Theo những số liệu do Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố, doanh số bán lẻ của eurozone (khu vực đồng euro) trong tháng 12-2013, nhất là trong dịp lễ Giáng sinh, đã sụt giảm nhiều nhất trong vòng hai năm rưỡi qua. Sự sụt giảm của tháng này là 1% so với cùng kỳ năm trước và 1,6% so với tháng 11-2013.Theo nhận định của các nhà phân tích, hai tỷ lệ này vượt quá những ước tính của họ và nhắc nhở mọi người cần lưu ý về tình trạng giảm phát tại cả 17 quốc gia thuộc eurozone.
Hiện nay, theo Eurostat, Đức là quốc gia mà mãi lực hàng bán lẻ trong tháng 12-2013 xuống thấp nhất, tỷ lệ sụt giảm là 2,4% so với tháng 12 năm trước. Nếu tính theo loại mặt hàng, thì thực phẩm, thức uống và thuốc lá giảm nhiều nhất (1,6% so với năm 2012), trong khi các mặt hàng không phải là thực phẩm chỉ giảm 0,4%. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là mặc dù eurozone đã hồi phục ít nhiều từ cuộc suy thoái tồi tệ nhất, song người tiêu dùng vẫn còn rất ngần ngại trong việc chi tiêu, nhất là khi tỷ lệ người thất nghiệp vẫn còn cao ngất ngưởng. Giá bán nhà ở tiếp tục đi xuống buộc các doanh nghiệp phải hạ giá thấp hơn nữa và điều này dẫn đến nguy cơ giảm phát. Một số nhà kinh tế học kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có hành động phù hợp để giải quyết vấn đề, có thể bằng cách cắt giảm lãi suất xuống còn 0,1% hay 0%/năm, so với mức hiện áp dụng là 0,25%/năm. Vào tháng 1 năm nay, hàng hóa tồn kho dành cho ngành bán lẻ đang tăng cao hơn bao giờ hết trong vòng 18 tháng qua.Các nhà bán lẻ cũng xác định là họ đạt được hiệu suất dưới mục tiêu đề ra. Các số liệu sơ khởi về tháng 1-2014 cho thấy chỉ số giá bán hàng có tăng lên đôi chút, song các công ty bán lẻ ở Đức phải đối mặt với áp lực về giá cả, trong đó mặt hàng dược phẩm có giá tăng cao nhất. Hầu như không có nhà bình luận nào tỏ ra lạc quan về ngành bán lẻ của eurozone trong năm 2014 này.
Lê Nguyễn tổng hợp