Không hài lòng với vị trí về nhì so với Âu – Mỹ tại các khu vực kinh tế trọng điểm trên thế giới, Nga đang âm thầm gia tăng sự xuất hiện tại Lục địa đen khi nước này đầu tư vào châu Phi với tốc độ gia tăng đáng kinh ngạc. Tổng khối lượng xuất nhập khẩu giữa Moscow và châu Phi đã tăng hơn 10 lần trong suốt thập niên vừa qua, tính đến năm nay xuất khẩu vào châu Phi tăng từ 950 triệu USD lên 4 tỉ USD, nhập khẩu từ châu Phi tăng từ 350 triệu USD lên 1,6 tỉ USD. Theo giới phân tích từ Học viện Quốc tế của Nam Phi, để Nga lấy lại cương vị cường quốc trên trường thế giới sau hơn gần một thế kỷ bị phương Tây xem là thành viên kinh tế hạng trung, họ buộc phải xuất hiện tại mọi khu vực địa lý và hiển nhiên châu Phi đang ngày một trở nên quan trọng. Trên thực tế, đối với nhóm nước phát triển, vai trò kinh tế của Lục địa đen không thể bị xem nhẹ bởi chỉ trong năm năm tới, nơi đây sẽ là sân nhà của tám trong 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, còn trong 15 năm tới GDP khu vực kỳ vọng sẽ ngang bằng với toàn bộ Đông Âu và đây cũng là nơi sở hữu một lượng khoáng sản, dầu thô và khí đốt chưa được khai thác vào hàng tiềm năng nhất hành tinh. Hẳn nhiên, những yếu tố ấy tỏ ra rất cuốn hút đối với các doanh nghiệp Nga. Bản thân Nga cũng đang chiếm giữ 35% nguồn dữ trự mỏ than đá của Trái đất, phần lớn tập trung tại Siberia và chi phí đầu tư vào đây là rất lớn. Trái lại, thâm nhập vào các mỏ than đá tại Angola, Nam Phi, Guinea và Nigeria tỏ ra dễ dàng và đi cùng lợi nhuận lớn hơn nhiều cho các nhà thầu Moscow. Vừa qua, gã khổng lồ ngành khí đốt thiên nhiên Gazprom của Nga đã hợp tác cùng công ty khí đốt quốc doanh của Algeria khai thác nguồn dự trữ có khả năng đáp ứng đến 40% nhu cầu của toàn châu Âu.
Tuy gia tăng với tốc độ rất nhanh hiện nay, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nga vào châu Phi vẫn kém xa so với các đối thủ khác đến từ Trung Quốc và Ấn Độ vốn đã bắt đầu hâm nóng mối quan hệ tại đây trước người Nga cả hơn một thập niên trước đó và thứ “vũ khí bí mật” để đầu tư chiến lược tại nơi có nạn tham nhũng và bất ổn chính trị xuất hiện rộng khắp đó chính là chính sách tài chính thông minh. Thông qua việc cung cấp vốn vay, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và vận động hành lang chính phủ các quốc gia châu Phi, chính quyền Bắc Kinh và giới ngân hàng quốc doanh Trung Quốc sẽ chủ động chấp thuận rủi ro tài chính, tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích các công ty của mình đầu tư vào đây. Có điều, sự hiện diện ngày một lớn dần của Nga tại châu Phi cho thấy chính quyền Putin đang muốn vực dậy vai trò chủ đạo của nước mình trên trường quốc tế, chủ động kết thúc thế độc tôn của Hoa Kỳ.
Lâm Kiên theo OZY (DNSGCT)