Ngày 6-2, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với Ukraina. Nghị quyết đề nghị Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên của tổ chức này chuẩn bị các biện pháp trừng phạt có mục tiêu như cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với những quan chức Ukraina được coi là chủ trương hoặc thực hiện hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình. Nghị quyết kêu gọi EU hỗ trợ tài chính cho Ukraina và thành lập một phái bộ đặc biệt của Nghị viện châu Âu tại Ukraina.
Người biểu tình tại Ukraina
Trong lúc cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina đang tiếp tục nóng thì Nga và Mỹ đã chỉ trích lẫn nhau xung quanh cuộc khủng hoảng này. Các quan chức của điện Kremlin cáo buộc Mỹ can thiệp thô bạo vào Ukraina. Bằng chứng mới nhất là một đoạn bằng ghi âm cuộc đối thoại giữa trợ lý Ngoại trưởng Mỹ là bà Victoria Nuland với đại sứ Mỹ tại Ukraina là Geoffray Pyatt. Trong băng ghi âm bị rò rỉ trên mạng, hai nhà ngoại giao Mỹ đã nói thẳng về khả năng Mỹ can thiệp vào Ukraina, bao gồm việc thành lập một chính quyền mới thay thế chính quyền thân Nga của tổng thống Viktor Yanukovych. Có lúc bà Nuland buột miệng nói những lời khiếm nhã về chính sách mềm yếu của EU đối với Ukraina, điều đó khiến cho giới chức EU nổi giận và bà Nuland phải chính thức xin lỗi.
Nội dung cuộc đối thoại cho thấy phía Mỹ ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập Arseniy Yatsenyuk, cựu thứ trưởng Kinh tế và không ủng hộ ông Vitali Klitschko, cựu vô địch quyền Anh hạng nặng, vào ghế lãnh đạo chính quyền mới. Đại sứ Mỹ Pyatt còn nói ông hy vọng sẽ sớm giải quyết vấn đề sắp xếp nhân sự cho chính phủ mới tại Kiev và cảnh báo Nga có thể dùng chiêu trò để gây trở ngại.
Trong khi đó, phó thủ tướng Nga Rogozin cáo buộc Mỹ và EU đang làm cho tình hình Ukraina trở nên phức tạp, trong khi Nga đang giúp ban lãnh đạo nước này ổn định tình hình và khôi phục sản xuất. Ông Sergei Glazyev, cố vấn của tổng thống Nga Putin tố cáo Mỹ hỗ trợ tài chính và thậm chí trang bị vũ khí cho những người biểu tình ở Kiev. Mỹ đã chi 20 triệu USD/tuần cho phe nổi dậy. Ông Glazyev khẳng định với việc can thiệp vào tình hình Ukraina, Mỹ đã vi phạm thỏa ước về giải giáp kho vũ khí hạt nhân thời Liên Xô ở Ukraina năm 1994 vốn quy định Nga và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Dựa trên điều này, ông Glazyev tuyên bố Nga có quyền can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraina song không nêu rõ Moscow sẽ sử dụng biện pháp gì.
Lâm Kiên theo New York Times