Một thông tin được công bố tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2011 khiến nhiều người giật mình, sau năm năm chuyển đổi diện tích sử dụng đất đã ảnh hưởng tới khoảng 950.000 lao động và khoảng 2,5 triệu người. Trung bình cứ 1ha sau khi thu hồi thì có 10 nông dân bị mất việc làm. Chỉ tính riêng quyết định bổ sung thêm 28 sân golf đã ngốn thêm khoảng 6.000ha đất nông nghiệp. Đáng lưu ý là một số dự án sân golf chỉ chiếm 1/3 diện tích theo quy hoạch, còn lại dùng để xây biệt thự cao cấp và các dịch vụ khác cho một nhóm người có tiền và có quyền.
Trước đó, bản “Đánh giá các yếu tố rủi ro gây tham nhũng trong quản lý đất đai” do Đại sứ quán Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp thực hiện cũng nêu các thông tin tương tự, giai đoạn 2001-2010 đã có gần 1 triệu ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp. Trên 5 triệu ha đất bị bỏ hoang (chiếm 62% tổng số đất bỏ hoang năm 2000) được chuyển đổi sử dụng theo nhiều mục đích khác. Số đất bị thu hồi thường rơi vào đất nông nghiệp khiến hàng vạn hộ dân mất đất, mất nơi sinh sống, mất kế sinh nhai.
“Vì không được công nhận quyền sở hữu về đất đai nên người dân không có quyền từ chối việc bị thu hồi đất. Đất đai của họ có thể bị nhà nước thu hồi với giá bồi thường rẻ cho các mục đích công. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ được nhận tiền bồi thường rất thấp so với giá thị trường. Trong nhiều trường hợp, buộc phải giao đất cho nhà nước với mức giá và điều kiện do nhà nước đưa ra”, ông Đặng Hùng Võ đúc kết sau một thời gian nghiên cứu thực địa.
Việc dễ dàng lấy đất từ tay người nghèo do những lỗ hổng trong cơ chế, do những yếu kém trong quản lý và đạo đức của một số quan chức càng thúc đẩy quá trình “phân bổ lại” nguồn lực đất đai theo hướng tích tụ đất vào tay số ít người giàu. Những nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đã cho thấy mức chênh lệch giá rất lớn. Bình Dương đất nông nghiệp có giá 190.000 đồng/m2 nhưng bên ngoài là 30 triệu đồng, Bắc Ninh là 200.000 đồng thì ở ngoài là 35 triệu đồng/m2… Những người am hiểu cho rằng, mức chênh cao như vậy tạo điều kiện cho địa phương thu hồi đất giao cho doanh nghiệp để thu thuế cao hơn. Tóm lại, người dân chẳng được gì, nhà nước chẳng được gì, nơi hưởng lợi nhiều nhất là chính quyền cấp huyện. “Chế độ công hữu về đất đai đã giao độc quyền quyết định về đất đai cho chính quyền, có thể quyền quyết định đó thuộc một nhóm cá nhân lãnh đạo nhất định. Nếu thiếu trách nhiệm giải trình và thiếu công khai, minh bạch thì nguy cơ tham nhũng có thể đến từ nhiều phía”, ông Võ khuyến cáo.
Xem ra, tham nhũng đất đai đã không còn là nguy cơ mà đã biến thành quốc nạn bởi sự không rõ ràng của quyền sở hữu. Số liệu của Thanh tra Chính phủ cung cấp cho báo chí cho hay, mỗi năm có khoảng 100.000 vụ tranh chấp, phản ánh, tố cáo, khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trên khắp các mặt báo xen lẫn những tiếng kêu bày tỏ sự bức xúc của người dân mất đất là các thông tin về việc quan chức tham lam nhân danh công hữu cưỡng ép thu hồi đất của người dân.
– Ngày 22-5-2008, TAND Thành phố Hà Nội đưa ra xét xử tám vị quan đứng đầu xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”. Từ năm 2001 đến 2004, các vị này thu tiền của 313 hộ sử dụng đất theo nội dung “tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng” với tổng số tiền thu được là hơn 3,8 tỉ đồng, trong đó có hơn 3,6 tỉ đồng là thu từ việc chuyển mục đích sử dụng 101.552m2 đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất công thành đất thổ cư.
– Chiều 4-6-2008, TAND tuyên phạt tù các bị cáo là lãnh đạo Công ty TNHH mía đường Tây Ninh. Các ông này lợi dụng chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp cấp cho dân ổn định sản xuất, đã cho người thân đứng tên kê khai đất “tự khai hoang” (thực chất là đất nhà máy mượn của Lâm trường Tân Châu) để được cấp sổ đỏ, chiếm 212ha đất công. Những tiêu cực trên đã gây nhiều bất bình trong dân, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện kéo dài suốt 15 năm qua.
– Ngày 25-6-2007, tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng đã tuyên án phạt tù đối với các bị cáo trong vụ tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn (Hải Phòng) nguyên là những vị nắm giữ các vị trí chủ chốt tại địa phương. Những quan tham này đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ như cố tình làm trái quy định, trục lợi bằng việc để người thân làm đơn xin giao đất ở Đồ Sơn…
– Và vừa mới đây, “quả bom Đoàn Văn Vươn” đã đưa một loạt quan chức cấp huyện bị đình chỉ công tác vì lạm quyền.
Những thực chứng này tạm đủ cho thấy, đang có một khoảng cách lớn giữa người dân và chính quyền địa phương trong cơ hội hưởng lợi từ đất đai. Điều này cũng có nghĩa cách tiếp cận đất đai lâu nay đã không còn phù hợp với xu thế phát triển của quốc gia. Trong nhiều trường hợp người nông dân bị đẩy vào tình cảnh mất ruộng, chán ruộng và ngày một nghèo đi thì một nhóm các quan chức lại đang giàu lên nhanh chóng.
Đây chính là những lý do mà mới đây ông Nguyễn Đình Lộc và các chuyên gia có uy tín khi bàn về đất đai đại sự đã cho rằng, không thể lẩn tránh vấn đề cơ bản trong Luật Đất đai là quyền sở hữu. Cần sửa Luật Đất đai theo hướng tạo công bằng vì, nếu không có sự thay đổi cơ bản về chế độ sở hữu, những “quả bom Đoàn Văn Vươn” vẫn có thể nổ ra.
May mắn là ngay tại Đại hội Đảng khóa XI vừa qua, đa số đại biểu cũng không nhất trí với phương hướng xác lập chế độ công hữu đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu, mà nhất trí với phương hướng lựa chọn chế độ sở hữu phù hợp đối với từng giai đoạn cách mạng. Và cương lĩnh 2011 của Đảng cộng sản Việt Nam đã không còn xác định “công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” như Cương lĩnh 1991. Đây chính là cơ hội lớn để chúng ta quyết định lựa chọn chế độ sở hữu phù hợp trong giai đoạn sắp tới.
Xin đừng quên, điều tốt đẹp của ngày mai chưa thể bắt đầu nếu ngày hôm nay chúng ta lựa chọn sai hoặc cứ giẫm chân tại chỗ. Suy cho cùng việc trở lại đa sở hữu đất đai là vô cùng quan trọng trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này.
Thu Hà