Dược phẩm, đối với một nước đang phát triển và đông dân như Việt Nam là một thị trường khổng lồ. Theo ước tính của nhiều hãng đánh giá thị trường, thị trường dược Việt Nam hiện nay có giá trị 4-5 tỉ USD/năm và có thể tăng lên đến 7 tỉ USD vào năm 2020.
Trong khi đó, thuốc chữa trị bệnh có vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, có thể xem là hàng hóa đặc biệt. Trên thị trường này, mức độ hiểu biết và nắm bắt được thông tin của người bệnh là kém hơn rất nhiều so với bác sĩ và các cơ quan y tế. Thực tế này giải thích tại sao kinh doanh thuốc chữa trị bệnh là một “mỏ vàng” ẩn chứa nhiều tiêu cực. Gần đây nhất là vụ nhập hàng kém chất lượng của Công ty VN Pharma.
Sáng 25-8, sau năm ngày xét xử vụ án liên quan đến việc làm giả hồ sơ nhập thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma và Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C cùng mức án 12 năm tù về tội buôn lậu và giả mạo hồ sơ. Bảy bị can khác từng ở vị trí lãnh đạo ở VN Pharma và các công ty dược khác cũng bị phạt tù với mức nhẹ hơn.
Vấn đề quan trọng hơn cả qua vụ án này chẳng phải là 9.300 hộp thuốc trị ung thư không đạt tiêu chuẩn (có tin nói rằng chưa được bán trên thị trường) mà chính là những lỗ hổng lớn trong việc quản lý kinh doanh thuốc trị bệnh với hàng loạt tiêu cực được phơi bày, không chỉ giới hạn trong các công ty dược mà cả giới bác sĩ. Phán quyết của tòa án yêu cầu VN Pharma làm rõ việc chi 7,5 tỉ đồng cho việc “bôi trơn” và hoa hồng cho các bác sĩ để họ kê đơn thuốc cho bệnh nhân dùng sản phẩm của công ty này cung cấp.
Đánh giá tầm mức nghiêm trọng của tình hình sức khỏe người dân đang bị đe dọa vì thuốc trị bệnh kém chất lượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp thường kỳ cuối tháng vào ngày 30-8, sau khi nghe báo cáo vụ việc xảy ra tại VN Pharma, đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc tìm hiểu việc cấp phép của Bộ Y tế diễn ra như thế nào, có nghiêm túc không. Mặc dù trường hợp vi phạm của công ty dược này đang được cơ quan pháp luật xử lý, nhưng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm có thể ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với hệ thống y tế, vì vậy theo chỉ đạo của chính phủ phải làm rõ mọi khuất tất, xử lý nghiêm minh. Điều này cũng đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra trước khi vụ án được xét xử, qua đó cho thấy thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc lâu nay là điều rất cần làm sớm.
Bốn ngày sau tuyên xử của tòa án, Bộ Y tế đã có thông cáo liên quan đến việc buôn lậu xảy ra tại Công ty VN Pharma và trách nhiệm xử lý trong đó nhấn mạnh cơ quan này, mà cụ thể là Cục Quản lý Dược, đã làm đúng các quy định. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, công ty này có đầy đủ tài liệu về lô hàng nhưng được làm giả một cách tinh vi, các chuyên gia về dược không thể phát hiện bằng mắt thường. Giải thích này không thuyết phục được giới chuyên môn.
Phiên tòa xử Công ty VN Pharma cũng là dịp nhìn lại những bất cập trong việc quản lý thuốc trị bệnh từ hàng chục năm qua: lợi nhuận quá lớn đã tạo ra nhiều mảng tối trong kinh doanh thuốc trị bệnh, quan hệ thân hữu và lợi ích nhóm ngày càng phát triển dẫn đến tình trạng quản lý lỏng lẻo, thỏa hiệp chia chác lợi nhuận bất chính.
Hiện nay thuốc chữa bệnh được phân phối qua hai kênh chủ yếu: thuốc điều trị tại bệnh viện và thuốc bán qua đơn.
Với thị trường mua bán thuốc qua các gói thầu mua sắm thuốc cho các bệnh viện, tính minh bạch thấp và rủi ro tham nhũng là rất cao. Cho dù việc cung cấp thuốc chữa bệnh chủ yếu qua đấu thầu cạnh tranh, nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành phản ánh hiện tượng một số doanh nghiệp thắng thầu không dựa trên năng lực, chất lượng và giá cả thuốc mà dựa vào các quan hệ thân hữu. Có thể đó là trường hợp VN Pharma, một doanh nghiệp chưa có bề dày kinh doanh, chưa tạo được uy tín trong ngành, nhưng chỉ hai năm sau khi được thành lập đã thắng những gói thầu lớn, doanh số cao bất thường cũng như liên tục thành lập mới các công ty thành viên để mở rộng mạng lưới và quy mô.
Trong khi đó, việc trao vai trò quá lớn cho cơ quan y tế trong hoạt động đấu thầu thuốc cũng cho thấy những rủi ro tiềm ẩn. Pháp luật về quản lý giá cũng xếp thuốc vào nhóm hàng Nhà nước phải kiểm soát giá, nhưng Bộ Tài chính, trực tiếp là Cục Quản lý Giá, không có vai trò trong việc giám sát giá thuốc nói chung và chi phí các gói thầu mua sắm nói riêng. Tất cả được giao cho Cục Quản lý Dược – thuộc Bộ Y tế, vừa có quyền kiểm soát về chất lượng, lại có quyền quyết định yếu tố kinh tế trong hoạt động mua sắm của các bệnh viện. Hai vai trò này đều chứa đựng rủi ro mâu thuẫn lợi ích.
Với thị trường bán lẻ thuốc kê đơn, chuyện các công ty dược tặng “hoa hồng” cho bác sĩ để bác sĩ ưu tiên kê thuốc do hãng dược phân phối, bản chất là một hình thức hối lộ nhưng không bị pháp luật chế tài vì không nằm trong quy định của pháp luật. Những lời hô hào “Nói không với nạn hoa hồng cho bác sĩ” chẳng qua là một khẩu hiệu rỗng tuếch.
Thực tế cho thấy giá thuốc đắt xuất phát từ thị trường hỗn loạn, với loại thuốc độc quyền, các đơn vị có thể cấu kết nhau để làm giá. Nếu giải quyết được những vấn đề này thì mới tính đến đấu thầu, đấu giá, hay thương lượng giá. Còn không, các nhà thầu sẽ tìm ra những kẽ hở trong đấu thầu để lợi dụng.
Còn giá thuốc rẻ là do những công ty không hề có nhà máy, hoặc nhập hàng từ những nước lạc hậu. Chất lượng thuốc kém, nhưng họ vẫn tham gia đấu thầu và bỏ giá rẻ đáng ngạc nhiên, sau đó sẽ thuê gia công hoặc làm cách nào miễn ra được viên thuốc.
Điều quan trọng nhất đối với ngành dược là phải cung ứng đủ thuốc có chất lượng cho bệnh nhân. Còn giá cả phải kiểm soát tiêu cực từ gốc, đặc biệt không để thuốc kém chất lượng, thuốc giả trà trộn vào thị trường.
Đấu thầu chỉ là một trong những biện pháp để mong có được thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý. Nhưng đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều khuyết điểm. Nếu đấu thầu riêng rẽ từng bệnh viện thì vấn đề tiêu cực cũng được đặt ra là liệu có sự thông đồng, tác động hay không? Nhiều hội đồng thầu, nhiều bệnh viện cũng sẽ dẫn đến tình trạng khó kiểm soát về giá và nhiều vấn đề khác về mặt luật pháp.
Còn đấu thầu chung với một gói thầu khổng lồ và số lượng bệnh viện quá lớn, cũng như đặc thù điều trị riêng của các bác sĩ thì làm sao tìm được mẫu số chung, nhất là trong tình trạng thị trường của chúng ta rất phức tạp với gần 30.000 biệt dược lưu hành, giá cả đủ loại, chất lượng cũng đủ loại.
Cho nên vấn đề căn bản cần giải quyết đối với thuốc chữa trị bệnh cho người dân là lành mạnh hóa thị trường, giảm thiểu được thuốc kém chất lượng.
Trong tình hình có quá nhiều công ty sản xuất, kinh doanh với hàng trăm ngàn nhà thuốc bán lẻ, việc kiểm tra, phát hiện, kiểm nghiệm thuốc giả, thuốc kém chất lượng là khá phức tạp. Công việc này không chỉ một mình ngành y tế có thể đảm trách, mà cần có sự kết hợp hoạt động của nhiều ngành như quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế.
- Lê Minh Trí
Xem thêm: