống 0%. Như vậy, ngành đường vẫn có cơ hội cải thiện tình hình nếu có những giải pháp thực sự mạnh.
Một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp mía đường Thái Lan từng thực hiện thành công là tái cấu trúc doanh nghiệp. Chẳng hạn, Tập đoàn Mitr Phol nói trên là Tập đoàn đã lớn mạnh nhờ việc sát nhập hàng loạt công ty mía đường nhỏ lại với nhau và tiến hành tái cấu trúc để loại bỏ điểm yếu và phát huy những điểm mạnh của các bên. Hàng năm chỉ riêng Mitr-Phol đã sản xuất 2,5 triệu tấn đường, gấp đôi sản lượng của cả Việt Nam, chiếm 5% sản lượng đường của khu vực ASEAN. Năm 1985, từ một nước nhập khẩu đường, sau quá trỉnh sáp nhập, tái cấu trúc, Thái Lan đã chuyển mình thành nước xuất khẩu đường thứ Hai thế giới, hàng năm xuất hơn 10 triệu tấn đường.
Các doanh nghiệp đường Việt Nam muốn phát triển chỉ có một cách như Thái Lan, một bó đũa sẽ mạnh hơn từng cây đũa. Nhưng ở Việt Nam, cơ chế và tư duy khiến các nhà máy có muốn sáp nhập cũng không dễ. Rất nhiều công ty muốn sáp nhập nhưng gặp muôn vàn rào cản. Trước hết các doanh nghiệp phải từ bỏ tâm lý sở hữu riêng. Và rất cần một cái nhìn khách quan rằng việc sáp nhập không phải là thâu tóm. Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực sự làm tốt, đầu tư có chiều sâu vào khoa học, đặc biệt là khoa học nông nghiệp. Công ty Mía đường Lam Sơn đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, và chuyển 10% lợi nhuận trước thuế vào Quỹ Khoa học công nghệ. Niên vụ 2014-2015, năng suất canh tác mía của Lam Sơn đạt 72 tấn/ha, tăng 10 tấn/ha so với niên vụ trước, và cao hơn năng suất trung bình toàn ngành là 65 tấn/ha. Ngành đường rất cần các doanh nghiệp như vậy.
Đã đến lúc các DN mía đường cần đầu tư kinh phí để thiết lập các chương trình nghiên cứu cây mía Việt Nam từ các viện, trường đại học sẵn có tại các vùng sinh thái, đồng thời cần cải tiến công tác đào tạo cán bộ cho ngành mía đường. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp mía đường còn thay đổi nhân lực chủ chốt giàu kinh nghiệm để mang lại hiệu quả cao nhất cho việc tái cấu trúc.
Ngoài ra, tin vui cho doanh nghiệp mía đường là họ không “độc hành” mà vẫn có sự đồng hành từ phía nhà nước. Rào cản gia nhập ngành được dựng lên với việc quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 không cho xây dựng thêm nhà máy mới. Nghị định 60/2012/NĐ-CP giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% đối với các nhà máy có trên 300 lao động thường xuyên trong năm. Đáng chú ý là chính sách hạn ngạch được áp dụng triệt để. Đối với lượng hàng trong hạn ngạch, thuế nhập khẩu là 5%, còn đối với hàng ngoài hạn ngạch, mức thuế suất lên đến 80% đối với đường thô và 85% đối với đường tinh.
Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng rất quan tâm đến ngành mía đường. Vì đây là an ninh lương thực. Đến năm 2025, dân số châu Á tăng 25%, nhu cầu đường cũng tăng tương ứng. Nếu Việt Nam không còn bất kỳ nhà máy đường nào, thì Việt Nam cần ít nhất 2 tỷ USD hàng năm chỉ để nhập khẩu toàn bộ đường, mà cũng không có đường để mà nhập, vì diện tích trồng mía toàn thế giới chỉ có giới hạn.
Tóm lại, có thể nói, các doanh nghiệp đường trong nước vẫn rất đang rất chủ động và nỗ lực để thích nghi và vượt khó, việc “đón gió” AFTA tưởng chừng như là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển mình để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trên sân nhà, như nhiều doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành mía đường, và hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng mía vẫn rất cần sự hoạch định nhiều hơn nữa từ Nhà nước, với kỳ vọng Nhà nước sẽ ban hành thêm các chính sách và có các hành động cụ thể như thành lập cơ quan quản lý chính sách về mía đường, xây dựng tỷ lệ phân chia giữa nhà máy và người trồng mía, quy định quota xuất nhập khẩu, quy định giá đường ở thị trường trong nước.
TTCS tự tin hội nhập AFTA
Với 18 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành đường, kể từ thời điểm Công ty CP Mía đường Bourbon Tây Ninh (nay là Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh – TTCS) chạy thử vụ mía đường đầu tiên khi Tập đoàn Bourbon – Pháp hoàn tất việc xây dựng nhà máy, Ông Phạm Hồng Dương – Thành viên HĐQT TTCS tự tin rằng: Bối cảnh mở cửa tự do và gia nhập AFTA là một cơ hội lớn cho TTCS, bởi đây là cuộc chơi về đẳng cấp của những doanh nghiệp có sự chuẩn bị bài bản và sự quyết tâm đối diện với thực tế để cọ sát và vững vàng hơn trong hội nhập.
Trong chiến lược đường dài của mình, TTCS luôn xác định rất rõ đường là mặt hàng thiết yếu với người tiêu dùng. Điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp mía đường cần phải làm là nâng cao chất lượng sản phẩm đường và xây dựng kênh phân phối để có thể phòng thủ trước sự xâm nhập của đường ngoại. Bên cạnh đó, đầu tư có chiều sâu vào nghiện cứu nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất mía và tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Phạm Hồng Dương nhấn mạnh: “Nếu làm tốt, làm đúng, làm đủ các yếu tố này không chỉ TTCS mà doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ không còn bị ám ảnh bởi nhiều nỗi băn khoăn, trong đó có đường Thái Lan. Chúng tôi đã sẵn sàng cho sân chơi lớn”…
DNSGCT