Trận động đất với những hậu quả khủng khiếp ở Nepal tháng 5 vừa qua đã làm cho 8.600 người tử vong, trên 20 ngàn ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hay thiệt hại nghiêm trọng, tác động mạnh lên đời sống của khoảng 1 triệu trẻ em và 126 ngàn phụ nữ đang mang thai. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10 tỉ USD, bằng một phần ba giá trị nền kinh tế của đất nước nghèo khó này. Sau thảm họa, cộng đồng thế giới nhanh chóng vào cuộc và hội nghị các nhà tài trợ quốc tế vừa kết thúc ở Kathmandu (thủ đô của Nepal) ngày 25-6-2015 với lời hứa viện trợ tái thiết cho Nepal 4,4 tỉ USD, chia ra 50% là tiền cho vay và 50% là viện trợ không hoàn lại. Ngân khoản cam kết hỗ trợ Nepal của mỗi nước cũng khác nhau, Ngoại trưởng Ấn Độ hứa 1 tỉ USD, còn đại diện Trung Quốc hứa 3 tỉ nhân dân tệ (483 triệu USD). Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hứa 600 triệu USD, Ngân hàng Thế giới (WB) 500 triệu USD, Nhật Bản 260 triệu USD, Mỹ 130 triệu USD, Liên minh châu Âu (EU) 100 triệu USD và Anh 58 triệu USD.
Chính phủ Nepal dự liệu một ngân khoản khổng lồ 6,7 tỉ USD cho việc phục hồi và tái thiết các cơ sở hạ tầng bị hủy hoại trong trận động đất. Một phần ba ngân khoản đó lấy từ nguồn tài nguyên quốc gia, số còn lại đến từ nguồn viện trợ bên ngoài. Nhiều quốc gia nhỏ bé và nghèo cũng động lòng trước thảm cảnh của người dân Nepal, trong đó nước láng giềng Bhutan và đảo quốc xa xôi Haiti mỗi nơi hứa tặng 1 triệu USD. Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 8 triệu người, tức gần một phần ba dân số Nepal, chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất gây thiệt hại nghiêm trọng nhất từ gần một thế kỷ qua. Theo bà Caroline Baudot, cố vấn về chính sách nhân đạo của tổ chức Oxfam, các chính phủ hứa viện trợ cùng chính quyền Nepal cần đảm bảo một kế hoạch dài hạn, đặt con người vào trọng tâm của các dự án tái thiết, với những dịch vụ cơ bản như bệnh viện, trường học, và làm thế nào để các kiến trúc xây dựng mới an toàn, chịu được động đất. Mặt khác, các nước đã hứa hỗ trợ Nepal cần tuân thủ lời hứa, không như tình trạng thường xảy ra là chỉ có khoảng phân nửa lời hứa biến thành hiện thực. Trong bài diễn văn đọc trước hội nghị ở Kathmandu, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ca ngợi Nepal vẫn đứng vững trong khủng hoảng, đặc biệt giới trẻ đã tìm ra những phương cách sáng tạo để lo cho đất nước họ. Ông cam kết LHQ luôn sẵn sàng giúp đỡ chính quyền và nhân dân Nepal.
Tuy nhiên, niềm vui của người Nepal vẫn chưa trọn vẹn. Tại hội nghị Kathmandu, chuyện nợ nần của chính phủ Nepal vẫn còn để ngỏ. Họ còn nợ nước ngoài 3,8 tỉ USD, trong đó nhiều nhất là gần 3 tỉ USD từ WB và ADB, 54 triệu USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Năm 2013, họ trả nợ được 217 triệu USD, tức mỗi ngày trả gần 600 ngàn USD. Từ khi bị động đất đến nay, họ chỉ mới trả được một khoản nợ hơn 35 triệu USD. Vì thế chuyện giảm nợ cho Nepal không chỉ là bức xúc của chính quyền và người dân Nepal, mà còn là nỗi trăn trở chung của cộng đồng quốc tế, khi ngoài IMF ra, hai chủ nợ lớn nhất là WB và ADB vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)